Vụ lừa dự án giãn dân: Làm rõ trách nhiệm của công ty Hồng Hà

07:08, 11/06/2014
|

(VnMedia) - Ngày (10/6), tại phiên xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hội đồng xét xử bước vào phiên tranh tụng xung quanh cáo trạng vụ án và xét hỏi các bị cáo, nguyên đơn dân sự....

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố 4 bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, quận Ba Đình, Hà Nội), Trần Ứng Thanh (SN 1947, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nguyên TGĐ Công ty Hồng Hà, Nguyễn Đức Lợi (SN 1955, quận Ba Đình, Hà Nội) – nguyên GĐ Công ty Hà Nội và bị cáo Nguyễn Quốc Xương (SN 1958, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nguyên PGĐ Công ty Hồng Hà.

Tình tiết đáng chú ý nhất trong phiên tòa hôm nay, hầu hết các khách hàng bị lừa đều gửi đơn đề nghị tòa án xem xét tư cách tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự chứ không phải với tư cách người bị hại. Nhiều khách hàng cho rằng, họ giao dịch với công ty Hồng Hà, ký hợp đồng với công ty Hồng Hà chứ không giao dịch với cá nhân các bị cáo là  ông Thanh, ông Xương hay bất kỳ người nào trong 4 bị cáo đang được tòa xét xử. Các giấy tờ giao dịch đều có ký tá của người có trách nhiệm và dấu của công ty vì vậy họ yêu cầu công ty Hồng Hà phải có trách nhiệm.

Chị T.H (khách hàng) cho biết, tin tưởng vào uy tín của công ty Hồng Hà bởi công ty này hiện là công ty con trực thuộc Tổng công ty UDIC - một doanh nghiệp ưu tín trong lĩnh vực bất động sản nên chị mới góp vốn mua nhà của công ty Hồng Hà. Tuy nhiên, không thể ngờ sự việc lại ra như thế này. "Vốn của Công ty UDIC hiện đang chiếm 32% tại công ty Hồng Hà, tôi giả dụ như dự án thành công, chắc chắn UDIC cũng có phần. Vì vậy, khi xảy ra vụ việc này UDIC cũng phải có trách nhiệm với người dân" chị H bức xúc nói.


Liên quan đến nội dung xét xử ngày hôm nay, tại Tòa, trước cáo buộc 4 bị cáo đã có hành vi sử dụng các văn bản, các quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm là hành vi gian đối, tạo niềm tin cho khách hàng, khiến khách hàng tin tưởng Công ty Hà Nội, Công ty Hồng Hà có đủ điều kiện huy động vốn xây dựng dự án nên đã ký hợp đồng góp vốn nhằm mua căn hộ, bị cáo Nguyễn Quốc Xương cho rằng: “Bị cáo nhận thấy một số vấn đề trong cáo trạng về tội danh lừa đảo với Công ty Hồng Hà là chưa đúng, vì Công ty Hồng Hà khi ký hợp đồng không dùng thủ đọan gian dối, giấu diếm một thứ giấy tờ gì. Công ty Hồng Hà đã chuyển cho các nhà góp vốn toàn bộ tất cả hồ sơ giấy tờ mà các cơ quan chức năng của đã giao cho Công ty Hồng Hà để cho tất cả người dân góp vốn nghiên cứu trước khi hạ bút ký hợp đồng”.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Xuân Hùng đã bác bỏ ý kiến trên và cho rằng, sau khi phát hiện ra việc các bị cáo thực hiện việc rao bán nhà trên thị trường, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra văn bản hủy bỏ quyết định ưu đãi dành cho công ty Hồng Hà. Thế nhưng, bị cáo Xương vẫn tiếp tục ký hợp đồng góp vốn với hàng chục khách hàng thu về cho công ty gần 100 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, các bị cáo đã có chủ ý và quyết tâm thực hiện hành vi lừa đảo của mình. 

Trả lời trước phiên tòa về trách nhiệm của công ty Hồng Hà, ông Phạm Quốc Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà cho biết, phía công ty đã nhiều lần tiếp xúc với người dân. Tuy nhiên, hiện nay tình hình tài chính công ty quá khó khăn. “Chúng tôi xác định công ty có trách nhiệm theo kết luận của cơ quan pháp luật. Tuy nhiên sau đó chúng tôi cũng cần có phương án khắc phục, dù không thể ngay ngày một ngày hai, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay” - ông Tuấn nói.

Còn đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã gặp công ty Hồng Hà để thảo luận về việc tháo gỡ, và phía công ty khẳng định có trách nhiệm đối với vấn đề này, đồng thời báo cáo các phương án tháo gỡ và xin ý kiến chỉ đạo của quận và báo cáo lên thành phố. Gần đây nhất, ngày 3/6, Công ty Hồng Hà đã báo cáo quận phương án xử lý tài sản của công ty (dự án 109 đường Trường Chính và khu đất ở phường Hồng Hà) để giải quyết tháo gỡ hậu quả vụ việc.

Dự kiến hôm nay (11/6), HĐXX sẽ tuyên án.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc