Hà Nội: Ai phải chịu trách nhiệm vụ sập nhà gây chết người?

06:20, 05/08/2016
|

(VnMedia) - Theo quan điểm của luật sư, nếu cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân sự cố sập nhà số 43 Cửa Bắc, Hà Nội là do việc thi công đào móng gây ra thì đơn vị thi công (Chủ thầu) phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại đã gây ra.

Hiện trường vụ việc
Hiện trường vụ việc

Khoảng 3h30 ngày 4/8 đã xảy ra vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) khiến người dân bàng hoàng.

Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân ban đầu việc sập nhà tại 43 Cửa Bắc do nhà xây dựng đã lâu, móng hầu như không có. Kế bên, gia đình nhà bà Nguyễn Thị Vân ở 41 phố Cửa Bắc đang sửa chữa, đào móng xây dựng (có giấy phép) có khả năng gây ảnh hưởng đến nền móng của ngôi nhà số 43 Cửa Bắc.
Hậu quả của việc làm sập toàn bộ ngôi nhà 3 tầng làm 2 người tử vong và nhiều người bị thương.

Trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: đây là sự cố công trình xây dựng chủ yếu từ nguyên nhân thi công không không tuân thủ đúng các qui định về xây dựng gây hậu quả không những thiệt hại lớn về tài sản mà còn làm 2 người chết, nhiều người bị thương.

Theo quan điểm của luật sư, nếu cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân sự cố sập nhà là do việc thi công đào móng gây ra thì đơn vị thi công (Chủ thầu) phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại đã gây ra.

Trách nhiệm của đơn vị thi công (Chủ thầu)

Luật sư Thơm cho biết: Trường hợp chủ nhà có giao kết hợp đồng thuê đơn vị thi công công trình (Chủ thầu) là người trực tiếp chỉ đạo việc thi công gây sập nhà ngoài trách nhiệm bồi thường dân sự còn có dấu hiệu Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 229 Bộ luật hình sự.

Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30/10/2015 qui định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ:

Điều 6. Thi công xây dựng nhà ở
1. Quản lý trong thi công xây dựng

a) Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ nhà được tự tổ chức thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng và các ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở đến các công trình liền kề, lân cận;

b) Đối với nhà ở dưới 7 tầng, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này, việc thi công xây dựng được tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm thi công xây dựng công trình với quy mô tương tự thực hiện. Trong quá trình thi công xây dựng, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, chủ nhà phải tham khảo ý kiến của thiết kế để kịp thời xử lý;

c) Đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, việc thi công xây dựng phải được tổ chức có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định thực hiện. Chủ nhà phải chuẩn bị hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng.

2. Khuyến khích giám sát thi công xây dựng nhà ở với các nội dung chủ yếu sau:

a) Kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà ở và các công trình liền kề, lân cận

b) Kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị trước khi đưa vào thi công xây dựng;

c) Kiểm tra hệ thống cốp pha, giàn giáo thi công;

d) Kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Căn cứ vào qui định trên thì có thể thấy đơn vị thi công đã không thực hiện đúng các qui định về các biện pháp đảm bảo an toàn với các nhà liền kề. Khi đào móng nếu thấy các móng nhà liền kề yếu thì phải tạm dừng ngay công trình, thực hiện các biện pháp khẩn cấp như di chuyển người, tài sản để đảm bảo an toàn nếu nhà ở có nguy cơ sập đổ, thông báo cho chính quyền địa phương, mời các tổ chức kiểm định chất lượng công trình và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Theo thông tin thì đơn vị thi công đã được bà con hàng xóm cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho các công trình liền kề nhưng đơn vị thi công vẫn tiếp tục dùng máy xúc đào móng vào ban đêm. Hậu quả xảy ra thì Người được thuê thi công công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả đã xảy ra.

Điều 229. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Trách nhiệm của chủ nhà

Điều 89. Đối tượng và các loại giấy phép xây dựng

Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này. Giấy phép xây dựng gồm: Giấy phép xây dựng mới; Giấy phép sửa chữa, cải tạo; Giấy phép di dời công trình.

Điều 95 Luật xâu dựng 2014: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Bản vẽ thiết kế xây dựng;

d) Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Điều 96 Luật xây dựng 2014: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.

2. Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật.

3. Bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình, nhà ở riêng lẻ đề nghị được cải tạo.

Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dưng qui định: Giấy phép xây dựng sửa chữa, cải tạo: Là giấy phép được cấp để thực hiện việc sửa chữa, cải tạo công trình đang tồn tại có thay đổi về kiến trúc các mặt đứng, thay đổi kết cấu chịu lực, thay đổi quy mô công trình và công năng sử dụng.

Như vậy, nếu chủ nhà (chủ công trình) cho xây dựng nhà khi không có giấy phép xây dựng hoặc có giấy phép xây dựng nhưng thực hiện không đúng nội dung mà thuê đơn vị thi công xây dựng là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt theo qui định của pháp luật.

Theo báo chí đưa tin, chủ công trình đã được cấp phép xây dựng sửa chữa, cải tạo nhà nhưng lại có hành vi cho thi công đào móng lại toàn bộ thì đây là việc xây dựng mới. Theo qui định việc xây dựng mới phải được cấp phép theo trình tự rất chặt chẽ của Luật xây dựng

Điều 13 của Nghị định 121/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng như sau: Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Bộ luật dân sự 2005 qui định:
Điều 267. Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng
1. Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.

2. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thườn

Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Điều 627. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Căn cứ vào các qui định của Bộ luật dân sự, trường hợp chủ nhà thuê người thi công xây dựng, sửa chữa nhà mà có sự cố sập nhà thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.


Ý kiến bạn đọc