Vì sao Hà Nội làm cầu vượt chậm?

07:55, 20/02/2013
|

(VnMedia) - Các cây cầu vượt lắp ghép sắp tới tại Hà Nội sẽ được thi công nhanh hơn, nhưng không dám chắc là sẽ nhanh hơn thành phố Hồ Chí Minh - Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết.

 

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước tiến hành làm cầu vượt nhẹ chống ùn tắc giao thông và cho đến nay đã có 4 cầu hoàn thành, 2 cầu khác cũng mới được khởi công gần đây.

 

Hai cây cầu vượt nhẹ đầu tiên của Hà Nội được chính thức thông xe hôm 26/4/2012 sau 3 tháng thi công là cầu vượt lắp ghép là Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc - Tây Sơn. Tiếp đó, sáng 14/11, cây cầu vượt khung thép thứ 3 của Thành phố được xây dựng tại ngã tư nút giao đường Láng Hạ - Lê Văn Lương cũng thông xe sau 6 tháng thi công. Cầu vượt nhẹ nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh cũng được khánh thành hôm 16/12 sau 5 tháng thi công.

 

Những cây cầu đã hoàn thành trong thời gian vừa qua được đánh giá là một giải pháp góp phần rất lớn cho việc giảm ùn tắc giao thông trong nội đô TP. Hà Nội.

 

Sau Hà Nội, mới đây, vào ngay trước Tết Nguyên Đán, hai cây cầu thép cũng đã được khánh thành tại TP. Hồ Chí Minh và hiện cả hai thành phố đều đang tiếp tục triển khai những cây cầu mới.

 

Tuy nhiên, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 19/2, đã có ý kiến thắc mắc rằng, tốc độ thi công cầu vượt lắp ghép tại Hà Nội chậm hơn của TP. Hồ Chí Minh. Việc này có thể gây bất tiện cho người tham gia giao thông.

 

Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, việc thi công cầu nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào độ lớn của cây cầu mà còn phụ thuộc rất nhiều vào kết cấu của nền đất. “Hà Nội là địa phương đầu tiên làm cầu vượt lắp ghép và hiện đã làm đến chiếc thứ 6. Chắc chắn những chiếc cầu làm sau sẽ được rút kinh nghiệm và thi công nhanh hơn, tuy nhiên tôi không dám nói là sẽ nhanh hơn TP. Hồ Chí Minh bởi kết cấu nền đất tại Hà Nội rất yếu” - ông Tân thẳng thắn.


 Ảnh minh họa

 Tốc độ, thời gian thi công cầu nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào kết cấu nền đất

 

Tiếp tục phân làn đường

 

Cũng liên quan đến giao thông Hà Nội, ngoài việc tổ chức giao thông và quản lý điều hành giao thông theo hướng nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông, cải tạo, lắp đặt hệ thống camera… Phó Giám đốc Sở Giao thông Thành phố cho biết, thời gian tới, ngành giao thông của Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện phân làn, phân luồng phương tiện giao thông.

 

“Đánh giá chủ quan của ngành Giao thông và Công an Thành phố thì việc phân làn, phân luồng đã đạt hiệu quả cao. Hiện chỉ còn rất ít người và trong giờ cao điểm là còn đi xe máy vào làn đường của ô tô, còn hầu hết mọi người đã đi đúng vào làn đường củamình” – ông Tân khẳng định khi được phóng viên hỏi về hiệu quả của công tác phân làn đường.


Ông Tân cũng cho biết, năm 2013, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều đề án, quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải; trong đó có Đề án thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên đại lộ Thăng Long. “Hệ thống quản lý giao thông thông minh là hệ thống quản lý, ghi chép toàn bộ những hoạt động trên tuyến đại lộ Thăng Long và được xử lý bằng vi tính. Như vậy có cả phạt nguội, có cả thông báo, hướng dẫn khoảng cách giữa các phương tiện…" - ông Tân cho biết.
 
 

Tai nạn giao thông giảm mạnh

 

Trong khi tình trạng tai nạn giao thông trên cả nước diễn ra hết sức nghiêm trọng dịp trước và trong Tết Nguyên đán thì trên địa bàn Hà Nội, số vụ, số người chết và bị thương đều giảm.

 

Báo cáo tại buổi giao ban báo chí Thành ủy, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân, cho biết, trong tháng 1/2013, trên địa bàn toàn Thành phố xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông làm chết 67 người và bị thương 34 người. Đây là một con số rất đau lòng, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2012 thì đã giảm được giảm được 21%. Số người bị thương cũng giảm được 28%.

 

Đặc biệt, trong 9 ngày nghỉ Tết, các phương tiện liên tục đưa tin những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cướp đi mạng sống của trên 300 người trên cả nước, nhưng riêng địa bàn Hà Nội số người chết và số vụ tai nạn nghiêm trọng đều giảm so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó, số vụ tai nạn nghiêm trọng đã làm 12 người chết (giảm 4 người = 25%). Đáng ghi nhận là trên địa bàn Thành phố cũng không xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nào trong 9 ngày nghỉ Tết.

 

Thống kê cũng cho thấy, các vụ tai nạn ít nghiêm trọng như va chạm… cũng giảm mạnh (50%).

 

Để có được những kết quả nói trên, theo ông Nguyễn Xuân Tân, Hà Nội đã thực hiện tốt kế hoạch liên ngành giữa Công an TP và GTVT. Ông Tân cũng nhận xét, ý thức tham gia giao thông của người Thủ đô đã được tăng lên rõ rệt.

Triển khai thi công hàng loạt công trình trọng điểm

Sắp tới, ngành giao thông vận tải Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện 12 công trình giao thông trọng điểm là cầu vượt đường Chùa Bộc – Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh – đường Láng; Lê Văn Lương – đường Láng; nút Nam Hồng – Bắc Thăng Long – Nội Bài; cầu Yến Vĩ; 2 công trình cầu vượt đường Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt, cầu vượt đường Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã; cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn; cầu cho người đi bộ qua đường khu nhà ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long; cầu Mọc; dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi (giai đoạn I); dự án cầu Mỹ Hưng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc