Một câu chuyện xúc động về môi trường

19:12, 24/10/2012
|

(VnMedia) - Sáng ngày 24/10, Tổng cục Môi trường đã tổ chức chương trình giới thiệu phổ biến các ca khúc đạt giải Cuộc thi quốc gia sáng tác ca khúc về môi trường. Trong buổi giới thiệu ca khúc sáng nay, câu chuyện về ca khúc “Ao làng” của tác giả Lê Mây đã khiến người nghe xúc động.

 

Theo lời tâm sự của nhạc sĩ Lê Mây, ông sinh ra tại một làng quê ở Hưng Yên. Thoát ly, rời xa quê nhà từ khi còn là một chàng trai chưa đầy 20 tuổi, ông mang trong mình một hình ảnh không thể phai mờ về một làng quê yên bình, nơi có luỹ tre xanh và cái ao làng dễ thương. Nơi mà ông cùng lũ trẻ vô tư nhảy xuống tắm mà không phải ngần ngại điều gì:

 

Ao làng xưa trong veo

Chúng tôi bé tẻo teo

Chiều chiều hò nhau đi tắm

Bơi lội dọc ngang

Nước vẫn trong veo.

 

Bẵng đi 50 năm, một lần trở lại quê hương, ông bùi ngùi đứng trước cái ao xưa, giờ chỉ còn “bé tẻo teo”, với những váng rêu, nước đục ngầu bốc mùi hôi khó chịu. Cái ao làng trong veo ngày xưa bây giờ đã bị lấn chiếm hết, chỉ còn bé tẹo với làn nước bẩn mà không ai dám thò chân xuống, còn những con cá vừa thả xuống đã chết nổi, phơi bụng trắng ao…

 

Năm mươi năm một ngày trở về

Còn đâu ao làng trong veo

Ao làng giờ bé tẻo teo...

Ao làng nước đen

Cá phơi bụng trắng

Không còn tóc tiên

Không còn hoa súng


 Ảnh minh họa

Nhạc sĩ Lê Mây cùng trình bày tác phẩm Ao Làng

 

Tiếc nuối tuổi thơ, tiếc nuối ngôi làng bình yên xưa và đặc biệt, tiếc nuối cái ao làng “nước trong veo” ngày nào, ông kê giấy lên đùi, sáng tác luôn ca khúc Ao làng chỉ trong vòng 15 phút.

 

“Lúc ấy tôi không nghĩ đến chuyện gửi bài dự thi, chỉ đơn giản là viết vì cảm xúc” - tác giả Ao Làng tâm sự.

 

Mặc dù chỉ đoạt giải khuyến khích của cuộc thi, nhưng tác phẩm Ao làng lại chiếm được cảm tình của người nghe bởi những lời thơ chân chất, giản dị nhưng gửi gắm vào đó là một tình cảm sâu đậm mà bất cứ ai từng xuất thân từ một làng quê cũng có thể cảm nhận được.

 

Ngồi mà ước

Ngồi mà mong

Bao giờ, ao làng lại trong veo...

 

Nhưng tác giả Ao làng không chỉ “ngồi mà ước, ngồi mà mong”. Ông tâm sự, sau khi tác phẩm đoạt giải, ông đã mang một đĩa nhạc về, bắc loa ra tận... ao làng, mở bài hát suốt một tháng liền.

 

“Tôi không ngờ bài hát lại có tác dụng đến thế. Sau một tháng đó thì cái ao làng đã khác hẳn. Nước bắt đầu trong trở lại, cá bắt đầu bơi. Người ta không còn vứt rác, đổ thải ra đó nữa” - Nhạc sĩ Lê Mây vui mừng nói. Niềm vui khiến nhạc sĩ - ông già tuổi 70 cất tiếng cùng ca sĩ hát nhạc phẩm Ao Làng ngay tại lễ công bố tác phẩm đoạt giải.

 

Cũng như chính ca khúc Ao Làng, câu chuyện của nhạc sĩ Lê Mây đã khiến những người tham dự lễ công bố xúc động và thật sự cảm nhận được một điều, tình yêu quê hương, yêu mảnh đất nơi người ta đã hoặc đang sinh sống sẽ khiến mỗi chúng ta tự tìm cho mình một cách để góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

 

Với Lê Mây, ông hy vọng ca khúc Ao làng cũng như những ca khúc khác đoạt giải “Cuộc thi quốc gia sáng tác ca khúc về môi trường” sẽ được nhiều người nghe hơn và từ đó, ý thức hơn về công cuộc bảo vệ môi trường.

 

Lê Mây cũng chính là tác giả ca khúc Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai (phổ thơ Phùng Ngọc Hùng), là 1/50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ, sáng tác năm 1992.

 

Năm 2011, Bộ TN&MT phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức lễ phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc về môi trường lần thứ 2 năm 2011 với chủ đề "Âm vang xanh".

 

16 tác phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn và trao giải trong số 288 tác phẩm tham dự ở phạm vi toàn quốc bao gồm Giải Nhì thuộc về 2 tác phẩm “Không gian xanh” của ông Nguyễn Đức Hiệt (TP. Hồ Chí Minh) và “Hãy giữ hành tinh xanh” của bà Hà Mai Tân (TP. Hồ Chí Minh).

 

Giải Ba thuộc về 3 tác phẩm “Tiếng rừng” của ông Phan Thanh Trường (Đà Nẵng); “Lời của lá” của ông Đoàn Xuân Mỹ (TP. Hồ Chí Minh), và “Âm vang Việt Nam xanh” của ông Trần Hoàng Tiến (Hà Nội).

 

6 tác phẩm đạt Giải Khuyến khích gồm “Ao làng” của Lê Mây (Hà Nội), “Môi trường xanh” của Nguyễn Ngọc Thịnh (Hà Tĩnh), “Vì đâu như thế” của Võ Cường (Đắk Nông), “Nhớ cánh cò” của Nguyễn Thanh Sơn (TP. Hồ Chí Minh), “Tự hào Việt Nam luôn xanh tươi” của ông Nguyễn Vũ Hoàng Minh (TP. Hồ Chí Minh), “Tiếng thét của hành tinh” của Trịnh Thùy Mỹ (TP. Hồ Chí Minh).


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc