(VnMedia) - Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, con số giảm biên chế 4000 người mà Thủ tướng đưa ra là một nỗ lực bởi trên thực tế, vấn đề này chúng ta đặt ra từ lâu nhưng không những không giảm mà còn tăng lên. Nhưng quan trọng hơn, phải làm sao cho chất lượng công chức ngày càng được nâng cao.
ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội chiều 21/10 - ảnh: Tuệ Khanh |
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã trao đổi với VnMedia bên hành lang Quốc hội về chất lượng công chức, trong đó có vấn đề đạo đức và chuyện “cả họ làm quan”... Về hình ảnh phản cảm diễn ra ở sân bay, theo ông Dương Trung Quốc, xã hội chúng ta ở đâu cũng có thể có côn đồ, nhưng hành vi đó gắn với một công chức nhà nước, mà lại làm nhiệm vụ thanh tra, làm công an, là những người không những phải có kỹ năng mà phải có năng lực ứng xử với người dân. Điều đó đi ngược tất cả những giá trị.
- Thưa ông, trong báo cáo kinh tế - xã hội năm 2016 - 2017, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ giảm biên chế 4000 người. Theo ông, điều này có khả thi hay không?
Có hai cách tiếp cận vấn đề, một là giảm biên chế, hai là tinh giản. Giảm là bớt đi, làm cho số người ăn lương nhà nước ít đi dẫn đến giảm chi ngân sách nhà nước, nhưng tinh giản biên chế là làm cho hiệu ứng về mặt chất lượng cao hơn. Đây là bài toán không đơn giản.
Con số 4000 mà Thủ tướng đưa ra không phải là lớn so với tổng số người ăn lương nhà nước hiện nay, nhưng ít nhất, đó là một nỗ lực bởi trên thực tế, vấn đề này chúng ta đặt ra từ lâu nhưng không những không giảm mà còn tăng lên, thì việc giảm này là một điều đáng mừng. Nhưng quan trọng hơn, phải làm sao cho chất lượng công chức ngày càng được nâng cao.
Ở nhiệm kỳ này, Chính phủ có định hướng xây dựng một Chính phủ năng động, hiệu quả, mang tính chất phục vụ. Rõ ràng đây là một định hướng, trên cơ sở đó chúng ta tìm được bài toán tinh giản biên chế thực sự. Tôi rất hy vọng, con số 4000 này chưa lớn nhưng là nỗ lực đạt mục tiêu có ý nghĩa mà Chính phủ phấn đấu.
- Như ông nói, quan trọng là vấn đề chất lượng công chức, vậy gần đây, xảy ra một số vụ việc lùm xùm như vụ thanh tra giao thông hành hung nữ nhân viên hàng không, hay chuyện một sở ở Hải Dương có 46 người thì 44 người là cán bộ và chỉ có 2 nhân viên. Theo ông, khi tinh giản biên chế, có nên loại những người này ra khỏi đội ngũ công chức nhà nước?
Chất lượng công chức được đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Thứ nhất là kỹ năng làm cho bộ máy vận hành tốt, mang lại lợi ích cho xã hội, nhưng điều thứ hai rất quan trọng phải là chuẩn mực của những người ăn lương nhà nước, là người đại diện cho nhà nước, ở đây có vấn đề đạo đức.
Trong xã hội truyền thống, một trong những phẩm chất rất quan trọng của người làm quan là liêm chính. Điều đó hết sức quan trọng. Một trong những phẩm chất đạo đức là sống phải có liêm sỉ, phải biết ngượng, phải sống xứng đáng với cái danh của anh.
Về hình ảnh phản cảm diễn ra ở sân bay thì xã hội chúng ta ở đâu cũng có thể có côn đồ, nhưng hành vi đó gắn với một công chức nhà nước, mà lại làm nhiệm vụ thanh tra, làm công an, là những người không những phải có kỹ năng mà phải có năng lực ứng xử với người dân. Điều đó đi ngược tất cả những giá trị.
Còn ở Hải Dương, nếu quả thực có chuyện đó thì đó quả là một điều hết sức hài hước. Đó là bộ máy ăn bám thực sự. Nếu một đơn vị mà nhiều thầy ít thợ như thế, cần hết sức điều chỉnh. Trách nhiệm không chỉ của sở mà công tác nội chính đâu, sở nội vụ, bộ nội vụ làm gì mà để cơ cấu bất hợp lý đến mức độ như vậy? Tôi nghĩ không chỉ ở Hải Dương đâu, mà ở mức độ khác nhau, ở nhiểu địa phương khác cũng có hiện tượng này.
- Thưa ông, bên cạnh việc quan nhiều hơn lính thì dư luận cũng đang quan tâm đến hiện tượng “cả họ làm quan”. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
Tôi nhắc lại câu, là chúng ta tìm người tài chứ không phải tìm người nhà. Thực ra, tìm người tài hay người nhà cũng phải quy về một mối, là có tài hay không, bởi trong cuộc sống, có chuyện hổ phụ sinh hổ tử, có ông Tôn Thất Tùng thì có con là Tôn Thất Bách, có ông Lý Quang Diệu thì có con là ông Lý Hiển Long..., những chuyện đó đặt ra là quan trọng nhất là tìm người tài, là cơ chế tìm người tài chứ không quá đặt nặng là người nhà hay không.
Nhưng trong một xã hội không còn giữ được thăng bằng giá trị đời sống, trong đó có đạo đức, rõ ràng hiện tượng một người làm quan cả họ được nhờ phải được nhìn nhận ở góc độ không phải là truyền thống mà là góc độ tiêu cực. Thái độ chúng ta không hoàn toàn quay lưng lại với việc lựa chọn những người có dòng dõi, có truyền thống gia đình tham gia vào các mặt đời sống xã hội và nghề nghiệp, nhưng rõ ràng trong xã hội chúng ta hiện nay, phải hết sức chuẩn mực và cái đó chỉ được phát huy nếu có sự giám sát của xã hội.
- Như các vấn đề ông đặt ra, dư luận dị nghị thì phải có lý do, nhưng khi đặt vấn đề thì thường được giải thích là đúng quy trình, vậy chúng ta phải hiểu bản chất quy trình như thế nào?
Quy trình là một chuyện, còn vận hành là do con người. Nếu một con người mà chính trực thì những quy trình đó sẽ đi đến những kết quả tốt đẹp, chọn được người tài, còn nếu không thì chỉ là vỏ bọc, là áo giáp, là hình thức để biện hộ cho mục đích tư lợi.
- Vậy theo ông, làm thế nào để người ta không lạm dụng được quy trình đó?
Quan trọng là công khai, thanh thiên bạch nhật, nếu người nhà đó mà tài giỏi thì chắc dân đồng tình.
- Có nghĩa là ông đồng tình với việc có thể chấp nhận những trường hợp cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ?
Quy trình bổ nhiệm phải qua khâu tập thể, không phải chỉ cá nhân quyết định. Nếu chọn người tài thật thì tôi nghĩ là bình thường, nếu không, chúng ta sẽ ở hai cực, một cực có những thân phận mãi mãi không bao giờ lên được, nhưng ở cực khác, những người có điều kiện gia đình cũng mãi mãi không lên được? Cuối cùng vẫn là lấy người tài.
- Nhưng như ông nói, là cán bộ cần sự liêm chính, liêm sỉ, cũng có nghĩa là nếu thực sự có tài, họ có rất nhiều “đất”, nhiều cơ hội khác để thể hiện, đâu cứ phải là con làm việc dưới quyền cha, vợ dưới quyền chồng, hay họ hàng anh em ở cùng một cơ quan để thiên hạ dị nghị?
Sự liêm chính bắt nguồn từ chính sự lựa chọn của mỗi con người. Một người có tự trọng người ta không làm chuyện đó. Ai cũng có một mong muốn có tiền đồ, có hoài bão, nhưng thường thì người tài có nhiều lựa chọn, và người có liêm sỉ sẽ lựa chọn tránh sự dị nghị. Trong cuộc sống có nhiều người như vậy.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc