Nực cười lý lẽ đòi chủ quyền yếu ớt của Trung Quốc

07:48, 27/05/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (26/5) đã trắng trợn miêu tả việc Việt Nam đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông là “nực cười”. Tuy nhiên, điều người ta thấy nực cười ở đây lại chính là lý lẽ yếu ớt mà Trung Quốc đưa ra để tranh giành chủ quyền đối với 2 quần đảo vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam .

 

Ảnh minh họa

Hình ảnh tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tuần trước (Ảnh: TTXVN)


Trung Quốc đang lấn tới đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ mọi đòi hỏi chủ quyền chính đáng và hợp pháp của các nước như Việt Nam , Philippines , Malaysia , Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc cũng đang có tranh chấp hàng hải với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

 

Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam đang leo thang sau khi Trung Quốc ngang nhiên, trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế, đưa một giàn khoan khổng lồ cùng hàng chục tàu thuyền vào vùng biển của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi cuối tuần trước đã tổ chức một cuộc họp báo để đưa ra những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý vững chắc, sắc bén nhằm khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết, từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.

 

Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.

 

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.

 

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam . Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.

 

Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam . Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

 

Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác.

 

"Bị vong lục" ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

 

Bất chấp những lý lẽ, lập luận chắc chắn và không thể chối cãi trên của phía Việt Nam, Trung Quốc vẫn không chịu thừa nhận và ngang nhiên đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng lý lẽ hết sức yếu ớt và lời chỉ trích ngang ngược, gây nực cười.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang cho rằng, việc Việt Nam tổ chức họp báo hồi tuần trước để đưa ra những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là “cực kỳ nực cười”. Ông Qin còn trắng trợn tuyên bố Hoàng Sa là “lãnh thổ không thể tranh cãi của nhân dân Trung Quốc”. Điều nực cười ở đây là ông Qin đưa ra lý lẽ rằng Hoàng Sa “là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời nhà Hán và Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá ra quần đảo đó”.

 

Bằng chứng, lý lẽ mà Trung Quốc đưa ra không có một chút cơ sở pháp lý nào và hoàn toàn trái ngược với những quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – một văn bản mà chính Trung Quốc đã tự tay ký vào và công nhận tính đúng đắn của nó. Là một nước tham gia vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Trung Quốc có nghĩa vụ phải tuân thủ nghiêm túc luật này.

 

Nhiều giới học giả, chuyên gia cũng đã phải lên tiếng khẳng định, Trung Quốc chẳng đưa ra được bất kỳ cơ sở pháp lý nào để ủng hộ, chứng minh cho đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông. Yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc không được quốc tế công nhận. Bắc Kinh biết rõ điều này nhưng vẫn tiếp tục có những chính sách, hành động hung hăng, hiếu chiến để thực hiện yêu sách đó. Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát các khu vực thuộc chủ quyền của các nước khác nhằm tạo ra một tình trạng “thế đã rồi” để thực thi tham vọng độc chiếm Biển Đông.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc