Liệu pháp “sốc” nhưng cần thiết với Hà Nội

19:22, 21/02/2012
|

(VnMedia) - Liên quan đến việc Hà Nội thu hồi lại các giấy phép trông giữ xe vỉa hè, lòng đường ở 262 tuyến phố, dư luận đang tỏ ra “sốc” vì không có nơi để gửi xe. Tuy nhiên, theo KTS Trần Huy Ánh, đây là một liệu pháp sốc nhưng cần thiết.

 

Ông đánh giá thế nào trước quyết định thu hồi các bãi giữ xe trên vỉa hè, lòng đường của Hà Nội?

 

 Ảnh minh họa

KTS Trần Huy Ánh: Theo tôi, đây là một liệu pháp sốc nhưng cần thiết

Theo tôi, đây là một liệu pháp sốc nhưng rất cần thiết và cá nhân tôi rất hoan nghênh, ủng hộ mặc dù tôi ở trên phố Bà Triệu và trực tiếp bị ảnh hưởng. Với số nửa triệu xe ô tô, 4 triệu xe máy trong nội thành mà để ở vỉa hè, lòng đường thì diện tích đường giao thông đã hẹp lại càng bị thu hẹp, gây cản trở giao thông.

 

Việc cho phép trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường thời gian qua là việc làm hợp thức hóa chiếm dụng diện tích giao thông, giảm không gian dàng cho giao thông đô thị. Nếu Thành phố làm tốt và triệt để thì sẽ không cần phải thêm một xu nào, Hà Nội sẽ tăng gấp đôi diện tích dành cho giao thông nội đô vốn thiếu thốn.

 

Nhưng thực tế thì nếu thu hồi tất cả các giấy phép đó là vô hình chung đẩy xe từ vỉa hè này sang vỉa hè khác. Cho nên, cái cần thiết là có sự quy hoạch, lộ trình phù hợp và có sự chuẩn bị. Sự chuyển đổi đó phải làm tăng lưu lượng giao thông ở chỗ này mà vẫn có thể thu xếp ngăn nắp ở chỗ kia.

 

Tuy nhiên, việc tăng lưu lượng “chỗ kia” thì quyền lợi của người được để xe sẽ phải trả lại chi phí thế nào, chứ không thể tái lập lại theo kiểu thu một mớ giấy phép này lại cấp một mớ giấy phép khác, rồi người thuê vỉa hè sẽ phải trả cho ngân sách địa phương một số tiền tượng trưng, trong khi đó người đỗ xe thì trả số tiền không hề tượng trưng chút nào, mà rất cụ thể như 20.000, 30.000đ cho một giờ… Việc phân bổ lại đầu tư hạ tầng ra sao, nếu câu hỏi ấy mà trả lời được tốt, có lý thì sẽ nhận được sự đồng thuận tốt hơn thay vì nhận những phản hồi tiêu cực.

 

Nhưng có một thực tế là, kể từ khi Hà Nội cấm đến nay thì lại phát sinh rất nhiều vi phạm mới. Theo ông lần này Hà Nội có thành công hay không?

 

Chắc chắn là có nhiều nơi vi phạm, vì tấc đất tấc vàng, lại là thứ dùng không mất tiền, lợi dụng lơi lỏng quản lý sẽ có nhiều lợi. Người thực thi giám sát thì kém hiểu biết, ranh giới đúng sai mập mờ... tội gì không vi phạm cái chung để tiện lợi cái riêng. Vả lại, thực tế Hà Nội đã làm những việc tương tự như thế này nhiều lần rồi, một hồi kiên quyết gay gắt, một hồi lại điều chỉnh, một hồi lại thôi… Bản thân nhà tôi cũng quyen với cảnh “sớm nắng chiều mưa” này rồi, nên cũng không rõ nó sẽ có kết quả thế nào, kéo dài bao lâu. Nhà tôi mặt phố, có cửa hàng cho thuê, cũng vài lần sửa chữa: thụt vào một tý cho khách mua hàng, xe mình thì gửi lung tung... một hồi lại thôi. Một hồi lại có các vị địa phương đến đo đạc nói là cho tôi thuê lại để xe, rồi lại thôi... Một hồi yên ắng tôi lại để xe vỉa hè, chữa lại nhà như cũ.


 Ảnh minh họa

 "Khi bị thay đổi một thói quen tùy tiện để tái lập lại trật tự thì anh kêu cũng chỉ là lợi ích cá nhân" - ảnh: Ngọc Lân

 

Lần này, Hà Nội có vẻ rất cương quyết. Nhưng do không có chỗ để xe thay thế, nhiều người đã phàn nàn và cho rằng Thành phố đang đẩy cái khó cho người dân, khiến họ cảm thấy bất an?

 

Thực tế người dân bất an có phải mỗi lần này đâu, mà nhiều lần rồi. Đây cũng không phải lần đầu các đơn vị cấm chỗ này, bịt chỗ kia, nên không thể nói đây là lần đầu tiên. Người dân kêu thì cứ kêu, nhưng có điều họ vẫn chưa biết kêu đến ai, kêu thế nào. Mà sự kêu ca của người dân cũng phải xem lại. Khi bị thay đổi một thói quen tùy tiện để tái lập lại trật tự thì anh kêu cũng chỉ là lợi ích cá nhân. Còn người vận hành chính sách cũng bị sức ép rằng “chúng tôi phải có biện pháp gì đó chứ”!. Ở đây thiếu kênh thông tin thảo luận công bằng giữa hai bên. Người dân muốn giữ thói quen tùy tiện, chính quyền muốn giải quyết vấn đề qua một mệnh lệnh hành chính.

 

Vấn đề chính hiện nay vẫn là quản lý bãi đỗ xe thế nào cho hợp lý. Tôi kinh nhất là thay vì đỗ xe ở vỉa hè, lòng đường thì người ta đưa vào các không gian công cộng như công viên, sân chơi dân cư, khu văn hóa... Bản thân tôi vẫn nghĩ các yếu tố này rất mâu thuẫn. Người tham gia giao thông đòi phải trả lại đường thông, hè thoáng cho tôi. Còn anh gửi xe thì bảo đó là bãi đậu xe của tôi... Hai mâu thuẫn lớn này, nếu muốn giải quyết cần có kênh chính thức như thông qua những vị đại biểu nhân dân, hội đồng nhân dân hay Mặt trận Tổ quốc, các hội nghề nghiệp… thì những ý kiến mới tập trung và thuyết phục hơn.

 

Vậy cá nhân ông cho rằng bãi đỗ xe nên để ở đâu cho hợp lý?

 

Tôi không phải là người làm quy hoạch đô thị, nhưng tôi theo dõi liên tục quá trình lập quy hoạch của Hà Nội. Bãi đỗ xe ở đâu hợp lý thì phải hỏi Sở quy hoạch - kiến trúc vì Sở này có trách nhiệm và quyền hạn trả lời. Tuy vậy, tôi cũng chưa bao giờ thấy “ông” này nói bãi đỗ xe ở đâu, tòa nhà này cần bao nhiêu diện tích để xe, chỉ thấy chỗ này không thể, ít hôm sau lại có thể chấp nhận được... Chưa bao giờ nhìn thấy văn bản nào chỉ ra rằng chỗ đất này không thể xây bất động sản mà phải dành làm nơi đỗ xe.

 

Với vị trí và trách nhiệm của mình, ngành Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội mới là nơi phải có câu trả lời chính thức. Với tư cách là công dân Thủ đô cũng dành nhiều thời gian để tâm đến vấn đề này, chúng tôi cùng các đồng nghiệp và các bạn chuyên môn Quy hoạch giao thông trong nước sẽ đóng góp thêm. Chúng tôi cũng đã có những khảo sát những mô hình phù hợp từ Thailand , Philippin , Singapore , Nhật Bản và có nhiều bạn bè chuyên gia sẵn lòng đóng góp với HN... nhưng vấn đề đầu tiên thì vẫn trông đợi từ các vị có trách nhiệm quản lý của Hà Nội trả lời cư dân Hà Nội đã.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc