Giám đốc Công an Hà Nội: Tìm được xác mới định được tội danh

09:11, 31/10/2013
|

(VnMedia)- Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định, phải tìm được xác nạn nhân Huyền mới xác định được tội danh của Nguyễn Mạnh Tường. Vậy, cơ quan điều tra khởi tố tội danh Giết người đã chính xác!?

Ảnh minh họa

Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra

Theo chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội, nhiều khả năng vẫn là đối tượng Nguyễn Mạnh Tường ném xác nạn nhân xuống sông vì ngoài lời khai của thủ phạm thì còn nhiều tài liệu và nhân chứng chứng minh, phát hiện. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, độ phức tạp thì chờ cơ quan điều tra, phải tìm thấy xác nạn nhân thì mới xác định được tội danh.

Liên quan đến sự việc này, tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe cũng chia sẻ với VnMedia. Vị luật sư này cho rằng, việc cơ quan điều tra khởi tố tội danh Giết người chỉ mang tính “tạm thời” để điều tra vụ án. Bởi, ở thời điểm này, chưa thể xác định chính xác tội danh để khởi tố vụ án làm chết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường. Việc khởi tố theo tội danh nào cần cần phải dựa vào nhiều yếu tố trong đó kết quả giám định pháp y về nguyên nhân tử vong là một yếu tố rất quan trọng.

PV: Việc khởi tố vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường theo tội danh “Giết người” có đúng không, thưa luật sư?

- Luật sư Vũ Thái Hà: Nạn nhân chưa được tìm thấy, chưa có kết quả giám định pháp ý về nguyên nhân tử vong, nên việc khởi tố bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường với tội danh Giết người chỉ mang tính “tạm thời” để phục vụ quá trình điều tra. Tuy nhiên, với các thông tin ban đầu, nạn nhân đã đến trung tâm thẩm mỹ làm phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực và sau khi phẫu thuật xong có biểu hiện co giật rồi tử vong, thì khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bác sĩ Tường về tội Giết người.

Nếu kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân chết sau khi bị ném xuống sông, thì mới đủ cơ sở truy cứu ông Tường về hành vi giết người.

Nếu phân tích như vậy, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường có thể bị khởi tố theo tội danh nào nếu không bị khởi tố với tội danh Giết người?

Trong vụ án này, hành vi của bác sĩ Tường có thể bị xem xét khỏi tố theo một trong hai tội danh: Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 hoặc Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác  quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, theo các thông tin ban đầu, Thẩm thẩm mỹ viện do bác sĩ Tường làm giám đốc chưa được cấp phép hành nghề trong lĩnh vực này. Nên, theo tôi, hành vi của bác sĩ Tường chỉ có thể bị truy tố theo Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự.

Hình phạt đối với hai tội danh nêu trên được quy định thế nào?

Cả hai tội danh này đều có khung hình phạt thấp nhất từ một năm đến năm năm. Đối với Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, trong trường hợp phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm và đối với Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, trong trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

Ngoài hình phạt tù nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Nhưng còn hành vi vứt xác nạn nhân xuống sông để phi tang sẽ được xem xét thế nào?

Dù bị khởi tố theo tội danh nào thì hành vi vứt xác nạn nhân vứt xuống sông phi tang của bác sĩ Tường và những người có tham gia cũng không bị xem là yếu tố định tội mà chỉ được xem là tình tiết tăng nặng theo điểm (0) khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự: có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

 Điều 99. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 242 Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 (tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác) của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc