Hội nghị G20 và những bất thường đáng lo ngại

07:04, 08/09/2013
|

(VnMedia) – Hội nghị Thượng đỉnh G-20 năm nay ở Nga chứng kiến một loạt những điều bất thường, từ chủ đề chủ đạo của hội nghị đến những cái bắt tay của nguyên thủ các nước. 
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama đã có một khoảng thời gian không mấy vui vẻ tại hội nghị G20.


Sự bất thường trong nội dung của hội nghị G20 đã được đề cập rất nhiều ở các bài báo. Hội nghị G20 theo truyền thống thường là nơi để nguyên thủ 20 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới bàn về các vấn đề liên quan đến kinh tế, phát triển. Tuy nhiên, diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi cuộc nội chiến ở Syria đang ở trong thời điểm có thể gọi là bước ngoặt, hội nghị G20 năm nay đã bị biến thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo thảo luận về vấn đề cấp bách nhất hiện nay – đó là nên hay không nên can thiệp quân sự vào Syria.
 
Tuy nhiên, sự khác thường của hội nghị G20 năm nay không chỉ dừng lại ở nội dung chủ đạo của các cuộc thảo luận. Hội nghị ở Nga này còn đặc biệt ở chỗ, nó là nơi chứng kiến những cái bắt tay mang nhiều sắc thái giữa những “địch thủ” đang đối đầu nhau căng thẳng.
 
Thủ tướng Abe bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình
 
Nếu không xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 khiến 1.400 người thiệt mạng và vì thế không có chuyện Mỹ bàn kế đánh Syria thì có lẽ một trong những điều thu hút sự chú ý lớn nhất của thế giới tại hội nghị G20 năm nay sẽ là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
 
Hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng và quyết liệt vì tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Cuộc đối đầu “căng” đến mức giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố không muốn gặp phía Nhật Bản ở hội nghị G20 dù chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ mong muốn có một cuộc gặp như thế.
 
Dư luận và giới các nhà quan sát, phân tích chắc chắn muốn theo dõi xem liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ ứng xử như thế nào tại hội nghị G20 ở Nga. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Syria đã khiến nhiều người xao lãng sự chú ý đối với mối quan hệ Trung-Nhật.
 
Trong bối cảnh ít bị chú ý, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản lại có những động thái khiến nhiều người phải quan tâm theo dõi xem diễn biến tiếp theo. Gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nga hôm 5/9, Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay nhau và có cuộc trò chuyện ngắn ngủi với nhau. Hành động này thể hiện sự thân mật bất ngờ của hai nhà lãnh đạo trong bối cảnh quan hệ hai nước Trung-Nhật đang hết sức căng thẳng.
 
Dù cuộc trò chuyện giữa Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản diễn ra chỉ trong khoảng 5 phút nhưng nó có ý nghĩa nhất định. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu Châu Á kể từ khi căng thẳng giữa họ bùng phát cách đây hơn một năm.
 
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa ông Tập Cận Bình và ông Abe dù không thể ngay lập tức giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung-Nhật nhưng nó là một dấu hiệu cho thấy sự dịu nhẹ từ cả hai phía. Thủ tướng Abe rõ ràng đang muốn cải thiện quan hệ với phía nước láng giềng Trung Quốc trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình muốn ngăn chặn không để quan hệ Trung-Nhật lún sâu thêm nữa.
 
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh chỉ cách đây một tuần, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn khăng khăng bác bỏ khả năng về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Nhật bên lề hội nghị G20 ở St. Petersburg. Dù quan điểm và lập trường giữa Trung, Nhật trong vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông được cho là vẫn rất cứng rắn nhưng ít nhiều hành động bắt tay và cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa hai nhà lãnh đạo Abe và Tập Cận Bình ít nhiều cũng đem đến hy vọng về một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn trong quá trình hàn gắn quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
 
Đằng sau cái bắt tay giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama
 
Cũng tại hội nghị G20, một cái bắt tay nữa thu hút sự chú ý lớn của dư luận thế giới là cái bắt tay giữa Tổng thổng nước chủ nhà – ông Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama.
 
Nếu cái bắt tay giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được miêu tả là có dấu hiệu nhen nhóm ngọn lửa ấm áp trở lại thì cái bắt tay giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Obama được cho là chứa đựng sự lạnh lẽo đúng như quan hệ giữa Nga và Mỹ lúc này.
 
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp nhau trong bối cảnh quan hệ hai nước đang rất căng thẳng vì vấn đề Syria và vụ “kẻ phản bội nước Mỹ” Snowden. Chính vì thế, chủ nhà Putin được cho là không mấy nhiệt tình với vị khách Obama. Trong khi đó, ông Obama được cho là cũng không mặn mà gì với ông Putin.
 
Các nguyên thủ khác lần lượt xuất hiện trên những chiếc xe BMW do nước chủ nhà cung cấp. Tổng thống Putin cười rất tươi với Thủ tướng Anh David Cameron và trò chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel lâu hơn bất kỳ vị khách nào. Tổng thống Mỹ Obama xuất hiện cuối cùng trên chiếc xe Cadillac của riêng mình. Ngay khi vừa bước ra khỏi cửa xe, ông chủ Nhà Trắng đã chìa tay ra. Ông chủ điện Kremlin cũng làm tương tự khi tiến tới vị khách Obama. Họ bắt tay rất nhanh, chỉ khoảng hơn chục giây, đủ để cho các phóng viên ghi lại được hình ảnh về cái bắt tay này.
 
Dù hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ không hề tỏ ra thù địch với nhau nhưng giữa họ rõ ràng có một sự lạnh nhạt nhất định. Không có sự ấm áp thực sự ở đây, thiếu những nụ cười rộng mở và sự giao tiếp qua ánh mắt, một số nhà quan sát nhận xét.
 
Tất cả những cử chỉ ở trên đã bộc lộ rõ nét quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện nay – một mối quan hệ đang chứa đựng nhiều bất đồng và mâu thuẫn. Hội nghị G20 đã chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama trong vấn đề Syria. Trong khi Tổng thống Obama ra sức thuyết phục các nước ủng hộ cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria thì Tổng thống nước chủ nhà – Putin lại phản đối quyết liệt điều này.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc