Phe nổi dậy Syria ăn "quả đắng" vì Mỹ

07:42, 16/09/2013
|

(VnMedia) - Sau những ngày tranh luận nóng bỏng, Nga và Mỹ cuối cùng đã ký kết được một thỏa thuận hủy bỏ kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria. Đây được xem là một thỏa thuận mang tính đột phá, đánh dấu giai đoạn hợp tác mới giữa hai cường quốc Nga, Mỹ đồng thời giúp Damascus tránh được một cuộc tấn công từ Mỹ. Tuy nhiên, với diễn biến này, một lần nữa phe nổi dậy Syria lại phải ăn quả đắng từ Mỹ.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Nga – Mỹ bắt tay nhau

 
Cuộc họp kéo dài 3 ngày đầy căng thẳng ở Geneva đã kết thúc ngày hôm qua (14/9) với kết quả đầy lạc quan là một thỏa thuận đạt được giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về kế hoạch xóa bỏ kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế vào giữa năm 2014.
 
Cụ thể, theo thỏa thuận trên, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ có một tuần để kê khai chi tiết toàn bộ kho vũ khí hóa học của chính quyền. Sau đó, Syria sẽ phải để cho các thanh sát viên của Tổ chức Cấm sử dụng Vũ khí hóa học (OPCW) tiếp cận “ngay lập tức và không có bất kỳ cản trở gì” với kho vũ khí hóa học của nước này.

"Các thanh sát viên phải có mặt trên lãnh thổ Syria không muộn hơn tháng 11 và mục tiêu là hướng tới việc hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria vào giữa năm sau”, Ngoại trưởng Kerry đã thông báo như vậy khi người đồng cấp Nga Lavrov đứng cạnh bên.

Thỏa thuận mà Nga và Mỹ vừa đạt được đã mở cánh cửa cho một giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài đã 30 tháng qua ở đất nước Syria và tạm thời đóng cánh cửa về khả năng Mỹ tấn công chính quyền Assad.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách tập hợp sự ủng hộ cho một chiến dịch tấn công vào Syria sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 vừa rồi. Washington tuyên bố, họ có đủ bằng chứng để chứng minh chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đứng đằng sau vụ tấn công khiến hàng trăm người chết nói trên. Tuy nhiên, Nga nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của Mỹ, nói rằng đó có thể là một “âm mưu” do phe nổi dậy Syria dàn dựng nhằm lôi kéo sự can thiệp của các nước bên ngoài vào cuộc nội chiến ở nước này.
 
Sau những tranh cãi nóng bỏng và những lời cáo buộc qua lại giữa Nga và Mỹ, Moscow đã đưa ra được một đề xuất được cộng đồng quốc tế và ngay cả Mỹ nhiệt liệt hoan nghênh. Theo đó, chính quyền của ông Assad sẽ phải giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học để tránh một cuộc tấn công trừng phạt từ phía Mỹ. Giải pháp được đưa ra vào phút cuối này đã được Damascus hưởng ứng một cách nhiệt tình.
 
Phe nổi dậy bẽ bàng
 
Việc Mỹ tạm từ bỏ kế hoạch tiến đánh Syria, quay sang thực thi theo đề xuất của Nga đã khiến phe nổi dậy thêm một lần thất vọng, thêm một lần tức giận và thêm một lần rơi vào tình thế bẽ bàng.
 
Chỉ cách đây khoảng một tuần, phe nổi dậy Syria còn đang ở trong tình trạng phấn khởi, hồ hởi và dạt dào hy vọng về việc Mỹ sẽ phát động chiến dịch tấn công quân sự vào các mục tiêu của chính quyền, mở cánh cửa để họ chớp thời cơ tổng tấn công trên toàn quốc nhằm tiến tới “đánh nhanh, hạ gục nhanh” Tổng thống Assad.
 
Tuy nhiên, vài ngày sau, cơ hội mà họ chờ đợi nhanh chóng bị dập tắt trước đề xuất mang tính đột phá của phía Nga. Giấc mơ từ lâu của họ về việc được chứng kiến cơn mưa tên lửa Tomahawk dội xuống các mục tiêu của chính quyền Assad đã “tan thành mây khói”. Phe nổi dậy Syria cảm thấy bị bỏ rơi sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận về biện pháp ngoại giao nhằm tháo gỡ tình hình Syria.
 
Trong cuộc họp báo của Liên minh Quốc gia Syria (lực lượng nổi dậy Syria được phương Tây hậu thuẫn) mới đây, Tướng Salim Idris – Chỉ huy Quân đội Syria Tự do đã thẳng thừng bác bỏ thỏa thuận của Nga, Mỹ đồng thời từ chối tuyên bố ngừng bắn với quân chính phủ.
 
Trong một động thể hiện sự tức giận và cứng rắn, ông Idris khẳng định, thỏa thuận nói trên chỉ là giữa Nga với Mỹ và phe nổi dậy Syria không chấp nhận thỏa thuận đó. Ông Idris còn tỏ ra thách thức khi tuyên bố, quân của ông sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại quân chính phủ.
 
Phe nổi dậy Syria không cảm thấy cay đắng và bẽ bàng sao được bởi họ liên tiếp bị thất vọng trước các cường quốc phương Tây – lực lượng ủng hộ cho họ. Ông Sami Klaib, một phóng viên và cũng là một chuyên gia về chính trị Li-băng, cho rằng, kết quả quan trọng nhất trong thỏa thuận Nga-Mỹ vừa đạt được là: “Washington đã tái công nhận chính quyền Syria. Nếu không tại sao Mỹ lại đề nghị Syria tham gia  vào hiệp ước vũ khí hóa học”.
 
Hơn nữa, thỏa thuận giữa Nga và Mỹ còn được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.  Áp lực bây giờ dồn lên vai Tổng thống Assad. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo, nếu chính quyền Syria không thực hiện thỏa thuận thì Washington sẽ dùng đến kế hoạch tiến đánh Syria. Như vậy, sự thành công của kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng biện pháp hòa bình phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền của ông Assad.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc