Tức cười "mưu hèn kế bẩn" chống cảnh sát!

06:47, 10/12/2012
|

(VnMedia)- Bóp cổ, đâm, đánh, đốt xe, mang cả bình gas ra doạ cảnh sát giao thông… thậm chí “chém gió” tung trời với lực lượng chức năng là những hành động càn quấy chống đối người thi hành công vụ trong thời gian gần đây…

 Ảnh minh họa

Mang cả bình gas đến "doạ" cảnh sát giao thông.


Châm lửa đốt cảnh sát giao thông, đốt phương tiện của bản thân để chống đối

Ngày 7/12, khi bị dừng xe để xem xét xử lý về hành vi chạy quá tốc độ trên Quốc lộ 1A, Ngô Xuân Thảo (27 tuổi, quê Bình Phước) đã đạp xe đổ ra đường làm xăng văng vào người cảnh sát. Sau đó, Thảo đã bật quẹt gas châm lửa đốt làm một trung úy bị bỏng.

Đây không phải là vụ “thị uy” người thi hành công vụ đầu tiên diễn ra trong thời gian gần đây. Dường như, sau chiêu trò đâm xe trực diện vào cảnh sát giao thông, hất cảnh sát giao thông lên nóc ca pô, các đối tượng đã nghĩ ra muôn cách để chống đối lực lượng cảnh sát giao thông .

Ngày 28/9, Công an huyện Lâm Hà đã khởi tố, bắt tạm giam Thạch Văn Sơn (47 tuổi, ngụ tại thôn 4, Gia Lâm, Lâm Hà) để điều tra xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.

Sáng ngày 11/9, Thạch Văn Sơn điều khiển xe máy BKS 29L9- 4011 chở vợ, con từ nhà vào vườn cà phê. Đi được hơn chục mét, bị Cảnh sát giao thông Công an huyện Lâm Hà phát hiện, ra tín hiệu dừng xe xử phạt vì ba lỗi vi phạm: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định và không mang theo giấy tờ xe máy. Năn nỉ xin miễn xử phạt không được, Sơn tỏ thái độ bất hợp tác, có hành vi chống đối, liên tục đôi co, chửi mắng đồng chí Kiều Xuân Cảnh (cán bộ Đội Cảnh sát giao thông) và đồng chí Phạm Văn Hiến (chiến sỹ Cảnh sát cơ động). Trước thái độ kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ của lực lượng chức năng, Sơn lên xe máy định bỏ trốn không được đã quay ra tự đạp đổ xe máy xuống đường, rút dây dẫn ở bình xăng con cho xăng chảy ra ngoài, châm lửa đốt cháy xe máy của mình rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.

Trước đó, ngày 4/8, tại tổ 5, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum (Kon Tum), Lê Văn Đông (26 tuổi, ngụ tại xã Phú Thiện, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) khi đang điều khiển xe máy hiệu Future neo, biển số 81K4-5225 đi đến đoạn đường trên đã bị cảnh sát giao thông tỉnh Kon Tum thổi phạt vì vi phạm tốc độ.

 Ảnh minh họa

 Chiếc xe bị đốt cháy của Lê Văn Đông.


Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra, xử lý thì Đông bất hợp tác và có hành vi chống đối. Đông liên tục đôi co với lực lượng chức năng, không những vậy còn tự ý đạp xe ngã xuống đường, cởi mũ bảo hiểm đập xe làm rớt dây xăng, xăng chảy ra ngoài.

Thấy vậy Đông đã tự châm lửa đốt cháy xe máy của mình. Hậu quả, xe máy bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, lợi dụng lúc đông người hiếu kỳ, Đông đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Ngày 8/5, Nguyễn Công Nghiệp (51 tuổi, ở Cần Thơ) đã lớn tiếng lăng mạ tổ tuần tra và vác bình gas đến chốt cảnh sát giao thông đặt cạnh cây xăng, rồi xì gas, đe dọa lực lượng chức năng và có ý định cho nổ tung cây xăng. Nghiệp đã bị khống chế, bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi chống người thi hành công vụ.

 Ảnh minh họa

Thanh niên Lạng Sơn cầm chai bia đánh cảnh sát giao thông!


Đánh, cố thủ trong xe để chống cảnh sát giao thông

7h30 ngày 19/11, tại ngã tư đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), tổ công tác Đội CSGT Công an Hà Tĩnh phát hiện xe khách chạy hướng Nam - Bắc vi phạm luật giao thông nên đã dừng xe để kiểm tra.

Tuy nhiên, lái xe Vũ Xuân Quang (33 tuổi, ở Thanh Hóa) và phụ xe Lê Sĩ Tín (32 tuổi, ở Đắk Lắk) không chấp hành mà còn tông thẳng xe vào trung úy Trần Xuân Hà và ôtô của cảnh sát. Sau đó, người này đổi lái quay đầu bỏ chạy theo hướng vào Nam. Cú tông làm trung úy Hà bị thương.

 Ảnh minh họa

 Lái xe taxi này đã cố thủ trong xe cả tiếng đồng hồ để chống đối cảnh sát.


Khi lực lượng chức năng chặn được xe, yêu cầu lái xe mở cửa, xuất trình giấy tờ nhưng người này không chấp hành, đóng cửa cố thủ trong xe.
Sau gần 1 tiếng, lái xe vẫn không mở cửa, công an buộc phải phá van hơi cửa xe. Gần 40 hành khách trên xe nhốn nháo, lo lắng, có người chịu không nổi sự ngột ngạt đã đập cửa kính thoát ra ngoài.

Cũng chọn kiểu cố thủ trên xe để chống cảnh sát giao thông như trên là trường hợp của Vương Tiến Dũng, nhân viên lái xe, mã nhân viên: 5971, thuộc Cty CP Mai Linh Đông Đô, Hà Nội.

Khi bị yêu cầu xuất trình giấy tờ, Dũng không những không chấp hành mà còn phóng xe bỏ chạy. Trước tình huống trên, lực lượng chức năng đã khẩn trương đuổi theo chiếc xe vi phạm, khi chạy cách bến xe Mỹ Đình khoảng 100m, thì chiếc xe vi phạm đã bị cảnh sát chặn lại.
 
Lúc này, cảnh sát tiếp tục ra hiệu lệnh yêu cầu tài xế xe vi phạm xuống xuất trình giấy tờ. Nhưng một lần nữa, người tài xế này vẫn phớt lờ, và cố thủ trong xe không chịu xuống.  Phải gần 1 giờ đồng hồ sau tài xế chiếc xe vi phạm mới ra khỏi xe và tiếp tục cãi lý với cảnh sát và kiên quyết không xuất trình giấy tờ để lực lượng chức năng kiểm tra.
 
Khoảng 8h ngày 17/7, còn xảy ra vụ chống đối cảnh sát giao thông độc nhất vô vị từ trước đến nay: bóp cổ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ. Theo đó, vào thời điểm này, khi tổ công tác Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Hà Nội) đang làm nhiệm vụ tại ngã ba đường Lê Đức Thọ - Giải Phóng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội thì phát hiện chiếc xe ô tô 7 chỗ BKS 29A-065.67 đi từ Nguyễn Hữu Thọ ra Giải Phóng vi phạm luật giao thông.

Thượng sỹ Nguyễn Hồng Quân đã ra hiệu lệnh dừng xe, tuy nhiên, lái xe vẫn tiếp tục rồ ga đi thẳng khiến anh Quân phải nhảy sang 1 bên để tránh. Khi bị dừng xe, tài xế đã dùng những từ ngữ khó nghe để chửi bới, lăng mạ thượng sỹ Quân, sau đấy hung hăng rồ ga bỏ chạy.

Ra đến đường sắt, lái xe quay xe lại từ phía sau, xuống xe và xông lên dùng tay bóp cổ Thượng sỹ Quân trước sự chứng kiến của tổ công tác và rất nhiều người tham gia giao thông trên đường.

Hai đối tượng “đầu gấu” này là Đồng Xuân Long (SN 1966, HKTT tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) và Nguyễn Đức Trọng (trú tại Vĩnh Phúc).

Cầm vỏ chai hành hung cảnh sát giao thông

Theo Công an Cao Lộc, ngày 7/6, tại thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn, Hoàng Minh Phong (18 tuổi, trú tại trị trấn Đồng Đăng) bị hai cảnh sát yêu cầu dừng xe để kiểm tra do đi xe máy không gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm. Thanh niên này lập tức có lời lẽ thóa mạ, chống đối và hành hung những người thi hành công vụ.

Đến màn chém gió “vô tiền khoáng hậu”!

Trước đây, dư luận đã nhiều phen mắt chữ 0 mồm chữ A khi chứng kiến nhiều đối tượng tự xưng “cháu chú Nhanh”, “cán bộ Văn phòng Chính phủ”, “con cháu các cụ”… để đỡ bị cảnh sát giao thông phạt. Nhưng mới đây, dư luận lại được phen “sởn da gà” khi nghe một thanh niên “nổ” để tránh bị phạt khi gặp lực lượng chức năng.

 Ảnh minh họa
 

Đối tượng là Trần Quốc Huy (SN 1981, trú tại Viện khoa học nông nghiêp, Hà Nội). Khi bị dừng xe vì không đội mũ bảo hiểm ngày 6/12, thay vì chấp hành theo hiệu lệnh, nam thanh niên “khật khưỡng” bước xuống xe và bắt đầu lè nhè lý sự: Không vi phạm gì, sao lại “tuýt” còi kiểm tra? Thậm chí, đối tượng còn lu loa với rất nhiều người dân đang đứng gần đó rằng cảnh sát không có quyền kiểm tra, vì: “Tôi là người Hồng Kông. Tôi đố các ông biết tôi ở đâu?”.

Anh này còn khoe sự giàu sang của mình rằng anh ta có kính đeo mắt thời vua Càn Long (Trung Quốc), thuốc lá “xịn” của Hồng Kông, điện thoại Iphone 5… toàn hàng “hiệu”, nên không ai có quyền “động vào” kiểm tra được.

Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng yêu cầu Huy ký vào biên bản xử phạt vi phạm, thì anh này lại tiếp tục tỏ thái độ chây ì, không chịu ký.

Gần một tiếng đồng hồ, anh này cầm biên bản lên đọc từng chữ, thậm chí cả dấu chấm, phẩy và số biên bản…., nhưng vẫn nhất quyết không chịu ký. Huy còn “chém” học trên cao học, đạt trình độ “tiến sĩ”, nhưng khi viết bản kiểm điểm vì lỗi không hợp tác với lực lượng chức năng, thì anh ta viết sai lỗi chính tả be bét.

Lời bạt

Số vụ tấn công người thi hành công vụ không được nêu cụ thể, nhưng, Thượng tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tội phạm chống người thi hành công vụ cũng gia tăng.

Theo lý giải, việc các đối tượng nhờn luật, không coi trọng luật pháp liên quan đến giao thông một phần có lỗi của chính phía những người thực thi nhiệm vụ. Theo báo cáo  kết quả giám sát về việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải của Uỷ ban Pháp luật gửi các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, việc xử lý vi phạm không nghiêm, chưa triệt để, bỏ qua nhiều hành vi vi phạm cũng là một trong những nguyên nhân làm kém hiệu lực, hiệu quả và dẫn đến tâm lý chưa coi trọng pháp luật trong một bộ phận người tham gia giao thông;

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người tham gia giao thông vi phạm do công tác tổ chức giao thông trên một số tuyến quốc lộ và địa bàn thành phố, đô thị, như đặt biển báo hạn chế tốc độ, cấm rẽ, cấm dừng đỗ chưa hợp lý (một số trường hợp phản ánh việc đặt biển báo như “bẫy” người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm để xử lý)...


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc