Một điển hình trong chậm quyết toán xây dựng cơ bản

06:41, 10/12/2013
|

(VnMedia)- Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, việc Hà Nội đang có số nợ đọng trong xây dựng cơ bản lên đến hơn 3.200 tỷ đồng là do khó khăn về kinh tế, bất động sản đóng băng… Tuy nhiên, trên thực tế, có công trình không liên quan gì đến tình hình bất động sản đóng băng vẫn phải ngậm ngùi chịu cảnh bị nợ!

>> Trường Amsterdam: Khánh thành 3 năm vẫn đợi quyết toán

Trong phiên chất vấn ngày 5/12 vừa qua, báo cáo với các đại biểu HĐND, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm 30/6/2013, Thành phố có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện xây dựng cơ bản (XDCB) vượt kế hoạch giao chưa được thanh toán gồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư: 3.246,9 tỷ đồng, trong đó khối lượng các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Thành phố và Ngân sách Thành phố hỗ trợ các quận huyện thị xã là 345 dự án với số vốn 1.402 tỷ đồng chiếm 43%.

Số còn lại, trong số còn lại, khối lượng XDCB thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện chưa được thanh toán là lớn nhất, với 1.175 dự án và số vốn là 1.282,7 tỷ đồng, chiếm 40%, trong đó 998 dự án hoàn thành với số vốn 904,1 tỷ đồng, 157 dự án đang triển khai: với số vốn 336,5 tỷ đồng... “Hiện nay, nhiều huyện, thị xã có số vốn XDCB nợ chưa được thanh toán lớn hơn tổng số vốn XDCB phân cấp” - báo cáo của Thành phố thừa nhận.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ngô Văn Quý  nguyên nhân do nhu cầu 3 năm 2011 – 2013 đầu tư theo phân cấp của 29 quận huyện khoảng 43.000 tỷ đồng, trong khi 3 năm qua chỉ bố trí 19.700 tỷ đồng. Mặt khác tình hình khó khăn về kinh tế, bất động sản đóng băng, nguồn thu từ quỹ sử dụng đất hụt so với dự toán đầu năm… Tuy nhiên, trên thực tế, có công trình không liên quan gì đến tình hình bất động sản đóng băng vẫn phải ngậm ngùi chịu cảnh bị nợ!

Dự án xây dựng, cải tạo mở rộng trường THPT Sóc Sơn được khởi công vào tháng 12/2007 và hoàn thành vào tháng 12/2008. Chủ đầu tư của dự án là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Theo quyết định đầu tư, dự án được duyệt ngân sách là 15.553.126.300 đồng trong đó vốn xây dựng cơ bản ngân sách thành phố cấp là 15.523.126.300 đồng, vốn sự nghiệp ngân sách thành phố cấp là 30.000.000 đồng. Tính đến trước thời điểm tháng 5/2013, chủ đầu tư đã được thanh toán 15.263.453.000 đồng, số tiền còn lại là 289.673.000 đồng.

Ảnh minh họa

Quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án Xây dựng, cải tạo mở rộng trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội của Sở Tài chính được ban hành từ tháng 5/2013. Tại quyết định này, Sở Tài chính đã yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn để thanh toán công nợ cho các nhà thầu nhưng không hiểu vì lý do gì mà chủ đầu tư là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa thực hiện!

Ngày 8/5/2013, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Văn Thọ đã ký quyết định số 2182/QĐ-STC phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành dự án Xây dựng, cải tạo mở rộng trường THPT Sóc Sơn. Theo đó chủ đầu tư của dự án là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (Ban Quản lý dự án là đại diện chủ đầu tư) được phép tất toán nguồn và chi phí đầu tư xây dựng công trình là 15.553.126.300 đồng. Theo quyết định này, chủ đầu tư có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn 289.673.300 đồng để thanh toán công nợ cho các nhà thầu.

Sau khi hoàn tất, thanh toán công nợ, chủ đầu tư có trách nhiệm lưu hồ sơ các chứng từ thanh toán, hóa đơn thuế giá trị gia tăng của các nhà thầu và làm thủ tục đóng mã số dự án theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Cũng theo quyết định này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.

Sau khi có công văn này, các nhà thầu tham gia dự án tại trường THPT Sóc Sơn đều hy vọng có thể được thanh toán tiền. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà một trong những nhà thầu của dự án là Công ty cổ phần phát triển kỹ thuật xây dựng (đơn vị tham gia gói thầu 2) vẫn không được thanh toán số tiền 89.821.000 đồng.

Vấn đề là liên tiếp từ tháng 5/2013 đến nay, Công ty cổ phần phát triển kỹ thuật xây dựng đã có 3 lần gửi công văn đề nghị Ban Quản lý dự án Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị được thanh toán nốt tiền.

Quá trình tìm hiểu vụ việc, có một sự việc gần giống nhau ở dự án xây dựng, cải tạo mở rộng trường THPT Sóc Sơn và dự án trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là nhà thầu gửi văn bản đề nghị thanh toán kinh phí công trình nhưng không nhận được trả lời từ phía Ban Quản lý dự án Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ở dự án trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, giám đốc của gói thầu 16 đã phải chua chát: “Nhà thầu đã nhiều lần bằng công văn đề nghị ông Giám đốc Ban QLDA về việc thanh toán tiền thi công Gói thầu số 16 cho nhà thầu. Tuy nhiên ông Giám đốc Ban QLDA đã không có công văn trả lời. Đây là hành động thiếu thiện chí trong việc hợp tác để thúc đẩy công việc của ông Giám đốc Ban QLDA”.

Sự việc "quên" không thanh toán tiền cho nhà thầu dù Sở Tài chính đã nhắc nhở trong quyết định 2182/QĐ-STC của Ban Quản lý dự án Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gây ngạc nhiên cho dư luận. Dường như, Ban Quản lý Sở Giáo dục và Đào tạo thường không mấy "mặn mà" với kinh phí của mỗi công trình mà đơn vị này là chủ đầu tư. Tháng 9/2013, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố kết quả thanh tra tại công trình trường Hà Nội- Amsterdam. Theo kết luận, mặc dù dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng ngày 14/4/2011, song chủ đầu tư chưa có đầy đủ hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án để trình UBND TP Hà Nội. Chính vì sự chậm trễ như trên mà hiện Ban Quản lý dự án Sở Giáo dục và Đào tạo đã bị nhà thầu gửi đơn kiến nghị!


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc