Nạn nhân án oan ở Hà Nội: Mệt mỏi chờ xin lỗi, bồi thường

11:47, 18/03/2014
|

(VnMedia)- Gần 8 năm sau khi được khẳng định sẽ được bồi thường vì kết án oan sai, ông Phạm Đức Bình (SN 1956) mới nhận được thông báo TAND TP. Hà Nội sẽ tổ chức xin lỗi công khai theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cả một chuỗi ngày dài mệt mỏi, khánh kiệt của nạn nhân...

Qua nhiều cấp xử, Tòa tối cao khẳng định bị kết án oan

Ngày 16/3/2000, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm và kết án ông Phạm Đức Bình (SN 1956) ở phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị tuyên phạt 30 tháng tù về hai tội danh “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa.”
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm này sau đó đã bị tuyên hủy tại phiên tòa phúc thẩm.

Ảnh minh họa

Ông Phạm Đức Bình.

Theo quy kết, năm 1992, ông Bình được giám đốc Cty thi công cơ giới và xây lắp bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng. 5 năm sau, cửa hàng bị đình chỉ hoạt động do kinh doanh không hiệu quả.

Cùng năm đó, công ty thanh tra hoạt động kinh doanh của cửa hàng và cho rằng ông Bình đã nhiều lần nhận tiền tạm ứng của một xí nghiệp tổng số 71 triệu đồng và chỉ chứng minh được việc sử dụng hợp lệ 30 triệu đồng.

Theo bản án sơ thẩm, ông Bình đã mua hàng của 3 đơn vị và làm thất thoát gần 180 triệu đồng. Toà cho rằng, bị cáo đã sử dụng trái phép số tiền trên.

Từ hai nhận định trên, giữa tháng 3/2000, toà sơ thẩm đã tuyên phạt ông Bình 30 tháng tù cho cả hai tội danh. Sau đó, ông Bình đã kháng cáo, kêu oan.

Đến đầu tháng 1/2001, TAND tối cao tại Hà Nội đã xem xét kháng cáo của ông Bình và cho rằng, ông Bình không chiếm đoạt số tiền tạm ứng của các xí nghiệp.

Theo TAND Tối cao, trước khi bị xét xử sơ thẩm, ông Bình đã có nhiều đơn từ, giấy xác nhận của các nhân chứng cho thấy ông không có hành vi chiếm đoạt tiền của công ty. Vì vậy, không có căn cứ quy kết cho bị cáo tội Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa.

Về hành vi sử dụng trái phép tài sản, ông Bình trình bày, sau khi mua 3 lô hàng do bị tai nạn phải vào viện điều trị nên không trực tiếp bán và thu tiền từ số hàng này. Khi ra viện, cửa hàng đã giải thể nên ông không biết ai bán, ai mua lô hàng này. Toà phúc thẩm đã tuyên ông Bình vô tội.

Ngày 14/3, một lãnh đạo TAND Hà Nội cho biết, đang chuẩn bị và xin ý kiến từ các ban ngành việc tổ chức buổi xin lỗi công khai với ông Phạm Đức Bình, người bị kết án oan từ năm 2000.

Trước đó, vào ngày 9/10/2006, sau khi xem xét đơn khiếu nại về việc TAND TP Hà Nội từ chối giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388 của ông Bình và những tài liệu gửi kèm theo, Tòa hình sự TAND Tối cao đã có ý kiến cho rằng, ông Bình thuộc trường hợp được bồi thường do bị kết án oan theo quy định tại Nghị quyết số 388/2003/NQ- UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Mệt mỏi trong chờ đợi và khánh kiệt

"Từ khi tôi bị vướng vào vòng lao lý, gia đình bị khánh kiệt, phải đi lang bạt thuê nhà ở khắp nơi ở Hà Nội. Đến nay đã gần 8 năm, TAND TP. Hà Nội mới thông báo tổ chức xin lỗi công khai theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội"- ông Phạm Đức Bình (SN 1956) ở phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.

Tôi nguyên là Cửa hàng trưởng Cửa hàng dịch vụ tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm là đơn vị trực thuộc Công ty Thi công Cơ giới và Xây lắp, được thành lập năm 1991. Nhiệm vụ cửa hàng là giao dịch giới thiệu sản phẩm của công ty, thu mua vật tư phụ tùng, thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Năm 1997, không hiểu lý do gì tôi bị đình chỉ công việc và 1 năm sau bị khởi tố vì liên quan đến sai phạm tại Cửa hàng. Đến năm 2000, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt tôi 30 tháng tù về 2 tội Tham ô và Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa.

Tôi gửi đơn kháng cáo kêu oan, đến năm 2001, TAND Tối cao đã xử phiên phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, tuyên tôi không phạm tội Tham ô và Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, đình chỉ vụ án hình sự. Đến năm 2003, có Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai nhưng là người dân tôi không biết. Chính vì thế mãi đến năm 2005, tôi mới gửi đơn yêu cầu TAND TP. Hà Nội bồi thường, ngay lập tức Tòa trả lời đã quá thời hạn (2 năm). Tôi tiếp tục làm đơn gửi TAND Tối cao, TAND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng. Đến năm 2006, tôi nhận được thông báo của TAND Tối cao khẳng định tôi là trường hợp được bồi thường do bị kết án oan theo Nghị quyết 388 và đề nghị liên hệ với TAND TP. Hà Nội để giải quyết.

"Thời gian qua tôi quá khổ, quá buồn. Tài sản vật chất lớn nhất là cái nhà 88m2 ở khu Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội - mua năm 1994 giá 105 triệu đồng) bị lấy để thi hành án. Đến nay tôi vẫn đang nợ hơn 200 triệu đồng, số tiền nợ này vừa để đi kêu oan, vừa nuôi 3 con nhỏ ăn học. Dù năm 2001, tôi đã là người vô tội nhưng Cửa hàng nơi mình làm việc bị giải tán, đình chỉ kinh doanh. Tôi đã nhiều lần đề nghị nhưng công ty lại không bố trí việc làm, cũng không giải quyết chế độ dù tôi công tác được gần 25 năm. Các mối làm ăn kinh doanh bị mất hết vì mình không còn uy tín. Để mưu sinh hiện tôi đang phải đi bán bảo hiểm nhưng thu nhập cũng rất bấp bênh.

Ngoài việc xin lỗi trả lại danh dự, tôi yêu cầu bồi thường 800 triệu, đó là khoản thất thoát từ thu nhập thực tế. Tôi cũng mong cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp giúp để Công ty nơi tôi từng làm việc phải có trách nhiệm, chứ không thể thờ ơ tới mức gần như vô cảm với một người đã từng gắn bó mấy chục năm như tôi", ông Bình nói.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc