Lật tẩy kịch bản lừa đảo qua dịch vụ viễn thông

18:13, 17/04/2014
|

(VnMedia) - Dù một số đối tượng giả mạo VNPT và các cơ quan chức năng để thực hiện hành vi quấy rối, lừa đảo, uy hiếp, đe dọa… đã bị bắt giữ tại Hà Nội và TP. HCM, tuy nhiên, hiện tượng lừa đảo vẫn còn tái diễn rải rác tại một số địa phương. Dưới đây là một số chiêu thức mà kẻ xấu đang áp dụng giả danh doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng… để nhằm uy hiếp, lừa đảo mà người dân nên biết.


Tự xưng là tổng đài, nhắc nợ cước điện thoại

 

Đây là thủ đoạn thường dùng nhất của các đối tượng lừa đảo. Nhiều khách hàng đã bị lừa đảo bằng cách giả nhắc nợ cước điện thoại, dẫn dụ thuê bao bấm tiếp các phím số 0-9-113, lừa chuyển tiền qua tài khoản, dọa sẽ chuyển sang bên an ninh để điều tra, xử lý…

 

Cụ thể, đối tượng lừa đảo gọi đến thuê bao và phát thông báo nhắc nợ cước qua băng ghi âm với nội dung: Đây là tổng đài VNPT, thuê bao đang nợ tiền cước với số tiền lớn (từ 7 đến 9 triệu đồng), dọa sẽ cắt liên lạc sau hai giờ nếu không nộp tiền cước và yêu cầu khách hàng bấm số “0” hoặc “9” gặp điện thoại viên để được giải đáp thắc mắc.

 

Khi khách hàng bấm số “0” hoặc “9”, có người tiếp nhận (nam hoặc nữ), họ sẽ có những lời lẽ làm rối trí khách hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng, địa chỉ. Sau khi có được thông tin khách hàng, đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục dọa có người đã sử dụng số chứng minh nhân dân đăng ký dịch vụ gọi đi quốc tế với số tiền trên và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng lừa đảo thông báo, hoặc nói rằng số chứng minh nhân dân đã bị sử dụng để vi phạm pháp luật và yêu cầu khách hàng giữ máy để gặp cơ quan điều tra”.

 

Kẻ xấu đã không chỉ mạo danh VNPT để lừa đảo các thuê bao như lúc đầu, mà còn mạo danh nhiều cơ quan và tổ chức khác. Mục tiêu của chúng cũng không đơn thuần chỉ câu thời gian đàm thoại giữa thuê bao tới các tổng đài lạ do chúng dẫn dụ người nghe bấm số chọn đến, mà còn có tính uy hiếp, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tống tiền người dân.


 Ảnh minh họa
Khách hàng cần đề phòng, cảnh giác, không để các đối tượng lừa gạt, thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần.


Giả mạo ngân hàng nhắc vay nợ

 

Ngoài “bài” giả danh nhà mạng nhắc nợ cước, dẫn dụ thuê bao bấm tiếp các phím số 0, 9, 113... và đe dọa nếu không nộp ngay (trong vòng 2 giờ) sẽ chuyển sang bên an ninh để điều tra, xử lý, hiện nay các cuộc gọi lừa đảo còn chuyển hướng sang nhiều lĩnh vực khác. Như các đối tượng này cũng giả mạo ngân hàng nhắc nợ vay lên tới hàng chục triệu đồng, giả mạo công an khuyến cáo người có tiền gửi ngân hàng gửi sang tài khoản của chúng để được bảo vệ, dọa nợ thuế...

 

Thậm chí có trường hợp còn đe dọa bắt cóc, đang giữ người thân, ép mang tiền vàng đến giao nộp thì chúng mới thả người. Có một số khách hàng trên địa bàn TP. HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai đã mất tiền do bị các đối tượng lừa đảo mạo danh cơ quan điều tra đe dọa.

 

Khách hàng không nên vội vàng, mất bình tĩnh

 

Trước những diễn biến vụ việc nêu trên, VNPT khuyến cáo khách hàng cần đề phòng, cảnh giác, không để các đối tượng lừa gạt, dễ dàng mắc bẫy bọn tội phạm, thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần. VNPT không nhắc nợ cước qua hộp thư ghi âm tự động nào. Việc “VNPT nhắc nợ cước” khách hàng là hoàn toàn giả mạo. Trường hợp nghi vấn, khách hàng hãy điện thoại trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng 800126 (miễn phí từ điện thoại cố định VNPT) để tìm hiểu kỹ các thông tin cần thiết.

 

Và khi gặp tình huống này, lời khuyên được cơ quan chức năng đưa ra đối với các khách hàng khi gặp kịch bản của các đối tượng lừa đảo là cần có những cách xử lý linh hoạt. Khi xảy ra vụ việc, khách hàng và nhân dân cần bình tĩnh, khéo léo thuyết phục, nhằm trì hoãn và kéo dài thời gian yêu cầu của đối tượng, thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng.


Phan Lê

Ý kiến bạn đọc