Rác ngày ông Táo: Không chỉ chờ ý thức

16:58, 04/02/2013
|

(VnMedia) - Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết ông Công, ông Táo là tình trạng túi nilông vứt tràn lan lại diễn ra. Năm nay, mặc dù lượng túi nilông, rác thải đã có chiều hướng giảm hơn, nhưng vẫn có rất nhiều người vứt ra đường.

 

Hai ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng đều đồng loạt đưa tin về tình trạng vứt túi nilông ra đường sau khi thả cá chép trong ngày lễ ông Công, ông Táo. Hầu hết, dư luận đều đánh giá rằng ý thức của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường còn thấp.

 

Điều đó cũng có phần nào đúng, tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người có ý thức nhưng không biết vứt túi nilông ở đâu sau khi thả cá xuống sông, hồ.

 

“Tôi luôn có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nên sau khi thả cá đã cố gắng đi tìm thùng rác. Tuy nhiên, chạy vòng quanh hồ Ngọc Khánh cũng không tìm thấy nơi vứt rác nên đành mang về nhà. Túi thì ướt, chẳng biết để vào đâu. Ông xã cứ cằn nhằn là sao không vứt luôn ở cạnh đó để người quét rác đến dọn?” - chị Hoài, ở khu tập thể Bưu điện gần đó chia sẻ.

 

Trong khi đó, bà Thuần ở phố Kim Mã cho biết, sau khi cúng ông Công ông Táo, bà mang cá ra hồ Thủ lệ để thả. Tuy nhiên, sau khi thả cá bà cũng không tìm được thùng rác và đành tìm một đống rác “tự phát”, nơi có nhiều túi nilông để vứt vào đó vì bà còn phải đi chợ, không thể mang theo cái túi rác đó.

 Ảnh minh họa

 Thiếu thúng đựng rác cũng là một lý do khiến người dân vứt rác bừa bãi


Tình cảnh như chị Hoài và bà Thuần là khá phổ biến trong ngày ông Công ông Táo.

 

“Đúng là ý thức của người dân mình chưa cao, nhưng nếu vậy thì càng cần phải tạo điều kiện để bà con giữ vệ sinh. Hà Nội chỉ có một số hồ và cầu bắc qua sông mà người dân hay tập trung để thả cá. Nếu có sự chuẩn bị thì công ty vệ sinh môi trường của Thành phố nên bố trí thêm nhân lực vào ngày cao điểm tại những vị trí đó để nhắc nhở. Ngoài ra, cần đặt thêm nhiều thùng rác, thậm chí các túi rác di động để người dân bỏ rác vào. Như vậy, chắc chắn tình trạng vứt túi nilông lung tung sẽ giảm bớt” - chị Minh Thuỳ (20 Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình) nói.

 

Anh Tuấn Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, không chỉ ngày ông Công ông Táo mà các ngày khác như lễ hội hoa, Noel… thường là dịp người dân đi chơi và xả rác nhiều. Vì vậy, ngành môi trường nên có kế hoạch trước để sau đó đỡ phải vất vả đi dọn. Ngoài ra, đây cũng là những dịp tuyên truyền về nhận thức cho người dân hiệu quả hơn

 

“Không chỉ trông chờ vào ý thức của người dân, bởi ý thức là cả một quá trình và cần có thời gian. Trên thực tế tình trạng này đã có chiềuhướng giảm, tuy chưa nhiều. Các ngành nghề khác có tháng cao điểm, vậy thì ngành vệ sinh môi trường Thành phố có thể tổ chức ngày cao điểm. Như vậy, chính ngành môi trường sẽ đỡ vất vả khi phải đi giải quyết hậu quả” - anh Lê Bá Cung (phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa) nói.

 

Trong ngày lễ ông Công, ông Táo vừa qua, có một cách tuyên truyền khá ấn tượng, đó là tặng lì xì cho những người không vứt túi nilông ra đường. Cùng với đó, ban tổ chức đã dựng những khẩu hiệu bảo vệ môi trường dọc quanh bờ hồ và hướng dẫn người dân bỏ rác và túi bóng vào bao tải thay vì vứt xuống lòng hồ gây ô nhiễm và mất mĩ quan.

 

“Nếu ở mỗi con hồ, cây cầu, công ty vệ sinh môi trường đều bố trí nhân viên và các lực lượng tình nguyện mang bao tải, thùng, hộp đựng rác để tuyên truyền thì chắc chắn không có tình trạng túi nilông vứt tràn lan. Việc làm này không chỉ hiệu quả ngay lập tức, mà nó còn có thể giúp người dân thay đổi hành vi trong các lần sau” - chị Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng chia sẻ, Hà Nội đã có quy định cấm vứt rác ra đường, thậm chí đã quy định cả mức tiền phạt nếu người dân vi phạm. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa từng có ai vứt rác mà bị phạt.

"Nếu trước ngày ông Công ông Táo, Hà Nội vừa tuyên truyền nhắc nhở, vừa thông báo kế hoạch phạt tiền, sau đó thí điểm phạt luôn thì có lẽ người dân sẽ không dám vứt túi nilông xuống hồ nữa" - chị Mỹ Hạnh (ngõ 84, Ngọc Khánh) nói.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc