Không được tổ chức cưỡng chế trong đêm

14:56, 02/03/2013
|

(VnMedia) - Không tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Không tiến hành cưỡng chế trước và sau Tết Nguyên Đán 15 ngày, trong các ngày nghỉ, ngày lễ khác... là những điểm mới được quy định trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 64...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức lấy ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung môt số quy định của Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

 

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi này, vấn đề cưỡng chế thu hồi đất đã được sửa đổi, bổ sung hàng loạt quy định.

 

Không được tổ chức cưỡng chế trong đêm

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất là phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan và nhanh chóng.

 

Đặc biệt, Dự thảo quy định, không tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Không tiến hành cưỡng chế trước và sau Tết Nguyên Đán 15 ngày, trong các ngày nghỉ, ngày lễ khác theo quy định của pháp luật hoặc trong thời gian diễn ra những sự kiện lớn trọng đại của Đảng và Nhà nước.

 

Về quy định này, một số đại biểu khi tham gia hội thảo lấy ý kiến được tổ chức tại Ninh Bình mới đây cho rằng, điều này khó thực hiện. “Quy định không được bắt đầu thực hiện cưỡng chế trong đêm thì hợp lý, nhưng nếu quy định không được cưỡng chế trong đêm thì rất khó thực hiện. Có những trường hợp phải cưỡng chế dài ngày, nếu quy định như vậy, chẳng lẽ đang cưỡng chế dở mà đêm đến thì phải dừng lại?” - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Hạ Long góp ý.


Trong khi đó, đại diện tỉnh Hưng Yên cho rằng, nên bỏ cụm từ "nhanh chóng" trong dự thảo vì khó xác định thế nào là nhanh chóng.
 

Dự thảo cũng quy định chỉ được phép cưỡng chế khi đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 29, 30 và 31 của Nghị định và đã quá 30 ngày kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 4, Điều 31 Nghị định này mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 

Việc cưỡng chế cũng chỉ được thực hiện sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND và UBMT Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước; Có quyết định cưỡng chế của UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành.

 

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ được tổ chức cưỡng chế khi người được cưỡng chế đã nhận được quyêt định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất thu hồi. Việc cưỡng chế thu hồi đất phải có quyết định cưỡng chế bằng văn bản…

 

Quyết định cưỡng chế thu hồi đất được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hoặc niêm yết công khai theo quy định tại điểm d khoản 3, Điều 72 của Luật này. Về điểm này, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hưng Yên góp ý, quyết định cưỡng chế cần phải đươc nêm yết công khai đồng thời với việc gửi đến tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế.

 

Dự thảo cũng quy định, Quyết định cưỡng chế thu hồi đất phải được gửi đến UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi và các cơ quan có trách nhiệm tham gia thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất trước khi tiến hành cưỡng chế 5 ngày làm việc để phối hợp thực hiện.

 

Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất thì có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất không được uỷ quyền.


 Ảnh minh họa

 Không được tổ chức cưỡng chế trong đêm và các ngày nghỉ, lễ, tết... - ảnh minh họa

 

Vắng mặt vẫn bị cưỡng chế

 

Theo Dự thảo, trước khi tiến hành cưỡng chế, tổ chức chủ trì thực hiện cưỡng chế mời cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế đến làm việc để vận động, thuyết phục lần cuối; nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thi hành. Sau 15 ngày kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc niêm yết công khai quyết định mà người cưỡng chế không tự nguyện bàn giao đất thì sẽ tổ chức cưỡng chế.

 

Trong thời gian qua, nhiều vụ cưỡng chế đã không thể thực hiện được bởi một số cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tìm đủ mọi cách trì hoãn, trong đó có việc vắng mặt, không xuất hiện tại nơi bị cưỡng chế. Điều này đã gây khó khăn và khiến cho việc giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án, công trình bị chậm tiến độ.

 

Để khắc phục những tồn tại này, Dự thảo quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

 

Ngoài ra, trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế từ chối nhận tài sản, tổ chức chủ trì thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tổ chức thực hiện trông giữ, bảo quản tài sản đúng theo quy định của pháp luật và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Tuy nhiên, nếu quá thời hạn 6 tháng mà người có tài sản không đến nhận thì tài sản đó sẽ bị xử lý theo pháp luật…

 

Theo Dự thảo, lực lượng công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc