Bộ trưởng Y tế kêu gọi đồng nghiệp “thay đổi nhân cách”

15:42, 14/11/2012
|

(VnMedia) - “Các đồng nghiệp, vì hình ảnh của nghề nghiệp, danh dự, lòng tự trọng hãy thay đổi nhân cách, thay đổi hành vi về phong bì, về thái độ để được nhân dân ghi nhận” – Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi
 
Như VnMedia đã đưa tin, chiều qua (13/11), các đại biểu đã tập trung chất vấn và Bộ trưởng Y tế đã trả lời nhiều vấn đề. Riêng những chất vấn liên quan đến y đức, sáng nay Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời rất chi tiết.
 
“Lương quá thấp” khiến y đức thấp theo

Nói về thực trạng của y đức, Bộ trưởng thừa nhận, đây là một vấn đề mà ngành y tế rất quan tâm, trăn trở, đang tìm cách làm và giải pháp. Bộ trưởng cũng nêu lên một loạt biểu hiện thiếu y đức như thái độ tiếp xúc với người bệnh không thân thiện, có lúc cáu gắt quát mắng, việc nhận phong bì “khá phổ biến” và rất khó chấp nhận; có tiền lót tay thì được khám trước; ăn hoa hồng của các hãng dược để ghi toa nhiều loại thuốc không cần thiết, thuốc biệt dược, cộng thêm vào đó là có cả hiện tượng yếu kém vè chuyên môn…
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đó chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, đồng thời thổ lộ: “chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã hy sinh thầm lặng ở các trạm y tế xã, ở các bệnh viện huyện và có những người đã chết… Có những bác sĩ ở tuyến huyện đi làm nhưng về vẫn phải đi làm ruộng và khi chết chỉ có ống nghe, những bộ quần áo lúc làm chiến sĩ. Những bác sĩ trẻ có khi bị hành hung…”
 
“Có những tấm gương nhưng thực trạng nó là như thế thì nhân cách không giữ được” - Bộ trưởng khẳng định một trong những nguyên nhân khiến y đức bị xuống cấp.
 
Cùng với đó, người đứng đầu ngành Y tế cũng nại ra một loạt lý do, đó là điều kiện quá tải cho nên ai cũng muốn khám trước, “khám nhiều thì thái độ không thể hòa nhã được, mệt và cũng không kỹ được” - Bà Tiến trần tình tiếp.
 
Nguyên nhân thứ ba được Bộ trưởng dẫn ra để “thanh minh” cho việc xuống cấp đạo đức của các y bác sĩ, đó là cơ sở vật chất. “Hiện nay có những bệnh viện có phòng chỉ có mấy mét tất cả các bác sĩ đều vào đấy, chúng tôi đề nghị phải tách phòng bác sĩ nam, bác sĩ nữ nhưng vì kê giường, tăng phòng khám có những lúc không đủ chỗ cho các bác sĩ ngồi sau khi khám bệnh để kê toa. Những cơ sở đó tồn tại cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội” – bà Tiến than thở.
 
Nguyên nhân cuối cùng được Bộ trưởng nhấn mạnh, đó là “lương quá thấp”. “Chúng tôi thấy hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Pháp cách nhau một bức tường thì bên bệnh viện Việt Pháp không có vấn đề phong bì, không có vấn đề thái độ nhưng bệnh viện Bạch Mai đã phải làm phát động phong trào và kiểm tra” – Bộ trưởng so sánh.
 
Chính vì nhìn nhận những lý do trên nên ngoài những giải pháp như ban hành văn bản, phát động phong trào, cuộc thi… thì một trong những giải pháp được người đứng đầu ngành y tế đưa ra, đó là “khi cơ cấu giá thành dịch vụ, đưa tiền lương vào, đưa phụ cấp vào… cũng là giải pháp cơ bản để giải quyết thái độ y đức”.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng chúng tôi nghĩ cần có sự ủng hộ tham gia của đồng bào, cử tri cả nước, của đại biểu Quốc hội.
 
“Chúng tôi cũng mong cử tri dứt khoát không đưa phong bì và giám sát, nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa phong bì đó thì chụp ảnh lại và ghi lại tên người điều dưỡng, bác sỹ, cán bộ y tế đó gửi cho Giám đốc bệnh viện và gửi cho chúng tôi” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi.

 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - ảnh: TT


Hãy đến Việt Nam mà học!

Liên quan đến những vụ tai biến liên tục xảy ra gần đây, nhất là những tai biến của sản phụ, bà Tiến khẳng định: “Trong hội nghị lớn gần đây nhất tại Oasinhton DC tháng 10 về vấn đề tử vong ở mẹ và trẻ em thì Việt Nam được đánh giá là 1 trong 8 nước đầu tiên được xếp hạng hàng đầu trong 74 nước đánh giá là có tỷ lệ tử vong mẹ giảm 3 lần trong khoảng 20 năm trở lại đây, đó là một điểm sáng trong thiên niên kỷ”.
 
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng cho biết, giá thuốc ở Việt Nam không hề cao hơn giá thuốc ở các nước trong khu vực và lâu nay đã bị “hiểu nhầm”: “Giá thuốc của Thái Lan hơn chúng ta 3,16 lần trung bình và giá thuốc của Trung Quốc gấp hơn 2 lần của Việt Nam. Về đánh giá trên mạng của Tổ chức Y tế thế giới là giá thuốc của Việt Nam cao gấp 40 lần thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã có văn bản khẳng định đó là hiểu nhầm, vì họ đánh giá giá thuốc dựa vào chuẩn của giá quốc tế và chia giá thực cho giá đó để ra một chỉ số index, của Việt Nam là 40 còn như của Thái Lan là 72,7, nhìn vào đó là không phải thực chất giá của chúng ta thấp hơn.” – bà Tiến khẳng định.
 
Bộ trưởng Y tế cũng nhận tiện cho biết, trong hội nghị lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Giám đốc Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương khẳng định là “các đồng chí học về y tế, mạng lưới y tế cơ sở không đi đâu xa, hãy đến Việt Nam mà học”, bởi, “họ không tưởng tượng một người dân thu nhập 1000 đô mà có những trạm y tế xã kể cả vùng núi có thể làm đỡ đẻ, tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta cũng là điểm sáng trong thiên niên kỷ” – bà Tiến tự hào nói.
 
Ngắt dòng “kể thành tích” của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng khẳng định, “trong thời gian tới chất lượng khám, chữa bệnh, vấn đề y đức, vấn đề sinh đẻ có kế hoạch, vấn đề phòng, chống các dịch bệnh, kể HIV/AIDS, vấn đề quản lý giá thuốc, đấu thầu giá thuốc có tiến bộ hơn không?”.
 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, 3 văn bản sắp tới đưa ra thực hiện sẽ có ảnh hưởng tác động tốt đến giá thuốc; đề án giảm tải bệnh viện và một loạt các chỉ thị sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Riêng vấn đề y đức, cho rằng đây là lĩnh vực nhạy cảm nhưng Bộ trưởng cũng khẳng định “sẽ có cải thiện”.
 
Nhân diễn đàn này, chúng tôi cũng mong muốn các đồng nghiệp hãy vì hình ảnh của nghề nghiệp, danh dự, lòng tự trọng hãy thay đổi nhân cách, thay đổi hành vi, vấn đề về phong bì, vấn đề về thái độ để được nhân dân ghi nhận. Chúng tôi mong rằng các cử tri ủng hộ chúng tôi bằng cách phát hiện và cương quyết không đưa phong bì cho cán bộ y tế khi đến khám bệnh ở cơ sở y tế. Chúng tôi nghĩ với nỗ lực của cả 2 bên, với sự tương tác của cả 2 bên thì trong tương lai hình ảnh của người cán bộ y tế sẽ được cải thiện và y đức sẽ tốt hơn” – người đứng đầu ngành Y tế một lần nữa kêu gọi.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc