Muôn vẻ kiểu biến nước thành điện độc đáo

07:34, 14/04/2012
|

(VnMedia) - Việc biến nước từ điện từ lâu đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học trên thế giới và đã có rất nhiều phát minh được tạo ra khá độc đáo từ nguồn nguyên liệu dồi dào này.

>>Thực hư phát minh mới khiến EVN hết "chảnh"

Biến nước sôi ra điện

Một công ty của Nhật Bản - TES NewEnergy, đã phát minh ra cách có thể sạc pin cho điện thoại di động độc đáo từ nước sôi. Phương pháp này đặc biệt phù hợp trong trường hợp xảy ra các thảm họa tự nhiên hoặc các hoạt động ngoài trời. Đơn giản chỉ cần đun sôi nước trong một chiếc nồi độc đáo. Chiếc nồi nhiệt điện Hatsuden-Nabe của công ty TES NewEnergy có khả năng biến nước đang sôi thành dòng điện để sạc pin cho các thiết bị điện tử như điện thoại smartphone, máy nghe nhạc và các hệ thống định vị toàn cầu thông qua cổng USB.

Ảnh minh họa


Chiếc nồi của TES NewEnergy được làm từ gốm nhiệt điện, có khả năng tạo ra dòng điện nhờ sự chênh lệch nhiệt độ 550 độ C ở đáy nồi và nước bên trong sôi có nhiệt độ 100 độ C. Theo công ty TES NewEnergy, chiếc nồi này phải mất 3 đến 5 tiếng đồng hồ mới sạc đầy một chiếc điện thoại iPhone và cùng một lúc có thể hâm nóng bữa trưa của người dùng. Theo dự kiến, loại nồi đặt biệt này sẽ bán ra thị trường Nhật Bản từ tháng 6 tới với giá 299USD.

Trong khi đó, Ulvac-Riko- một công ty công nghệ chân không Nhật Bản cũng đã phát triển một công nghệ chuyển đổi nước nóng thành điện. Công nghệ này có thể tạo ra khoảng 3kW đến 12kW điện tùy theo vào độ nóng của nước, có thể từ 75 đến 150 độ C. Năng lượng tạo ra phù hợp với nhu cầu của 5-20 hộ gia đình.

Ảnh minh họa


Công nghệ có thể tận dụng nguồn nhiệt từ nguồn thải nhiệt ở nhà máy, ôtô, tàu, năng lượng mặt trời, dòng suối nóng,…để sản sinh ra dòng điện.

Nước ngọt, nước biển thậm chí cả nước tiểu cũng biến thành điện

Sun Catalix, một công ty chuyên sản xuất các thiết bị dự trữ năng lượng và nhiên liệu tái sinh của Mỹ, đã chế tạo thành công một thiết bị có thể tách hydro khỏi nước từ bất kỳ nguồn nào: nước ngọt, nước biển thậm chí cả nước tiểu.

Ảnh minh họa


Nguyên lý hoạt động của thiết bị này tương tự cơ chế quang hợp của thực vật và vi khuẩn trong thiên nhiên, tức là dùng năng lượng mặt trời để tách phân tử nước thành hydro và oxi, sau đó nguyên tử hydro nạp năng lượng cho pin nhiên liệu. Ngoài ra, thiết bị còn có thể chuyển năng lượng điện, gió, ánh sáng mặt trời thành năng lượng dự trữ với giá thành thấp. Sản phẩm dự kiến được bán ra thị trường vào năm sau với mức giá 20USD.

Giáo sư Daniel Nocera của Đại học Công nghệ Massachusetts (Mỹ), người sáng lập Sun Catalix, khẳng định với thiết bị này, người ta có thể thắp sáng ban đêm chỉ với hai chai nước. Thiết bị này cũng khắc phục được nhược điểm của các thiết bị thu năng lượng mặt trời thông dụng chỉ có thể tích năng lượng vào ban ngày cũng như thiết bị tách nước bằng phương pháp điện phân có giá thành lên tới 1.200 USD/Kw điện.

Nước thải cũng ra điện

Chính quyền thành phố Matxcova, thủ đô Liên bang Nga đã cho lắp đặt các trạm sản xuất nhiệt điện chạy bằng khí biogas thu từ các kênh thoát nước. Phương pháp này nhằm tận dụng phế thải trong hoạt động sống của cư dân thủ đô. Cụ thể là đốt phân bùn để sản xuất điện.

Theo tính toán, các trạm nhiệt điện mini này có thể giúp các trạm bơm và lọc nước tự túc được 70% lượng điện và 50% lượng nhiệt tiêu thụ.

Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu, do Bruce Logan phụ trách, thuộc ĐH bang Pennsylvania (Mỹ), cũng tạo ra một thiết bị có khả năng tạo nguồn điện từ nước thải sinh hoạt, vốn chứa rất nhiều chất hữu cơ từ hoạt động nấu nướng, lau chùi

Ý tưởng chế tạo thiết bị được nảy sinh từ quá trình phân huỷ chất hữu cơ sinh hoạt của vi khuẩn có trong nước thải. Vi khuẩn ăn tất cả mọi thứ, từ chất thải cho tới mảnh bắp cải vụn, và chuyển hóa thành carbon dioxide. Như vậy, trong lúc ôxy hóa nguồn thức ăn của mình, vi khuẩn giải phóng electron từ chất hữu cơ. Kiểm soát nguồn electron này, các nhà khoa học có thể tạo ra được dòng điện phục vụ sinh hoạt gia đình.

Trước đây, thiết bị chuyển hóa năng lượng hữu cơ do vi khuẩn tạo ra thành dòng điện đã từng được sản xuất và ứng dụng vào thực tế. Chúng có tên là pin năng lượng vi khuẩn, và nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục khai thác nguồn điện rẻ tiền và đầy tiềm năng này, có khi tại những nơi ít ai ngờ tới. Ví dụ, điện cực gắn dưới đáy biển có thể thu được nguồn năng lượng do vi khuẩn sống trong bùn thải ra. Mặc dù nguồn điện sản xuất bằng cách này thường rất bé, chúng vẫn đủ để vận hành thiết bị theo dõi môi trường ngầm dưới nước.

1 thìa nước có thể sạc đầy pin cho iPhone

Công ty Thụy Điển myFC đã tạo ra bộ sạc có tên gọi PowerTrekk chỉ sử dụng nước để tạo ra điện nạp cho các thiết bị như điện thoại thông minh, máy ảnh, thiết bị GPS và đèn.

Ảnh minh họa


Các bộ sạc PowerTrekk sử dụng natri silicide như là nguồn chính và phản ứng với nước để tạo ra năng lượng. Chỉ cần đổ một thìa nước vào bộ sạc. Nước sẽ phản ứng với natri silicide để sản sinh ra khí hydro, từ đó có thể sản sinh từ 1KW đến 3KW điện, đủ dùng cho bất kỳ thiết bị cầm tay nào có cổng USB trong vòng 10 tiếng mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay vị trí của mặt trời.

Bộ sạc này dự kiến được bán ra thị trường vào giữa năm nay với giá 254USD.


Tuệ Minh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc