Phạt xe không chính chủ: Rút quy định không có nghĩa là sẽ không xử lý!

07:04, 30/03/2013
|

(VnMedia) - Chiều 29/3, trả lời câu hỏi của VnMedia, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc Bộ Giao thông đề xuất rút quy định phạt xe không chính chủ không có nghĩa là hành vi đó không bị xử lý mà các bộ, ngành liên quan nếu đồng ý rút thì phải đặt quy định xử lý hành vi đó vào một văn bản quy phạm pháp luật khác.  

>>Giữ nguyên quy định bắt buộc chuyển quyền sở hữu phương tiện
>>Thủ tướng sẽ quyết định việc phạt xe không chính chủ

Xung quanh dư luận nhiều chiều về việc xử phạt xe không chính chủ, chiều 29/3, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, từ năm 1995, xuất phát từ Điều lệ An toàn giao thông đường bộ, chúng ta đã quy định việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông nếu không phải là chính chủ.

Tới năm 2005, có nhận thức lại vẫn phải quy định nghĩa vụ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đối với những động sản theo quy định Bộ Luật dân sự. Bộ Luật dân sự quy định những động sản phải đăng ký biển số quốc gia, do đó, chúng ta chuyển đối tượng xử phạt sang chủ phương tiện.

Cách đây mấy tháng khi Nghị định 71 ra đời, báo chí góp ý rất nhiều, mới thấy rằng bản thân Nghị định vẫn theo đúng tinh thần đó nhưng lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn không đúng, xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông về nguồn gốc phương tiện mà mình đang điều khiển và việc đó đã được chấn chỉnh.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc quy định các phương tiện giao thông cơ giới, cụ thể là ô tô, xe máy (phương tiện tác động nhiều đến người dân) được quy định bởi Bộ Luật dân sự là cần thiết. Đây là tài sản có giá trị nên giúp người dân bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của mình thì phải đăng ký.

Hơn nữa, phương tiện giao thông là nguồn gây hậu quả liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Phương tiện giao thông có thể là phương tiện thực hiện các hành vi phạm tội khác nên phải đăng ký, nhưng từng thời kỳ khác nhau, có thể đến lúc nào đó sẽ quy định lại. Khi cần đăng ký chính chủ thì đương nhiên phải đi kèm với chế tài xử phạt và việc xử phạt vi phạm phải đúng đối tượng là phải xử phạt chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển.

Thứ hai, việc xử phạt có thể nằm trong Nghị định này, Thông tư kia, tùy từng lúc, từng nơi nhưng phải được quy định trong hệ thống pháp luật. Chính phủ đã chỉ đạo, điều quan trọng nhất Bộ Công an, Bộ Tài chính phải có biện pháp cụ thể để giải quyết thực trạng nhiều năm nay chúng ta buông lỏng quản lý lĩnh vực này.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Vũ Đức Đam. Ảnh: Xuân Tùng

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, theo thông tin chưa đầy đủ, chúng ta hiện có trên 10 triệu xe máy không chính chủ do rất nhiều quy định bất cập trước đây và bây giờ phải có giải pháp để tạo điều kiện cho người dân khắc phục. Vì thế, Bộ Tài chính, Bộ Công an đã có những đề xuất từ ý kiến nhân dân, báo chí, như giảm phí, thuế khi đăng ký lại, hay đơn giản hóa thủ tục. Nhưng để thực hiện đối với cả chục triệu phương tiện thì cần có thời gian. Tuy nhiên, cũng phải có chế tài, đặc biệt phải tuyên truyền để những phương tiện mới, những lỗi mới không tái phạm.

“Chúng tôi được biết sau khi báo chí nêu, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã có trao đổi và đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi và khi hai Bộ trình lên, Chính phủ sẽ xem xét với tinh thần là quản lý tốt xã hội nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắc phục tồn tại trong nhiều năm trước đây. Hiện dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến nhân dân. Báo chí có rất nhiều bài phân tích. Những ý kiến đó sẽ được trân trọng tiếp thu”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Rút quy định không có nghĩa là sẽ không lý!

Liên quan đến việc mới đây Bộ Giao thông vận tải đã rút quy định xử phạt xe không chính chủ ra khỏi Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; trả lời câu hỏi của VnMedia về quan điểm của Chính phủ về việc trên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, những hành vi như vậy phải được quy định trong hệ thống pháp luật. Có thể nằm ở Luật, Nghị định, Thông tư này hay Luật, Nghị định, Thông tư khác. Khi xây dựng các Luật, Nghị định, Thông tư phải tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải thành lập ban soạn thảo gồm Bộ đầu mối và các bộ khác cùng tham gia.

Do có rất nhiều vấn đề không chỉ liên quan đến một bộ mà liên quan đến nhiều bộ, ngành như vấn đề đang đề cập vừa liên quan đến Bộ Giao thông vận tải ở góc độ công tác bảo đảm an toàn giao thông, vừa liên quan đến Bộ Công an ở góc độ bảo vệ quyền sở hữu phương tiện và trách nhiệm khi người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm pháp luật.

Các đại diện bộ, ngành cùng bàn bạc, thống nhất, tất cả các ý kiến của các bộ, ngành trong ban soạn thảo sẽ được tổng hợp lại; đồng thời tiếp thu ý kiến của nhân dân, gồm cả các ý kiến trên báo chí. Tất cả các ý kiến đó đều được trân trọng tiếp thu và Chính phủ sẽ thảo luận, bỏ phiếu tập thể khi xây dựng Nghị định.

“Tôi nhắc lại, dù Nghị định này hay Nghị định khác thì hành vi đó cũng phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý. Bộ Giao thông vận tải đề xuất rút quy định đó ra không có nghĩa là hành vi đó không bị xử lý nữa mà các bộ, ngành liên quan nếu đồng ý rút ra thì phải đặt quy định xử lý hành vi đó vào một văn bản quy phạm pháp luật khác”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc