Đại gia BĐS Nguyễn Văn Đực: Phải cách ly người nghèo ra khỏi người giàu!

07:13, 09/11/2015
|

(VnMedia) - “Những người công nhân, người nghèo sống với nhau vui hơn, chứ người nghèo ngồi gần ông nhà giàu đi xe xịn, ăn mặc xịn thì mặc cảm. Chúng ta nên cách ly ra, có một khu vực riêng cho người thu nhập thấp...” - Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực nêu quan điểm.

Nguyễn Văn Đực
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất lành: phải cách ly người nghèo ra khỏi người giàu

Phát biểu tại hội thảo khoa học "Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp", ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất lành cho rằng, xây nhà thu nhập thấp trong các khu trung tâm là “rất phí” và chỉ nên xây nhà bán giá cao cho người giàu. Vị đại gia này cũng cho rằng, không nên tiếp tục thực hiện chính sách dành 20% quỹ đất hoặc diện tích sàn của các dự án cho nhà ở xã hội.

VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực về quan điểm này.

-       - Xin ông giải thích rõ hơn về quan điểm người giàu không nên ở lẫn với người nghèo.

Thật ra, nói người thu nhập thấp và người thu nhập cao mà không ở lẫn với nhau là mất đoàn kết, không có tính nhân văn, nhưng thực tế người thu nhập thấp khó lòng sống chung với người thu nhập cao.

Ví dụ như người ta đang xây nhà thu nhập cao là 70-100m2, thì người thu nhập thấp làm sao có tiền để mua những căn hộ này được? Rồi chi phí dịch vụ ở nhà này cao thì người thu nhập thấp có chịu được hay không? Thứ ba là sinh hoạt phí của khu đó cao, ví dụ như một ly cà phê 20 ngàn hay ổ bánh mì 20 ngàn thì người thu nhập thấp có sống được không? Nên tôi nghĩ chúng ta phải thực tế là người thu nhập thấp phải ở riêng, ở một khu dành cho người thu nhập thấp.

Chúng ta không phải đẩy họ vào khu ổ chuột, chúng ta vẫn có hạ tầng xã hội tốt và người thu nhập thấp vẫn sống thoải mái.

Tôi nói thật, những người công nhân sống với nhau, người nghèo sống với nhau vui hơn, chứ người nghèo ngồi gần ông nhà giàu đi xe xịn, ăn mặc xịn thì người nghèo nhiều khi mặc cảm. Vì vậy, chúng ta nên cách ly ra, có một khu vực riêng cho người thu nhập thấp.

-      Nhiều chuyên gia cho biết, quan điểm hiện đại ngày nay là ngoài việc cần phấn đấu xóa nhòa ranh giới giàu nghèo thì người nghèo và người giầu nên sống cộng sinh với nhau. Ví dụ như người nghèo cung cấp dịch vụ cho người giàu, như vậy, người giàu cũng được lợi mà người nghèo thì được đảm bảo sinh kế. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Ý tưởng đó rất hay nhưng tôi không nghĩ như vậy, bởi người giàu không phải lúc nào cũng có người giúp việc, và người giúp việc có khi từ tỉnh lẻ lên chứ không phải là những người nghèo đó. Còn mức sống của người giàu với người nghèo có chênh  lệch dễ làm cho người nghèo mặc cảm và khó sống.

-        Nhưng nhiệm vụ của những nhà quản lý và những người xây dựng chính sách là làm sao để khoảng cách đó gần hơn và để người nghèo đỡ mặc cảm hơn chứ không phải là đẩy họ ra xa nhau. Ví dụ như có những chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp như giảm giá nhà, giảm phí dịch vụ, dành những căn hộ có diện tích nhỏ và nội thất không phải hạng sang... cho 20% nhà ở xã hội đó?

Cái đó rất khó. Doanh nghiệp chúng tôi làm toàn nhà cao giá, ví dụ như Vincom, chúng tôi toàn làm nhà 100m trở lên, không thể nào trong khu vực đó lại có những căn hộ 30-40m. Rồi chúng tôi phải dùng thang máy như thế nào..., nên giá thành của chúng tôi cao. Làm sao mà chúng tôi  bán rẻ cho người thu nhập thấp được. Cho nên, ở những vị trí như trung tâm thành phố, không nên để cho người thu nhập thấp ở. Người thu nhập thấp phải đi xa mà ở.

 -  Thế với những người sinh ra, lớn lên, sống trên đất thổ cư của họ từ nhiều đời trong trung tâm thành phố thì sao. Từ trước đến nay, họ vẫn sống yên ổn cho tới khi những dự án xây nhà cho người giàu xuất hiện. Chẳng lẽ họ lại phải đi ra khỏi nơi đó để người giàu đến ở?

 -  Theo tôi, hãy trả tiền rất cao cho họ để họ mua một khu đất khác cho dễ sống. Ví dụ trong trung tâm Thành phố không thể nào có quán cơm xã hội, quán cơm từ thiện được. Quán cơm từ thiện là phải đi xa, còn ở trung tâm Thành phố toàn nhà giàu, phải ăn 50.000đ/1 tô cơm chứ không thể mà bán 10-15.000đ/ tô cơm được. Không thể nào đòi hỏi được. Người nghèo là không thể nào đòi hỏi được.

  Tóm lại, ông vẫn cho rằng cần phải tách biệt người nghèo ra khỏi người giàu?

Đúng, tôi nói như vậy có thể là hơn 50% người dân sẽ nói tôi là kỳ thị, phân biệt, nhưng thực tế trong cuộc sống chúng ta phải chấp nhận là người nghèo thì phải tìm một nơi nào xa một chút, đất rẻ một chút, rồi mặt bằng sinh hoạt rẻ, không thể nào ở trung tâm được.

 -   Các nước tiên tiến đang cố gắng xóa dần khoảng cách, tìm giải pháp để người nghèo và người giàu có thể chung sống, trẻ em giàu và trẻ em nghèo có thể cùng chơi... còn quan điểm của ông có thể tạo ra sự cách biệt. Ngoài ra, trung tâm thành phố được đầu tư rất lớn từ nguồn lực của nhà nước như vườn hoa, công viên, quảng trường...  chứ không phải chỉ là của doanh nghiệp bỏ ra. Thực tế là doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ những hạ tầng đó. Vậy nguồn lực đó không lẽ chỉ để phục vụ cho người giàu? Ông không nghĩ như vậy là bất công hay sao?

Đúng là như vậy thì cũng có sự bất công. Nhưng phải chấp nhận sự bất công đó, bởi vì xã hội hiện nay phân hóa hết rồi, chúng ta không có cách gì để kéo những khoảng cách đó lại.

-        -   Xin hỏi, ông thuộc tầng lớp người giàu hay người nghèo?

Tôi là người khá, chứ tôi không giàu.

-        -   Vậy nếu ông là người nghèo, ông có chấp nhận sự bất công đó không?

Tôi cũng là người từ tầng lớp thấp mà lên, và tôi cũng trăn trở cái sự bất công trong xã hội đó, nhưng sự thực không có xã hội nào hoàn toàn công bằng. Người nghèo thì phải cố gắng vươn lên làm giàu và nếu không vươn lên được thì phải chấp nhận như vậy chứ không thể nào đòi hỏi bình đẳng, thụ hưởng như người giàu được. Ví dụ như nhà nước mở trường công, người nhà giàu có thể gửi con trường quốc tế, đó là quyền của người giàu. Còn mình con nhà nghèo thì không thể đòi hỏi con mình cũng phải học trường quốc tế.

-         -  Nhưng chúng ta đang nói đến chính sách của nhà nước...

-         Đối với chính sách công, tôi cho là nhà nước phải có tính thực tế, bởi vì người nghèo người giàu không thể sống chung được, tôi nói là không thể sống chung được!

Nếu cho người nghèo mua một căn  hộ chung với người cao cấp, tôi đảm bảo 1-2 năm sau họ cũng bán họ đi, họ bán giá cao họ đi. Rất nhiều người nhà tái định cư họ cũng không sống được và phải đi ra xa.

Chúng ta rất dễ bị một cái nhân văn quá đáng là giải tỏa thì phải cấp nhà ở cho người ta. Tôi cho rằng nếu giải tỏa chỉ đền họ một số tiền, họ đi đâu là quyền của họ. Ở đây chúng ta giải tỏa xong lại cấp cho họ một căn hộ, nhưng người nghèo ở căn hộ đó không được, bị nhiều phí quá cuối cùng họ cũng bán mà đi. Tôi khẳng định 90% nhà tái định cư đều bán  hết.  Tôi bảo đảm nếu cho người nghèo ở chung với nhà giàu thì 90% chỉ 1-2 năm sau họ bán mà đi vì không sống nổi.

Không giải quyết được bài toán phân hóa thì chúng ta phải chấp nhận thực tế. Phân hóa về tài sản, phân hóa về đẳng cấp thì phải phân hóa về chỗ  ở, xe đi lại, ăn mặc...

  -   Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.


Ý kiến bạn đọc