Người có liêm sỉ không mua chức

18:43, 03/11/2012
|

(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, nguyên nhân của tội ác, của tham nhũng bắt nguồn từ sự giáo dục nhân cách. Người có nhân nghĩa không có đi trộm cắp, người có liêm sỉ không mua chức, mua cấp để leo cao, chui sâu…

 

Trong 2 phiên họp ngày 1 và ngày 2/11, các đại biểu đã thảo luận về tình trạng vi phạm pháp luật và tham nhũng, nhiều nguyên nhân đã được khách quan, chủ quan đã được các đại biểu chỉ ra.

 

Nhiều đại biểu nhận định, xã hội đang tồn tại một vấn đề khá nghiêm trọng, đó là tình trạng thờ ơ, vô cảm với các hiện tượng tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng…, trong đó thái độ vô cảm, không thấu hiểu, thông cảm với những bức xúc, đau khổ của người dân đôi khi đã khiến họ có những phản ứng tức thời, có thể dẫn đến hành vi tội phạm.

 

Tuy nhiên, đó chỉ là những nguyên nhân trực tiếp. Nhìn vào sâu sa, gốc rễ của vấn đề, đại biểu Lê Thanh Vân (TP Hải Phòng) nhận định, nguyên nhân chính là do việc giáo dục nhân cách của con người trong nhiều năm qua bị xem nhẹ.

 

Trong xã hội phong kiến, khi tam cương bị lung lay thì xã hội bị chao đảo. Tam cương đó là quân thần cương, phu thê cương, phụ tử cương và ngày nay tam cương đó là quan hệ giữa công dân với nhà nước, quan hệ cha con, bố mẹ, anh em và những quan hệ xã hội bên ngoài. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân sâu xa, cội rễ của mọi việc chính là giáo dục nhân cách con người, bởi vì chính con người là chủ thể của việc ban hành chính sách pháp luật, là chủ thể của điều hành chính sách pháp luật, là chủ thể của thi hành pháp luật và chính con người vi phạm pháp luật” - đại biểu Lê Thanh Vân phân tích.

 Ảnh minh họa

Khi tam cương bị lung lay thì xã hội bị chao đảo....

 

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, trong nhiều năm qua, chúng ta đã không tập trung nghiên cứu một cách căn bản giáo trình và phương thức giáo dục nhân cách cho học sinh, xem nhẹ việc giáo dục nhân cách mà gia tăng việc dạy chữ cho học sinh.

 

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục đã có những công trình nghiên cứu giá trị tinh hoa của Khổng giáo, của Phật giáo, của cả Kinh thánh ở trong Thiên chúa giáo để thấy những giá trị trường tồn, vĩnh hằng về mặt giáo dục của những học thuyết đó có giá trị đối với ngày nay như thế nào. Chẳng hạn như Phật giáo giải thích sầu não, đau khổ bằng 5 lý do, bằng 5 căn bệnh đó là tham, sân, si, nghi, ác, kiến. Còn Khổng tử dạy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tôi tin rằng, nếu như hấp thụ được những tinh hoa đó để giáo dục nhân cách con người thì một người có nhân nghĩa không có đi trộm cắp, một người có liêm sỉ không bao giờ mua bằng, mua chức, mua cấp để leo cao, chui sâu” - đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định.

Đại biểu TP Hải phòng đề xuất, nên đầu tư nghiên cứu những giá trị nêu trên để đưa vào dạy cho trẻ em ngay từ cấp học đầu tiên. “Tuy nhiên, trách nhiệm này không chỉ là của ngành giáo dục mà của gia đình, của xã hội và trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng… Chúng ta có bộ máy cả các đoàn thể quần chúng vào cuộc, chắc chắn giáo dục được con người có nhân cách tốt hơn trong ứng xử với nhà nước, với xã hội và với gia đình” - đại biểu Lê Thanh vân nói.

 

Đồng quan điểm này, đại biểu Trương Hòa Bình (Long An) cho rằng, trẻ em phạm tội là nguyên nhân tổng hòa sự giáo dục của gia đình, của nhà trường, của xã hội, việc quản lý nhà nước của xã hội, quản lý nhà nước đối với xã hội nói chung. Ông không đồng ý với quan điểm cho rằng, tăng hình phạt sẽ khiến tình trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ giảm đi.


Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, khi có những vụ án gây bức xúc dư luận, báo chí đăng tải nhiều, dư luận nhiều thì lại tăng hình phạt nhưng sau đó trẻ em phạm pháp vẫn không giảm. Về mặt pháp lý quốc tế cũng như là đạo lý và đánh giá về nguồn gốc phát sinh tội phạm, chúng tôi thấy rằng, phải bằng những giải pháp khác chứ không phải bằng giải pháp tăng hình phạt” - đại biểu Trương Hòa Bình nói.

 

Theo đại biểu tỉnh Long An, có nhiều giải pháp về quản lý xã hội, về giáo dục, về chính sách v.v... trong đó có việc thành lập Tòa án trẻ vị thành niên. Ông cho biết hiện đề án xây dựng Tòa án hôn nhân, gia đình và trẻ em đang được trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt và sắp tới sẽ đưa vào mô hình tổ chức Tòa án.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc