Nhiều vụ buôn lậu qua đường hàng không bị triệt phá

07:10, 03/06/2013
|

(VnMedia) - Trong thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu hàng cấm, hàng nhập khẩu phải có giấy phép với thủ đoạn tinh vi, táo tợn đã bị Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) triệt phá.

Tuy nhiên, thực tế công tác đấu tranh chống buôn lậu qua đường hàng không còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên tiếp bắt hàng lậu, hàng cấm
 
Hàng loạt vụ vụ buôn lậu hàng cấm, hàng nhập khẩu phải có giấy phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ kể từ đầu năm đến nay.
 
Gần đây nhất, vào khoảng 3h ngày 4/5, khi làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách trên chuyến bay ký hiệu QR614 xuất phát từ Doha (Quatar) qua Bangkok (Thái Lan) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, qua soi chiếu hành lý ký gửi, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện hành lý của ba hành khách là Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1989, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội); Phạm Minh Châu (sinh năm 1985, ở Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội); Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1987, ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
 
Qua kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện trong hành lý của 3 người này có 19 miếng sừng tê giác với tổng trọng lượng 2,15kg. Cụ thể: trong hành lý của hành khách Nguyễn Trung Dũng có 7 miếng sừng động vật nghi là sừng tê giác, có trọng lượng 0,65 kg; hành lý của Phạm Minh Châu có 4 miếng sừng động vật nghi là tê giác với trọng lượng 0,55 kg và trong hành lý của Nguyễn Thị Nguyệt có 8 miếng sừng động vật nghi là tê giác, với trọng lượng là 0,95 kg.
 
Trước đó, khoảng 15h30 phút ngày 1/4, khi làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách trên chuyến bay ký hiệu QR614, cũng theo tuyến bay trên, qua máy soi chiếu hành lý ký gửi, lực lượng Hải quan Nội Bài phát hiện trong valy của hành khách Nguyễn Thế Mạnh Vinh (sinh năm 1985, hộ chiếu B7561656, ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu kiểm tra.
 
Quá trình kiểm tra chiếc valy này, lực lượng chức năng phát hiện bên trong là 238 chiếc vòng trang sức cùng 100 đôi đũa có chiều dài 28 cm làm bằng ngà voi.
 
Thủ đoạn tinh vi, táo tợn
 
Đây chỉ là hai trong số các vụ buôn lậu qua đường hàng không được lực lượng Hải quan Nội Bài kịp thời phát hiện. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua tình trạng sử dụng đường không để buôn lậu đang ngày càng gia tăng, nhất là các mặt hàng có nguồn gốc động vật hoang dã, thuốc lá và điện thoại di động đã qua sử dụng. Thủ đoạn của những kẻ buôn lậu cũng tinh vi, táo tợn hơn trước.
 
Đối với hành có nguồn gốc động vật hoang dã, các đối tượng buôn lậu thường để trong hành lý ký gửi và xếp lẫn vào những mặt hàng khác trong hành lý khiến lực lượng kiểm soát hải quan khó phát hiện. Còn với điện thoại di động đã qua sử dụng, mặt hàng trọng điểm trong công tác chống buôn lậu bị cơ quan Hải quan liên tiếp phát hiện thời gian qua, xu hướng của chúng là tháo linh kiện ra và vận chuyển theo đường xách tay.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài Nguyễn Văn Chiến cho biết, để qua mặt lực lượng chức năng tại sân bay, có đối tượng buôn lậu điện thoại di động khi vào đến khu vực cách ly của Công an để kiểm tra hộ chiếu, đã lẩn vào khu vệ sinh để giấu hàng, chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển ra ngoài.
 
Tinh vi hơn, bọn buôn lậu xé lẻ hàng, nhờ người xách ra ngoài khu vực sân bay, sau đó gom lại. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng, vì khi tháo rời các bộ phận, chi tiết của chiếc điện thoại ra thì hình ảnh chiếu trên máy soi rất khó bị phát hiện.

Ví dụ, để vận chuyển thuốc lá lậu - mặt hàng cồng kềnh và khó qua máy soi, các đầu nậu thường lợi dụng những người lao động không biết quy định về tiêu chuẩn khi mang thuốc lá về Việt Nam xách hộ. Qua việc lấy lời khai những đối tượng vận chuyển đã bị lực lượng Hải quan phát hiện, có đến 90% là được nhờ xách hộ.

“Với những trường hợp này, cơ quan Hải quan chỉ có thể xử lý được đối tượng vận chuyển còn chủ mưu của vụ việc thì lại không xử lý được” - ông Chiến cho biết thêm.

Theo thống kê của lực lượng Hải quan Hà Nội, từ đầu năm đến nay đơn vị này đã phát hiện 13 vụ buôn lậu thuốc lá, 8 vụ buôn lậu điện thoại đã qua sử dụng và 4 vụ buôn lậu ngà voi và chế phẩm từ ngà voi.

Nhiều khó khăn trong việc xử lý

Theo đại diện Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Hà Nội) cho biết, nhiều vụ buôn lậu hàng cấm nhập khẩu, vận chuyển qua sân bay quốc tế Nội Bài đã được lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện, tuy nhiên khâu xử lý tang vật vi phạm và hành vi vi phạm của đối tượng vận chuyển lại gặp trở ngại lớn do những bất cập trong các quy định hiện hành.
 
Chẳng hạn, vụ vận chuyển 26 khúc ngà voi với trọng lượng khoảng trên 120 kg vào tháng 11/2012 vẫn chưa được xử lý, do cơ quan Hải quan không thể định giá được tang vật vi phạm theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
 
Cũng theo vị đại diện Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, hiện không chỉ khó xử lý tang vật là động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã, mà việc xử lý đối với các tang vật khác cũng gặp nhiều vướng mắc. Cơ quan Hải quan khó có thể thu được khoản tiền phạt về hành vi vi phạm hành chính, hoặc chỉ thu được rất ít.
 
Năm 2012 số tiền phạt về hành vi vi phạm hành chính đối với các vụ vận chuyển trái phép qua biên giới chỉ thu được 1/3 số tiền mà cơ quan Hải quan ra quyết định xử phạt. Nguyên nhân một phần là đối tượng vi phạm không có sự ràng buộc với cơ quan Hải quan. Còn cơ quan Hải quan, theo quy định của pháp luật thì không được phép giữ bất cứ giấy tờ tùy thân nào của đối tượng vi phạm.

Bên cạnh những khó khăn trong việc đối phó với những thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, khó khăn trong việc xử lý tang vật, điều kiện làm việc cộng với sự quá tải tại sân bay quốc tế Nội Bài càng gia tăng thêm áp lực làm việc với những cán bộ Hải quan Hà Nội.

Hiện trung bình một ngày có trên 120 chuyến bay quá cảnh vào sân bay Nội Bài, cùng với đó số khách nhập cảnh một ngày khoảng 5.800 đến 6.000 người và số khách xuất cảnh cũng tương đương. Số lượng chuyến bay và hành khách lớn nhưng Tổ Chống buôn lậu Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài chỉ có 5 cán bộ chuyên trách.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc