Người Việt biến Tết thành thời điểm kiệt quệ và tàn phá sức khoẻ

10:24, 30/01/2017
|

Dịp Tết, từ Tết Dương lịch đếnTết Nguyên đán, các bác sĩ phải cấp cứu đủ thứ bệnh, từ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu đến tai nạn giao thông. Còn sau Tết, bệnh nhân đến viện khám đông không kém, không ít người khám vì kiệt quệ sức khoẻ.

Nghỉ Tết mệt hơn đi làm

Chị Nguyễn Hoài Phương, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự, năm nào Tết cũng là nỗi ám ảnh của chị bởi Tết bận và mệt hơn. Sau mỗi kỳ nghỉ Tết, chị Phương cảm giác sức khoẻ của mình kiệt quệ đi trông thấy.

Năm nào ra Tết chị cũng phải đi kiểm tra sức khoẻ và mua các loại thuốc bổ để bổ sung.

Nhắc đến Tết, chị kể, bắt đầu nghỉ làm là chị lao vào dọn nhà cửa, mua sắm cho Tết, rồi quà cáp nội ngoại hai bên, Sau đó, chị tranh thủ về quê ngoại ở Hà Nam rồi quay lại Hà Nội, bắt đầu ngập mặt trong bếp, làm mâm cơm cúng. Sáng mùng 2, cả nhà chị dắt díu nhau lên nhà nội ở thành phố Hoà Bình.

Dù ở thành phố, chị Phương cho hay, nhà chị vẫn còn nặng chuyện cỗ bàn, ăn uống. Ngày nào nhà cũng cúng hai bữa nên từ sáng đến tối chị chỉ nấu ăn, chờ cúng xong rồi dọn dẹp. Có hôm đến 9h tối còn chưa dọn xong.

Đàn ông con trai nhà chị chỉ biết uống rượu, chén chú chén anh, ngồi lai rai ăn trưa đến tận 3h chiều, ăn tối đến 10h chiều.

Còn chị em phụ nữ, ngày tết nhiều người kiệt quệ sức khoẻ vì làm việc, dọn dẹp, cơm nước.

Tết năm ngoái, anh Vũ Văn Định 26 tuổi, trú tại Thanh Hoá phải đưa ra bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc rượu. Từ 28 Tết đến mùng 2 Tết, không ngày nào anh không uống rượu. Thậm chí, có ngày trong bụng anh Định chẳng có gì ngoài cồn. Đến chiều mùng 2 anh nôn và đau bụng. Lúc đầu đau nhẹ, sau đó cơn đau tăng dần và phải đi viện cấp cứu vì viêm tuỵ do uống rượu.

Ăn tết kiểu Việt nguy hiểm hơn vui

Theo TS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người Việt ăn Tết kiểu khổ sở chứ chẳng sung sướng gì.

Năm nào cũng thế, ra tết, TS Khanh lại gặp nhiều bệnh nhân và ai cũng than mệt mỏi, kiệt quệ về sức khỏe. Họ mệt vì ăn uống và vì quá nhiều việc để làm. Thế nên Tết trở thành ác mộng.

Có những người bệnh sau tết đến than phiền bác sĩ rằng, họ chẳng được nghỉ ngày nào.

TS Khanh cho biết, rất khó khuyên mọi người giữ an toàn, không bị ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ trong những ngày Tết... Tâm lý "đói ngày giỗ cha no ba ngày Tết" khiến ai cũng tích trữ đồ ăn, miến, măng, chuẩn bị cho cả tháng.

Đã đến lúc chúng ta không nên nghĩ ngày đó chỉ ăn, uống rượu. Tâm lý uống bia rượu lấy sảng khoái đầu năm cần phải thay đổi.​ Đừng biến Tết Nguyên đán thành những ngày tàn sát sức khoẻ của mình. Mọi người vẫn có nhiều cách tạo sảng khoái như uống cà phê, uống trà hoặc ngồi hàn huyên với bạn bè, người thân. 

Thứ 2, ngày Tết, những người thường xuyên tập luyện thể dục cũng thay đổi thói quen này và gây hại cho sức khoẻ.

Để sức khoẻ không bị kiệt quệ trong ngày tết, TS Khanh cho biết mọi người cần duy trì sinh hoạt điều độ, đừng nghĩ ngày Tết là ăn mà nên chơi, nghỉ ngơi.

(Theo Infonet)

 


Ý kiến bạn đọc