Ai Cập lại chia rẽ nội bộ

11:59, 10/07/2013
|

Trong khi các lực lượng Hồi giáo đối lập không chấp nhận quyền lực của Tổng thống tạm quyền Mansour và tuyên bố sẽ tìm mọi cách để khôi phục vị trí của tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi, những bất đồng liên quan đến chiếc ghế thủ tướng càng khiến tình hình trở nên phức tạp. Các diễn biến tại quốc gia Bắc Phi này phản ánh tình trạng chia rẽ sâu sắc mà tân lãnh đạo phải đối mặt.

 

Chính quyền lâm thời đã bắt đầu các biện pháp để xóa bỏ dần tính hợp pháp của ông Morsi. Tổng thống lâm thời Mansour đã sa thải Giám đốc Tình báo và Chỉ huy trưởng Lực lượng bảo vệ dinh tổng thống dưới thời ông Morsi. Cùng lúc, các công tố viên ra lệnh bắt giam 4 thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo trong 15 ngày để phục vụ công tác điều tra cái chết của 8 người biểu tình hồi tuần trước.

 

Ông Mansour - 67 tuổi, cựu thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Tối cao, người vừa được quân đội chỉ định làm Tổng thống lâm thời, là một người không mấy tiếng tăm trên trường quốc tế. Bởi vậy, nhân vật được nhắm cho chiếc ghế Thủ tướng, Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), có thể giúp chính quyền mới của ông Mansour có thêm uy tín và ảnh hưởng trong các cuộc gặp với Washington và các đồng minh phương Tây.

 

Bên cạnh đó, Mohamed ElBaradei từng là nguồn cảm hứng cho các nhóm nổi dậy trẻ tuổi trong cuộc cách mạng năm 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak cũng như phong trào chống cựu Tổng thống Morsi. Năm 2012, ông đã đứng ra thành lập đảng Doustour (Hiến pháp) với ưu tiên bảo vệ các mục tiêu của cách mạng quần chúng. Nhà ngoại giao thông thạo nhiều thứ tiếng này tuy không phải là người nhận được sự ủng hộ của tất cả các các tầng lớp quần chúng song đã biết cách tập hợp các nhóm đối lập nhỏ lẻ thành một lực lượng và đấu tranh mạnh mẽ với ảnh hưởng của các tổ chức Hồi giáo.

 

Ông được chọn làm thủ lĩnh Mặt trận 30 tháng 6, là tập hợp các đảng phái đối lập lớn nhất và các phong trào thù địch với cựu Tổng thống Morsi. Chính ông là người đã thảo luận với Tướng Abdel Fattah al-Sisi về việc phế truất tổng thống và lập lộ trình cho giai đoạn chuyển tiếp chính trị ở Ai Cập. Việc bổ nhiệm ông ElBaradei làm Thủ tướng có thể củng cố sự ủng hộ của những người trẻ tuổi đối với chính quyền mới của ông Mansour. Tuy nhiên, thông tin về việc bổ nhiệm ông ElBaradei được hãng thông tấn quốc gia MENA và một số cơ quan báo chí khác đăng tải đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều.

 

Sau khi Văn phòng Tổng thống thông báo nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách Mohamed ElBaradei được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời, một tuyên bố khác lại nói rằng tiến trình bổ nhiệm vẫn đang được cân nhắc. Một chính trị gia thân cận với ông ElBaradei cho biết, thay đổi này là do sự phản đối của đảng al-Nour Hồi giáo bảo thủ cực đoan mà chính quyền đang muốn hợp tác. Trước đó, đảng al-Nour đã chấp thuận kế hoạch chuyển giao chuẩn bị cho các cuộc bầu cử theo tiến trình chính trị mà quân đội đã đề ra. Việc đảng al-Nour rút khỏi tiến trình này có nguy cơ làm xói mòn đáng kể sự ủng hộ giới Hồi giáo đối với kế hoạch của quân đội. Sau khi al-Nour bác bỏ quyết định của quân đội, chính quyền lâm thời của ông Mansour đã phải hoãn lại việc công bố vị trí thủ tướng mới.

 

Tổ chức Anh em Hồi giáo đã nhanh chóng phản đối việc bổ nhiệm ông ElBaradei và tuyên bố tẩy chay tiến trình chính trị. Tổ chức này cho rằng, hành động vừa qua của quân đội là cuộc đảo chính nhằm lật đổ một chính quyền được bầu một cách dân chủ. Phát ngôn viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo Ahmed Aref nói: “hiện giờ, rõ ràng là chế độ Mubarak đang giành lợi thế. Chúng ta không thể chấp nhận chiến lược sử dụng bạo lực, chúng ta không thể chấp nhận một chính quyền giành được nhờ bạo lực”. Tổ chức Anh em Hồi giáo nói rằng họ không liên quan tới các kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời mới của quân đội và tuyên bố sẽ biểu tình và nổi dậy tới khi nào vị trí của ông Morsi được phục hồi”.

 

Tranh cãi xung quanh việc bổ nhiệm ông ElBaradei tiếp tục phô bày những rạn nứt trên chính trường Ai Cập trong bối cảnh quốc gia này chìm trong hàng loạt diễn biến bất ổn và bạo lực kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ. Trước tình hình này, Tổng thống lâm thời nhấn mạnh, hòa giải dân tộc là mối ưu tiên hàng đầu của ông. Phát biểu trước báo giới ngày 6.7, ông nhấn mạnh: “Chúng ta đã có quá đủ sự chia rẽ. Chúng ta cần sử dụng nội lực để xây dựng đất nước”. Tổng thống Mansour cũng kêu gọi Anh em Hồi giáo tham gia tiến trình chính trị bởi “Anh em Hồi giáo là một phần của Ai Cập” và chính quyền mới sẽ hoan nghênh nếu họ tham gia. Bất chấp các tuyên bố và kêu gọi của ông Mansour, các bên vẫn ở trong tư thế sẵn sàng đề phòng trường hợp bạo lực gia tăng trong bối cảnh xung đột chính trị tại Ai Cập ngày càng khiến triển vọng đối thoại và các biện pháp hòa giải trở nên mờ mịt.


Hoàng Hiếu

Ý kiến bạn đọc