Thông qua Luật Lâm nghiệp: Cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thuê đất trồng rừng

16:59, 15/11/2017
|

(VnMedia) - Sáng 15/11, với 431/447 đại biểu tán thành, chiếm 87,78% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lâm nghiệp, trong đó đáng chú ý có quy định Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thuê đất trồng rừng.

Cụ thể, nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp với 447 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 91,04% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết: có 431 đại biểu tán thành, chiếm 87,78% tổng số đại biểu Quốc hội; 16 đại biểu không tán thành, chiếm 3,26%.

Gồm 12 chương, 108 Điều, tăng 11 Điều  so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Luật Lâm nghiệp quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; chế biến thương mại, lâm sản; quyền và nghĩa vụ cùa chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Lâm nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Lâm nghiệp

 UBND cấp tỉnh được quyền cho DN nước ngoài thuê đất trồng rừng

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, cá nhân, tổ chức được quyền sở hữu rừng (chủ rừng)  bao gồm: Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này; Đơn vị vũ trang nhân dân được giao rừng; Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp; Hộ gia đình, cá nhân trong nước; Cộng đồng dân cư; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.

UBND cấp tỉnh được quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với tổ chức; Cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuê đất để trồng rừng sản xuất.

UBND cấp huyện được quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân; Giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với cộng đồng dân cư.

Chính phủ quy định chi tiết việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng.

Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hằng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 héc ta; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 héc ta đến dưới 50 héc ta; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 héc ta đến dưới 500 héc ta; rừng sản xuất từ 50 héc ta đến dưới 1.000 héc ta.

HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 héc ta; rừng sản xuất dưới 50 héc ta; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

Cấm thu thập mẫu thực vật rừng trái quy định

Các hành vi bị cấm được quy định trong Luật Lâm nghiệp gồm: Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; Đưa chất thải, hoá chất độc hại, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái quy định, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng;

Luật cũng cấm săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật; Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng; Vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng, quản lý các loài ngoại lai xâm hại, dịch vụ môi trường rừng.

Các hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc khai thác trái pháp tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động trái pháp luật khác làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng cũng bị nghiêm cấm.

Luật Lâm nghiệp cũng nghiêm cấm việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; cho phép khai thác, cho phép chuyển loại rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng; vận chuyển lâm sản, chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về giới trong giao rừng, cho thuê rừng; Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.

Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc