Biển Đông: Sự thực đằng sau sự nhún nhường của Trung Quốc

10:54, 25/08/2013
|

(VnMedia) - Gần đây, Trung Quốc khiến nhiều người kinh ngạc khi bắt đầu có dấu hiệu dịu giọng, muốn xuống nước trong các cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông. Điều đó đã giúp nhen lên ngọn lửa hy vọng về việc các bên có liên quan tìm kiếm được một giải pháp tháo “ngòi nổ” ở Biển Đông, đưa vùng biển chiến lược này trở lại sự yên bình. Tuy nhiên, một số nhà phân tích không lạc quan như vậy. Theo họ, Bắc Kinh không thực sự nhún nhường trong vấn đề Biển Đông như bề ngoài họ thể hiện trong thời gian qua. Đằng sau sự dịu giọng của Trung Quốc được cho là ẩn chứa một chiến lược thậm chí còn mạnh bạo hơn, quyết liệt hơn.
 

Ảnh minh họa

Trung Quốc đang ra sức tìm cách thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc biển.


Dấu hiệu dịu nhẹ
 
Hôm 30/6, tại Hội nghị ASEAN diễn ra ở Brunei, Trung Quốc đã bất ngờ nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán chính thức với 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (CoC) vào tháng 9 tới. Đây là thành công ngoài sự trông đợi của hội nghị ASEAN bởi cách đây 1 năm, Trung Quốc vẫn còn khăng khăng từ chối đàm phán về bộ quy tắc này.
 
Trước thềm hội nghị ASEAN, người ta không dám hy vọng gì nhiều về sự thay đổi của Trung Quốc bởi nước này vẫn quyết liệt đối đầu với Philippines. Nhiều nhà phân tích còn phán đoán hội nghị ASEAN sẽ không tránh khỏi kết quả thất bại như hội nghị ở Phnom Phenh cách đây 1 năm bởi Trung Quốc được cho là sẽ tìm cách câu giờ, trì hoãn tiến trình đàm phán về CoC để có thêm thời gian thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.
 
Tuy nhiên, bất ngờ đã đến khi Trung Quốc dễ dàng đồng ý tiến hành “các cuộc tham vấn chính thức” với ASEAN về CoC vào tháng 9 tới.
 
Thông tin trên ngay lập tức được đón nhận bởi sự hồ hởi, tin tưởng và lạc quan của các bên liên quan về một triển vọng tươi sáng cho việc tháo gỡ những cuộc tranh chấp căng thẳng và chứa đựng đầy nguy cơ ở Biển Đông.
 
Ngoài dấu hiệu trên, một số người còn cho rằng, sự nhún nhường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông còn thể hiện qua những phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra hồi tháng 7 vừa rồi.
 
Trong phiên học đặc biệt bàn về sức mạnh hàng hải của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã bất ngờ nhắc lại chỉ đạo 12 chữ của cố Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình về việc xử lý các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Cụ thể, câu nói đó là “chủ quyền vẫn là của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”.
 
Tiếp đó, cũng trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình còn nói thêm, Trung Quốc phải “lên kế hoạch vừa đảm bảo được tình hình ổn định chung vừa bảo vệ được các quyền của mình”. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc dùng đến cụm từ này. Có vẻ như, Trung Quốc đang đặt sự quan trọng của việc duy trì ổn định khu vực và bảo vệ “các quyền, lợi ích hàng hải” của Trung Quốc ngang nhau.
 
Với những dấu hiệu được đưa ra ở trên, người ta rất dễ tin rằng, Trung Quốc bắt đầu xuống nước trong vấn đề Biển Đông. Vậy sự thực có diễn ra đúng như mong đợi và hy vọng của mọi người hay không?
 
Sự thật đằng sau sự nhún nhường của Trung Quốc
 
Trên thực tế, không phải ai cũng lạc quan, hy vọng và tin tưởng vào sự thay đổi của Trung Quốc. Nhiều người sau khi bày tỏ sự hy vọng trước sự thay đổi bất ngờ của Trung Quốc tại hội nghị ASEAN đã không khỏi không cảm thấy “gợn” trước những phát biểu sau đó của giới chức Trung Quốc.
 
Khi mà người ta còn chưa kịp hết vui mừng về dấu hiệu dịu giọng của Trung Quốc thì ngay đầu tháng 8 mới đây, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tạt ngay “một gáo nước lạnh” vào những hy vọng vừa lóe lên trên tiến trình tìm kiếm CoC. Theo đó, ông Vương Nghị cảnh báo các nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông không nên quá kỳ vọng hay vội vàng, hấp tấp trong việc lập ra một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
 
Tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông nên “đặt sự kỳ vọng một cách thực tế” và áp dụng phương pháp “tiến cận dần dần, từ từ” trong quá trình tìm kiếm CoC nhằm tháo ngòi căng thẳng Biển Đông. Một số nước đang tìm kiếm một cách giải quyết nhanh chóng và đang hy vọng đưa ra một bộ quy tắc ứng xử sau một đêm. Cách tiếp cận này vừa thiếu thực tế vừa không nghiêm túc, Ngoại trưởng Trung Quốc đã nói như vậy.
 
Theo ông Vương Nghị, CoC liên quan đến lợi ích nhiều bên và một bộ quy tắc như thế đòi hỏi “tiến trình đàm phán khó khăn và phức tạp... Và không nước nào được quyền áp đặt ý chí lên nước khác”.
 
Với những phát biểu trên, nhiều người ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Họ cáo buộc, việc Trung Quốc đồng ý đàm phán CoC chỉ là một thủ đoạn đánh lừa và làm mê hoặc dư luận. Theo đó, Trung Quốc muốn thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác, đàm phán về tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc chỉ “tung” ra đòn gió trên để tìm cách câu giờ, kéo dài thời gian cho các lực lượng bán quân sự của họ tiếp tục củng cố sự hiện diện ở các vùng tranh chấp, tiến tới việc giành quyền kiểm soát trên thực tế những vùng lãnh hải, lãnh thổ đó.
 
Quan điểm trên được nhiều người ủng hộ bởi họ thấy rằng, sau những phát biểu đầy dịu nhẹ ở hội nghị ASEAN, Trung Quốc vẫn không hề giảm các hoạt động “tung hoành” của lực lượng nước này trên những vùng lãnh thổ, lãnh hải tranh chấp. Trung Quốc vẫn thường xuyên phái những đội tàu bán quân sự ra các vùng tranh chấp đồng thời luôn miệng cảnh cáo, đe dọa các nước láng giềng.

Người ta càng thấy rõ được “âm mưu” thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông qua phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị trong tháng 7, bên cạnh những phát biểu được cho là thể hiện sự xuống giọng của Trung Quốc, Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình vẫn nhấn mạnh một cách đầy mạnh mẽ rằng, nước này sẽ “không bao giờ từ bỏ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp”, đặc biệt là “lợi ích cốt lõi” của nước này. Phát biểu này được nhắc lại ngay trong cuộc gặp mới đây giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với Bộ trường Quốc phòng với Mỹ. Cùng với đó, Trung Quốc còn nói đến tham vọng biến nước này thành cường quốc biển.
 
Giới phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ không có chuyện xuống nước trong vấn đề Biển Đông mà trong thời gian tới, nước này sẽ còn quyết liệt hơn mạnh bạo hơn nhằm thực hiện tham vọng trở thành cường quốc biển trước khi trở thành siêu cường của thế giới. Bắc Kinh tin rằng, con đường để trở thành cường quốc biển thuận lợi nhất là đi qua Biển Đông, vì thế, họ sẽ không từ bỏ mục tiêu độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc