Tiếng Đức thành ngoại ngữ thứ hai trong trường học phổ thông

11:18, 30/04/2016
|

(VnMedia) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Vinh Hiển vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Đức – ngoại ngữ hai theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.

Theo đó, Chương trình sẽ được triển khai theo hình thức thí điểm tại các cơ sở giáo dục phổ thông có nhu cầu dạy môn tiếng Đức – ngoại ngữ thứ hai trước khi được ban hành chính thức.

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, Chương trình dạy và học tiếng Đức với vai trò là ngoại ngữ thứ hai tại các trường phổ thông Việt Nam được thiết kế cho việc giảng dạy tiếng Đức ở các trình độ từ bậc 1 đến bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với tổng thời lượng là 735 tiết (1 tiết bằng 45 phút) gồm cả số tiết ôn tập, kiểm tra và đánh giá.

Theo Đề án, nếu bắt đầu học tiếng Đức ở cấp Trung học cơ sở cho đến hết cấp Trung học phổ thông thì để thuận lợi cho việc tổ chức giảng dạy có thể cân nhắc phân bổ số tiết theo từng bậc học. Cụ thể, bậc 1 dành cho 4 năm ở cấp trung học cơ sở sẽ học 3 tiết/tuần và bậc 2 học trong 3 năm  cấp Trung học phổ thông cũng với 3 tiết/tuần.

Chương trình được thiết kế mở để đảm bảo khả năng áp dụng linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể ở mỗi trường. Với tính chất này, Chương trình không đưa ra quy định về thời lượng dạy ở từng khối lớp mà chỉ đưa ra đề xuất số tiết học cần thiết để hoàn thành từng bậc trình độ.

Đối tượng thụ hưởng Chương trình là học sinh các trường trung học cơ sở và trung  học phổ thông Việt Nam, đã được học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất bắt đầu từ lớp 3 ở bậc tiểu học và lựa chọn tiếng Đức là ngoại ngữ thứ hai.

Chương trình được thiết kế dựa trên các chuẩn quốc tế và các nguyên tắc giáo học pháp hiện đại. Nền tảng cơ bản cho việc xây dựng Chương trình là Khung năng lự ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và Khung năng lực tiếng Đức.

Việc dạy tiếng Đức sẽ trang bị cho học sinh những hành trang cần thiết để có thể tham gia vào quá trình giao tiếp bằng tiếng Đức một cách hiệu quả. Học sinh sẽ được rèn luyện để phát triển năng lực giao tiếp, bao gồm nghe, nói, đọc, viết; kiến thức ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm; kiến thức về đất nước, văn hóa và con người ở Đức và các nước nói tiếng Đức cũng như các kiến thức về phương pháp tổ chức hoạt động học tập bản thân.

Việc học tiếng Đức được coi là xuất phát điểm cho việc xây dựng ba mục tiêu chính là tham gia vào chương trình trao đổi học sinh ở các quốc gia nói tiếng Đức; Học đại học/học nghề tại các quốc gia nói tiếng Đức sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông; làm việc cho một tổ chức/doanh nghiệp có sử dụng tiếng Đức hoặc làm việc tại các quốc gia nói tiếng Đức sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.


Ý kiến bạn đọc