Chuyên gia Nga nói về "dấu chân hổ" ở Yên Bái

14:15, 27/04/2013
|

(VnMedia) - Trong khi các cơ quan chức năng ở Yên Bái kết luận những dấu chân "lạ" mà người dân phát hiện được là của 2 con hổ thì chuyên gia bảo tồn hổ Amur ở Nga khẳng định chắc chắn rằng, đó không thể là dấu chân hổ...


 Ảnh minh họa

 Dấu chân thú được cho là của 2 mẹ con hổ ở Yên Bái - ảnh: TTXVN


Trước đó, chiều 19/4, có 3 người dân ở xã Minh Tiến, huyện Lục Yên chi biết, khi họ lên khu rừng khoanh nuôi tái sinh phòng hộ của xã nơi giáp gianh với xã An Phú của huyện thì bất ngờ nghe thấy tiếng gầm gừ của thú dữ, họ vội nhìn thì thấy một hổ to và một hổ con (được nghi là 2 mẹ con hổ), trong đó con hổ to vươn mình lên gầm gừ ở phía khe suối.

 

Thấy vậy họ vội chạy về nhà loan báo với dân làng để đề phòng thú dữ. Ngay trong đêm hôm đó, 200 hộ dân ở xã Minh Tiến cũng đã nghe thấy tiếng hổ gầm.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên đã đến xác minh và phát hiện được dấu chân hổ ở khu vực người dân thông báo. Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên đã báo cáo lại hoàn toàn sự việc với Chi cục Kiểm lâm Yên Bái.

 

Đến chiều 20/4, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã có văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Lục Yên triển khai các biện pháp bảo vệ hổ và đảm bảo an toàn cho người dân.

 

Ngày 21/4, ông Đào Đình Khoa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái khẳng định các cơ quan chức năng đã xác định rõ việc người dân phát hiện hai cá thể hổ ở huyện Lục Yên (Yên Bái) là hoàn toàn chính xác.

 

Chi Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái sau đó đã phối hợp với huyện Lục Yên để bảo vệ hai cá thể hổ này, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng.

 

Tiếp đó, Ủy ban Nhân dân huyện Lục Yên đã họp khẩn cấp và thành lập 2 đoàn công tác gồm các cán bộ hạt kiểm lâm, công an, bộ đội xuống khu vực nói trên tại hai xã Minh Tiến và An Phú để tuyên truyền cho nhân dân đồng thời thành lập chốt bảo vệ hổ và giữ an toàn cho người dân.

 

Tuy nhiên, trước thông tin này, Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WCS Việt Nam ) đã tham vấn ý kiến của Giám đốc WCS Nga, ông Dale Miquelle, một chuyên gia giàu kinh nghiệm với chương trình bảo tồn hổ Amur ở Nga.

 

Ông Dale cho biết: "Khó để xác định được dấu chân chỉ từ một bức ảnh, nhất là khi không có kích thước hoặc đánh giá bằng cách so sánh về kích thước. Tuy nhiên, rõ ràng là có dấu của móng vuốt ở phía trước của phần lớn các ngón chân trong vết chân này. Tất cả loài mèo (trừ báo Cheetah) đều có móng vuốt rút vào trong đệm thịt, do đó rõ ràng là dấu chân này không phải của bất kỳ loài mèo nào, trong đó có cả hổ. Vết chân này có vẻ như của một loài chó, hoặc có thể là họ cầy hoặc chồn, nhưng chắc chắn không phải là loài hổ."

 

WCS Việt Nam cũng cho biết, một số chuyên gia về động vật hoang dã tại Việt Nam cũng có ý kiến tương tự khi khẳng định vết chân có dấu móng như trong ảnh không thể là của Hổ.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc