Hà Nội thừa nhận chất lượng nhà tái định cư thấp

05:58, 11/04/2012
|

(VnMedia) - Báo cáo Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Hà Nội thừa nhận chất lượng nhà ở tái định cư còn thấp, việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến nhanh chóng xuống cấp…

 

Ngày 9/4, báo cáo Ban dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008), bình quân hàng năm trên điạ bàn Hà Nội thực hiện hơn 1000 dự án đầu tư có liên quan đến thu hồi đất giải phóng mặt bằng (gấp 3 lần trước khi mở rộng), liên quan đến 200.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với nhu cầu phải bố trí tái định cư cho khoảng 20.000 hộ gia đình.

 

Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ năm 2000 đến nay, Thành phố đã triển khai 80 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư với trên 20 nghìn căn hộ, trong đó đã hoàn thành trên 12.000 căn và sử dụng cho việc tái định cư gần 11.000 căn hộ.

 

Đối với các quận Hà Nội, quy định hình thức bố trí tái định cư chủ yếu bằng nhà chung cư, còn các huyện thì bố trí tái định cư bằng giao đất ở. Nguồn quỹ nhà tái định cư của các quận là khu tái định cư tập trung (khu Nam Trung Yên, khu Đền Lừ 1, 2, khu 5,3 ha Dịch Vọng, khu tây nam ĐH Thương Mại, khu tây nam Kim Giang…).

Dự kiến từ nay đến 2015 TP dự kiến tiếp tục triển khai xây dựng thêm 9 khu đô thị tái định cư có quy mô mỗi khu khoảng từ 20 -50ha với tổng số khoảng 50 nghìn căn hộ. Trước mắt sẽ nghiên cứu triển khai ở khu vực Hoài Đức (khu La Phù với diện tích gần 39ha), huyện Gia Lâm (khu Trâu Quỳ với 18ha), huyện Thanh Trì (khu Tứ Hiệp với 20ha)…

 

Khổ như ở nhà tái định cư

 

Rời bỏ nơi ở cũ quen thuộc để đến ở khu tái định cư đã là một điều ít ai muốn. Việc chăm lo đời sống của người dân ở nơi tái định cư luôn là một chính sách quan trọng của nhà nước nói chung và của mỗi địa phương nói riêng, góp phần lớn vào việc ổn định đời sống cho người dân đến nơi ở mới, đồng thời giúp tiến độ giải phóng mặt bằng được nhanh chóng. Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội đã không được như vậy.

 

Báo cáo Ban dân nguyện (Ủy ban thường vụ Quốc hội), UBND Hà Nội thừa nhận còn nhiều bất cập trong loại hình nhà ở này.

 

Theo UBND TP Hà Nội, chất lượng nhà ở tái định cư còn thấp, việc quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế dẫn đến nhanh chóng xuống cấp. Việc cung cấp các dịch vụ môi trường, dịch vụ phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí và học tập của cộng đồng dân cư ở nhiều khu tái định cư còn rất thiếu, chưa được xây dựng đồng bộ về hạ tầng xã hội nên ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt khi người dân đến ở nơi tái định cư.

Đặc biệt, có khu tái định cư do chưa đầu tư xây dựng trường học nên hàng ngày người dân phải đưa con em về khu vực ở cũ để học, làm tăng mật độ giao thông của thành phố, tăng chi phí đi lại của nhân dân. Hơn thế, việc giải quyết các vần đề dân sinh tại nơi tái định cư như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, cấp điện, nước… còn nhiều bất cập.


 Ảnh minh họa

 Chất lượng nhà tái định cư xuống cấp rất nhanh

 

Đối với khu vực đô thị, các hộ dân bị thu hồi nhà mặt đường, phố có điều kiện sinh lợi cao từ kinh doanh hoặc cho thuê cửa hàng, khi tái định cư tại nhà chung cư cao tầng thì những quyền lợi trên không còn gây khó khăn lớn đến đời sống. Với người dân khu vực nông thôn, việc phải đến ở khu tái định cư gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Thậm chí một số trường hợp còn bị thu hồi đất nông nghiệp, tư liệu sản xuất. Trong khi việc đào tạo chuyển đổi nghề đạt hiệu quả thấp, thu hút lao động địa phương vào các dự án hạn chế, người trên 45 tuổi rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm…

 

Phát sinh nhiều khiếu kiện

 

Chính vì những bất cập nói trên mà từ năm 2005 và nhất là những năm gần đây, tình trạng kiện cáo liên quan đến giải phóng mặt bằng diễn biến rất phức tạp. Theo UBND TP Hà Nội, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở các dự án trên địa bàn, Thành phố và các Quận, huyện, thị xã đã phải tập trung giải quyết nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các hộ dân có đất bị thu hồi (giá bồi thường về đất, chính sách tái định cư, nội dung kiến thường tập trung vào việc bổ sung (bán nhà hoặc giao đất tái định cư ngoài chính sách đã quy định, do giá bồi thường, hỗ trợ về đất đấu giá và giá nhà đất tái định cư đều còn thấp - chưa sát gía chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường.

 

Trước những bất cập trên, cùng với việc đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư mới, Hà Nội cho biết sẽ tập trung ưu tiên hoàn thành các công trình hạ tầng đô thị ở những khu vực tái định cư còn thiếu và kiểm tra, chống xuống cấp tại các khu tái định cư trên địa bàn toàn TP. Hà Nội sẽ không bố trí người dân đến ở tại các khu tái định chưa có đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đô thị.

 

Để có cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp cho Thành phố chủ động phát triển quỹ nhà tái định cư, Hà Nội đã kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội xác định rõ loại hình nhà tái định cư là nhà ở xã hội; quy định cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế, bố trí nhà ở tái định cư ở đô thị và khu ở tái định cư ở nông thôn để đảm bảo chỗ ở mới tái định cư có điều kiện bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ theo Luật Xây dựng; Quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc để xác định giá bồi thường về đất sát với giá thị trường.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc