(VnMedia) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái IoT bên cạnh những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo ATTT và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ
Sáng ngày 1/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017 với chủ đề “ATTT trong thế giới kết nối mới” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Quốc phòng) tổ chức. Sự kiện được sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhận định, thời gian gần đây, các cuộc tấn công mạng đang có sự gia tăng cả về số lượng và quy mô, diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp: nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các hệ thống thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái IoT bên cạnh những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo ATTT và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho hay, trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật ATTT mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo ATTT mạng. Bộ TT&TT đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia tại Quyết định số 63/QĐ-TTg và Kế hoạch bảo đảm ATTT mạng theo Quyết định số 898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm mới về bảo đảm ATTT mạng là phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất ATTT.
Một số nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ TT&TT đang tích cực triển khai như: công tác phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ nội địa; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực kỹ thuật thông qua việc triển khai các hệ thống kỹ thuật; hợp tác và diễn tập quốc tế; giám sát và cảnh báo; đặc biệt là phối hợp với các cơ quan chủ trì trong công tác bảo đảm ATTT cho các lĩnh vực quan trọng, các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia ...
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, cộng đồng tội phạm mạng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, các công cụ, vũ khí tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng có chuyên môn rất cao, đầu tư lớn và bài bản, thậm chí đã được cung cấp như một dịch vụ CNTT trên mọi thiết bị ở quy mô xuyên quốc gia. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực CNTT cần nhanh chóng chuyển mình, thích nghi và có những bước đi thông minh và phù hợp để ứng phó với tình hình hiện nay, hướng tới một xã hội thông tin an toàn, lành mạnh.
Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và các đơn vị liên quan của Bộ TT&TT và Bộ Quốc phòng trong việc tổ chức Hội thảo quốc tế, cùng nhiều hoạt động quan trọng trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin. Thứ trưởng hy vọng các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ có nhiều đóng góp, đề xuất hữu ích cho công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách về ATTT của Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện VNISA đã trình bày “Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng ATTT tại Việt Nam năm 2017”. Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) báo cáo về những chính sách, qui định quản lý mới của nhà nước trong lĩnh vực ATTT để tiếp tục đưa Luật An toàn thông tin mạng vào cuộc sống.
Đại diện các tập đoàn CNTT đa quốc gia hàng đầu thế giới cũng đã có những giới thiệu về chính sách, giải pháp, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực ATTT trên thế giới và chia sẻ kinh nghiệm triển khai đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng, như: Amazon (An toàn dữ liệu: Nguyên lý cơ bản, cách thực hành tốt nhất và chính sách thực thi), IBM (Đổi mới ATTT phù hợp với thực tiễn hiện nay), Google (Giải pháp cho một hệ sinh thái ATTT mạng), Symantec - M.Tech (Đổi mới và phát triển với kiến trúc an toàn thông minh)...
Trong một video clip được trình chiếu tại Hội thảo Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2017 trước các đại biểu, ông John Suffolk, Phó Chủ tịch cao cấp/Giám đốc An ninh mạng Toàn cầu của Huawei cho rằng: “An ninh mạng trở thành thách thức ngày càng lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện và hợp lý”. Cũng theo ông John Suffolk, “An ninh mạng không phải là vấn đề của riêng một quốc gia hay một doanh nghiệp cụ thể nào. Tất cả những người có liên quan, như các quốc gia và ngành công nghiệp cần nhận thức được rằng an ninh mạng là vấn đề chung của toàn cầu đòi hỏi phải có các biện pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, các quy trình tiêu chuẩn và hợp tác quốc tế nhằm vượt qua thách thức”.
Một thách thức trên phạm vi toàn cầu và toàn ngành về vấn đề an ninh mạng được Giám đốc An ninh mạng toàn cầu của Huawei nhấn mạnh, đó là hiện nay chúng ta vẫn chưa có một sự thống nhất toàn cầu về luật, tiêu chuẩn chung và quan trọng là hệ thống tốt để đảm bảo an ninh mạng. Thực tế, vấn đề đối với các tiêu chuẩn là bản thân chúng lại không hề chuẩn.
Phạm Lê
Ý kiến bạn đọc