Khủng khiếp cha mẹ hành hạ chính con đẻ

07:34, 16/05/2012
|

(VnMedia) - Bạo hành trẻ em ở Việt Nam vài năm trở lại đây không còn là hành vi tội phạm hiếm. Trẻ em bị bạo hành mọi lúc mọi nơi gây xôn xao dư luận. Bức xúc hơn cả là những trường hợp trẻ bị chính những bậc làm cha làm mẹ đánh đập, hành hạ...

Cha mẹ bạo hành con như thời trung cổ

Mấy ngày qua, trên các trang báo đồng loạt đưa tin cháu bé 10 tuổi bị chính cha ruột của mình đánh đập, hành hạ dã man. Trước đó, ngày 12/5, chị Nghiêm Thị Anh (SN 1965) ở Cổ Nhuế, Từ Liêm đang nấu cơm thì thấy người cháu họ của mình là Diễm Quỳnh chạy đến khóc lóc, nói rằng: “Bác ơi, bác đưa cháu đi khám bệnh, đi lên công an không bố cháu đánh chết cháu”. Chị Anh hoảng hốt ra kiểm tra thì thấy cháu Quỳnh kêu đau tay, khắp người hằn vết roi còn rớm máu. Khuôn mặt cháu Quỳnh lúc đó cũng bầm tím, sưng húp. Chị Anh đã cùng người nhà tức tốc đưa cháu Quỳnh đến bệnh viện E để cấp cứu, đồng thời tố cáo Đặng Quốc Hoàng bố của bé Quỳnh vì đã đánh đập, hành hạ con mình tàn nhẫn.

Được biết, Hoàng từng bị phạt tù 3 năm vì tội trộm cắp tài sản, còn mẹ cháu bé buôn bán ma túy, đang thụ án tù. Từ khoảng hơn một năm nay, Hoàng thường xuyên dùng roi, dây điện, xích… đánh đập con gái, khiến cơ thể cháu bé bị sẹo chằng chịt.

Ảnh minh họa
Cháu Quỳnh bị cha ruột đánh bầm dập, thâm tím khắp người

Cách đây gần 2 năm, vào tháng 9/2010 đã xảy ra một vụ bạo hành con đẻ gây chấn động dư luận. Bé Nguyễn Thị Như Ý, 9 tháng tuổi bị chính mẹ đẻ của mình hành hạ một cách dã man.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, 33 tuổi trú  ấp Long Thành A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp kết hôn với người chồng ở Đài Loan (Trung Quốc) và sau đó theo chồng định cư. Đầu năm 2009, bà Lan có bầu và về quê sinh con. Khi bé được 3 tháng tuổi, chồng bà Lan có về thăm vài tuần sau đó về nước. Bà Lan ở lại nuôi con. Sau đấy bà Lan phát sinh tình cảm với một người đàn ông khác. Và cũng từ đấy bé Như Ý liên tục bị đánh đập, hành hạ...

Khi cô bé tội nghiệp được phát hiện và chính quyền địa phương đưa vào viện để cấp cứu thì những vết thương do bị đánh đập đã lở loét, trên khắp cơ thể. Hành động mất nhân tính của mẹ bé Như Ý khiến dư luận hết sức bất bình.

Có lẽ bức xúc hơn cả là vụ bà mẹ đánh con chấn thương sọ não ở Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh). Vào ngày 21/12/2007, vì tức chuyện bé Phạm Huy Hoàng (5 tuổi) không nghe lời, chị Phạm Thị Mai (mẹ ruột của Hoàng) đã dùng vá múc canh, nồi gang, bình gas mini, bình xịt muỗi... đập tới tấp vào đầu, lưng Hoàng để "dạy dỗ".

Ngay sau đó, bé Hoàng được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết bầm tím trên mặt, đầu, đã hôn mê. Kết quả chụp CT scan sọ não cho thấy Hoàng bị chấn thương sọ não, có máu tụ dưới màng cứng bán cầu bên trái với biểu hiện phù não và mê sâu. Cậu bé đã tử vong mấy ngày sau đó.

Ảnh minh họa
Cô bé 9 tháng tuổi với những vết thương do bị mẹ đẻ hành hạ

Luật có nhưng chưa đủ răn đe

Có rất nhiều lý do bào chữa cho việc bạo hành trẻ em trong gia đình. Lý do được nhiều người vin vào để thanh minh là nhằm mục đích dạy dỗ con cái. Nhưng, những ông bố mà mẹ nghĩ gì khi dạy con theo cách đó? Họ đang dạy bảo hay đang hành hạ bạo ngược và làm hại chính đứa con mà họ đứt ruột đẻ ra.

Trao đổi với VnMedia, luật sư Phạm Chí Công – Đoàn luật sư Hải Dương cho rằng, hành hạ, ngược đãi trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm, vì đây là đối tượng có khả năng tự vệ kém. Thậm chí có những đối tượng khả năng tự vệ chỉ bằng không (trường hợp cháu Như Ý). Tuy nhiên luật pháp hiện hành chưa đủ răn đe và mặc dù đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực hiện chưa nghiêm túc.

Luật sư Công viện dẫn: Điều 110 Bộ luật Hình sự về tội hành hạ người khác có quy định, người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ một năm đến ba năm. Đây là mức án quá nhẹ. Trong khi các vụ hành hạ trẻ em thường lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, khiến trẻ không những bị ảnh hưởng về thể xác mà tinh thần cũng ảnh hưởng rất nặng, có khi những ám ảnh đó theo các em suốt đời.

“Mặc dù Khoản 2, Điều 17 Nghị định 114/2006/NĐ-CP quy định phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em, làm cho đau đớn về thể xác và tinh thần. Song trên thực tế có mấy trường hợp đánh đập trẻ em bị xử phạt đâu”, luật sư Công nói.

Luật sư Công đề nghị, nên chăng bổ sung vào Luật Hôn nhân – Gian đình trách nhiệm làm cha mẹ, và có thể truất quyền làm cha mẹ nếu không chăm sóc nuôi dậy con đúng nghĩa.


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc