Thảo luận dự án Bộ luật Lao động sửa đổi: Lao động nữ sẽ được nghỉ thai sản 6 tháng

13:43, 28/03/2012
|

Vợ sinh con, chồng được nghỉ có lương 2 ngày, nữ lao động được nghỉ thai sản 6 tháng; tăng thêm 1 ngày nghỉ tết... Đó là những  thông tin đáng chú ý khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều qua (27/3).

Vợ sinh con, chồng cũng được nghỉ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cơ quan thẩm tra đề xuất người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Trường hợp lao động nữ chết sau khi sinh con thì chồng được nghỉ để chăm sóc con đến khi con đủ 6 tháng. Khi vợ sinh con, người chồng được nghỉ có hưởng lương 2 ngày…

Đối với việc nghỉ Tết âm lịch, thời gian nghỉ được tăng thêm 1 ngày (từ 4 lên 5 ngày). Về số giờ làm thêm, tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan thẩm tra đưa ra 2 phương án. Ở phương án 1, số giờ làm thêm tối đa là không quá 200 giờ/năm. Phương án 2 đề nghị tối đa không quá 360 giờ/năm.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng tỏ ra chưa yên tâm với quy định thang lương, bảng lương của doanh nghiệp tới đây sẽ không được gửi tới cơ quan quản lý lao động. Về thời hạn của  hợp đồng lao động, ông Tùng đề nghị không nên quy định hợp đồng lao động có thời hạn ký lần thứ 2 có thời hạn tối đa tới 72 tháng.

Ông nói: “Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho người lao động làm những công việc đơn giản và nặng nhọc trong các ngành da giày, dệt may, thủy sản… Chủ sử dụng có thể tận dụng sức lao động trong khoảng 6 năm và sau đó thải hồi, không bao giờ ký hợp đồng không thời hạn với người lao động”. Về giờ làm thêm, ông Đặng Ngọc Tùng khẳng định: “Tăng giờ làm thêm tối đa chỉ là mong muốn của giới chủ, chứ để có thêm thu nhập thì người lao động chỉ muốn tăng lương”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, về lâu dài, việc “cào bằng” tiền lương tối thiểu của mọi đối tượng lao động là không hợp lý. “Nên có quy định riêng về mức sàn lương cho công chức, viên chức vì định nghĩa về tiền lương tối thiểu không phù hợp để áp dụng cho những đối tượng này”.

Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc trao quyền xây dựng thang lương, bảng lương cho doanh nghiệp, nhưng yêu cầu Chính phủ ban hành các quy định hướng dẫn, đồng thời siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp bất hợp lý, thiệt thòi cho người lao động.


(Theo ANTĐ)

Ý kiến bạn đọc