Bệnh nhân "chết oan" vì nhiễm khuẩn bệnh viện!

16:59, 23/06/2016
|

(VnMedia) - Việc quá chú trọng vào đầu tư thiết bị máy móc hiện đại mà coi nhẹ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện đã mang lại nhiều hệ lụy như bệnh nhân nhẹ biến thành bệnh nặng, thậm chí tử vong.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về Kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020, được Bộ Y tế tổ chức sáng 23/6.

nhiễm khuẩn bệnh viện
Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể khiến bệnh nhân bệnh nhẹ bị tử vong - ảnh minh họa

Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến bệnh nhẹ thành nặng

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị...

Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, vấn nạn nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân. Đặc biệt còn có tình trạng người bệnh khi đến bệnh viện mức độ bệnh nhẹ, nhưng do quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn cơ sở không tốt dẫn tới tình trạng bệnh nặng, thậm chí khi ra viện có thể tử vong.

Cụ thể, theo nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y tế thời gian vừa qua trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4% .

Một nghiên cứu cắt ngang khác của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh trên tất cả các bệnh viện công lập cũng cho kết quả tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,4%, trong đó viêm phổi đứng hàng đầu chiếm đến 54,3%, tiếp đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết đều là 10%.

Trong khi đó, nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương và VINAREX (2013), khảo sát trên 3.671 bệnh nhân của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và vệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%.

Nói về hậu quả của nhiễm khuẩn bệnh viện, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã nhắc lại vụ dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong mà nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác do công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, hơn 100 trẻ có lẽ sẽ không tử vong do dịch nếu người dân không đổ xô lên tuyến trung ương khám bệnh; nếu người dân không bỏ tiêm vắc xin sởi do sợ nhân viên y tế ăn bớt vắc xin, tiêm nhầm vắc xin... vì sởi là bệnh lành tính, hoàn toàn có thể chữa tại nhà, chữa tại y tế cơ sở. Tuy nhiên, ông Khuê cũng thẳng thắn cho rằng, nếu cơ sở y tế làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh dịch sẽ dễ kiểm soát hơn rất nhiều.

Quá chú trọng mua thiết bị, coi nhẹ kiểm soát nhiễm khuẩn

Để xảy ra tình trạng nói trên, ngoài nguyên nhân khách quan như khí hậu, thời tiết Việt Nam mưa ẩm, gió mùa, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do một số người đứng đầu cơ sở khám bệnh chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, dẫn đến việc đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp.

Ngoài ra, nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách. Thậm chí, có tình trạng nhân lực bộ phận này là “con ông cháu cha” trong ngành chưa được đào tạo bài bản để thành bác sỹ, điều dưỡng, y tá nên đưa vào các khoa, phòng kiểm soát nhiễm khuẩn.

Để cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho rằng, các cơ sở y tế bên cạnh việc chỉ chú trọng vào việc mua sắm máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần coi công tác phòng chống nhiễm khuẩn là nhiệm vụ trọng tâm để đầu tư tương xứng.

Còn Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến thì yêu cầu trong 5 năm tới, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Việt Nam cần hoàn thiện và đưa vào áp dụng bộ tiêu chí chất lượng về kiểm soát nhiễm khuẩn bằng việc cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu được quy định tại Kế hoạch hành động quốc về kiểm soát nhiễm khuẩn để các bệnh viện nghiên cứu thực hiện cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc