Điều chỉnh cước 3G: Chỉ khoảng 8% người dùng di động ảnh hưởng

15:44, 04/11/2013
|

(VnMedia) - Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, cước dịch vụ 3G được điều chỉnh sau ngày 16/10/2013 của các mạng di động chỉ ảnh hưởng tới khoảng 8-9% khách hàng di động.


>> Giá cước dịch vụ viễn thông sẽ theo cơ chế thị trường
 

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 9/2013, Việt Nam có khoảng 18,9 triệu thuê bao 3G đang hoạt động có phát sinh cước trong tổng số 91 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Đợt điều chỉnh cước 3G vừa qua chỉ có khoảng 8% số khách hàng đang sử dụng dịch vụ 3G của ba nhà mạng (Viettel, VinaPhone, MobiFone) bị ảnh hưởng.


 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, do thông tin về đợt điều chỉnh cước 3G chưa được công khai, rõ ràng nên có nhiều câu hỏi đặt ra về tính pháp lý của động thái này như liệu có việc kiểm soát giá thành cũng như chuyện các doanh nghiệp di động bắt tay lũng đoạn thị trường hay không? Đây cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước và cả các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm để đưa thông tin đầy đủ, minh bạch cho khách hàng và xã hội khi điều chỉnh cước dịch vụ.

 

Chủ trương và định hướng của nhà nước trong việc điều chỉnh cước viễn thông nói chung và dịch vụ 3G nói riêng đã được định hướng rõ ràng và đã được xác định trong quy hoạch viễn thông quốc gia đến năm 2020. Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, trong suốt nhiều năm vừa qua, các dịch vụ viễn thông của Việt Nam đã được điều chỉnh giảm dưới nhiều hình thức, thông qua các chương trình giảm giá, khuyến mại, chiết khấu như dịch vụ điện thoại cố định, truy nhập Internet… Có một số dịch vụ còn thấp hơn giá thành quá mức như điện thoại quốc tế chiều về, dịch vụ 3G.

 

Khi mới cung cấp dịch vụ 3G do hạ tầng đầu tư lớn, ít người sử dụng nên bắt buộc phải cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Nhưng khi thị trường cung đang giữ nguyên mà cầu tăng rất mạnh thì phải điều chỉnh theo yếu tố cung - cầu thị trường. Vì vậy, việc điều chỉnh cước 3G đã được tính toán kỹ trên các cơ sở pháp lý chặt chẽ và thực tế thị trường.

 

Và trong tuần này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá cước 3G đợt 16/10 vừa qua. Tuy nhiên, khi điều chỉnh cước 3G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét trên nhiều yếu tố. Sở cứ để điều chỉnh cước 3G vừa qua rất đầy đủ. Luật Viễn thông đã quy định giá cước phải xây dựng trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và so với mặt bằng cước quốc tế của khu vực. Luật Giá cũng quy định các doanh nghiệp phải xác định giá cước và điều chỉnh giá cước trên cơ sở biến động của các yếu tố hình thành giá.

 

Trước đây giá cước viễn thông thuộc diện bình ổn, nhung hiện nay theo Luật Giá mới, cước viễn thông sẽ theo cơ chế thị trường nên quyền định giá cước sẽ do doanh nghiệp quyết định. Riêng viễn thông là lĩnh vực có đặc thù nên việc quản lý không chỉ theo Luật Giá mà phải có cả Luật Viễn thông với những quy định riêng. Ví dụ, giá cước viễn thông phải trên cơ sở giá thành, mặt bằng khu vực và cung cầu thị trường.

 

Trên những sở cứ đó và theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi giá cước 3G được điều chỉnh từ ngày 16/10, giá cước của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực và thấp so với thế giới, chỉ bằng khoảng 60% so với giá thành. Và việc điều chỉnh cước 3G vừa qua chỉ tác động đến khoảng 8% số lượng người dùng di động.

 

Đối tượng bị tác động bởi điều chỉnh cước 3G vừa qua là những người dùng smartphone, chủ yếu là người có thu nhập cao ở thành phố. Trong khi đó, sau khi giảm cước thì cước 3G của Việt Nam mới bằng khoảng 60% so với giá thành. Trong đợt điều chỉnh cước 3G lần này không chỉ có tăng, mà còn có giảm và có gói cước được giữ nguyên, mức tăng trung bình khoảng 20%.

 

Nếu so sánh với giá cước của các nước trong khu vực thì giá cước 3G của Việt Nam chỉ bằng 30 - 40%. Giá cước so sánh này đã được căn cứ trên giá dịch vụ và thu nhập quốc dân đầu người của các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ thì cần công khai đầy đủ thông tin về dịch vụ này như giá cước, chất lượng dịch vụ...


Phan Lê

Ý kiến bạn đọc