Ai Cập đang lựa chọn đúng?

11:12, 15/07/2013
|

Ông Hazem al-Beblawi được bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời Ai Cập đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Một số nhà phân tích cho rằng việc bổ nhiệm ông Beblawi là “sự lựa chọn sáng suốt” bởi ông là một nhà kinh tế và không thuộc một nhóm chính trị nào. Trong khi đó, những người khác lại cho rằng Beblawi không thích hợp để đảm nhận chức vụ này trong “giai đoạn quan trọng” hiện nay.

 

Ông Beblawi từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong Nội các của cựu Thủ tướng Essam Sharaf năm 2011 và từng là Phó thủ tướng phụ trách vấn đề kinh tế. Ông được Tổng thống lâm thời Adly Mansour bổ nhiệm làm thủ tướng trong thời gian chuyển tiếp sau nhiều ngày bế tắc chính trị ở Ai Cập. Do không đồng ý bổ nhiệm những ứng cử viên có tham gia vào các phe phái chính trị nên Đảng Salafist Nour đã phản đối nhiều ứng viên cho vị trí Thủ tướng. Vì thế, xét về phương diện chính trị, việc lựa chọn ông Beblawi là “thỏa đáng”.

 

Hussein Abdel-Razek, chuyên gia chính trị và là nhân vật có thế lực trong Đảng Tagammu cho rằng, ông Beblawi có thể đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn hiện nay bởi ông là “nhân vật trung lập”. Theo ông, Beblawi không thuộc bất kỳ đảng phái chính trị nào và là người theo đường lối tự do nên sẽ cởi mở hơn trước bất kỳ hệ tư tưởng, quan điểm và cách tiếp cận chính trị nào. Đây cũng là tiền đề để những người ủng hộ Beblawi tin rằng ông có thể thành công trong nỗ lực hòa giải chính trị vốn đang rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ông có thể giúp xóa bỏ bất đồng giữa các đảng phái, và vì là một nhà kinh tế, ông Beblawi có khả năng giải quyết khủng hoảng kinh tế. Bằng kinh nghiệm lâu năm, ông Beblawi có thể tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế mà Ai Cập đang gánh chịu, đồng thời có thể điều hành tốt giai đoạn này nhờ những kinh nghiệm quản lý mà ông có được trong suốt thời gian giữ chức Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế và là nhà quản lý của Ngân hàng Phát triển Xuất khẩu Ai Cập.

 

Trong khi đó, Ahmed Taha - người phát ngôn của Hiệp hội Quốc gia vì sự Thay đổi - cho rằng ông Beblewi là một nhân vật truyền thống, tuy ông “không có được lòng tin của các lực lượng chính trị” nhưng ông lại là một người có “danh tiếng tốt”. Người phát ngôn Taha nói: “Hiệp hội của chúng tôi muốn một nhân vật cách mạng như ông Mohamed Elbaradei được lựa chọn để đứng đầu Nội các. Tuy nhiên, việc lựa chọn ông Beblawi cũng không hẳn là sai lầm bởi việc này sẽ giúp tạo sự đồng thuận chính trị giữa các đảng phái và bởi ông ta là người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế”.

 

Song, không phải là không có những ý kiến trái chiều. Ahmed Mahran - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị và pháp luật có trụ sở ở Cairo - cho rằng việc lựa chọn ông Beblawi là “tồi tệ và không thể chấp nhận được”. Ông Mahran nói: “Những gì ông Beblawi làm trong thời gian phục vụ Nội các của cựu Thủ tướng Essam Sharaf cho thấy ông không có khả năng tham gia cùng Chính phủ để vạch ra chiến lược nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng của đất nước khi đó. Việc lựa chọn ông Beblawi không phù hợp với những yêu cầu thay đổi ở thời điểm hiện tại, đó là yêu cầu về một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, chứ không phải một nhà lãnh đạo ở tuổi 70. Ông ta là một nhân vật bình thường, không thể tập hợp được những người trẻ tuổi để thành lập Nội các và không có khả năng phản ứng với những thay đổi hiện nay”. Chuyên gia Mahran hy vọng rằng trong tương lai gần, sẽ có nhiều tiếng nói được đưa ra để kêu gọi việc thay đổi Thủ tướng.

 

Trong khi đó, các thủ lĩnh của Tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết phong trào này vẫn không thể chấp nhận bất kỳ thay đổi nào sau vụ lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi. Ahmed Sobei, cố vấn truyền thông của Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính trị thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo - nói: “Đảng của chúng tôi không chấp nhận và cũng không tham gia bất kỳ tiến trình chính trị nào sau vụ đảo chính của quân đội lật đổ vị Tổng thống hợp pháp, kể cả Nội các mới hay tuyên bố về Hiến pháp”. Ông Sobei khẳng định rằng việc kêu gọi khôi phục quyền lực và vị trí của ông Morsi là vấn đề cốt lõi của bất kỳ tiến trình chính trị nào của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Ông cũng nhắc lại rằng đảng của ông và những người ủng hộ ông Morsi sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình ngồi để đưa ông Morsi trở lại nắm quyền.

 

Hiện nay, việc chỉ định Thủ tướng lâm thời là bước đi quan trọng tiếp theo nhằm xây dựng giới lãnh đạo Ai Cập thời hậu Morsi. Trong việc điều hành đất nước, Thủ tướng lâm thời sẽ có trong tay quyền lực lớn hơn so với Tổng thống lâm thời Adly Mansour - người vừa tuyên thệ nhậm chức cách đây ít ngày. Khối các phe nhóm thế tục, cánh tả và tự do đã lãnh đạo làn sóng biểu tình chống lại ông Morsi hiện trở thành khối chính trong tập hợp lỏng lẻo các phong trào đang nỗ lực đưa người của họ vào các vị trí trong chính quyền. Mục tiêu lúc này là họ muốn đưa người của mình lên làm Thủ tướng lâm thời để từ đó có được tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc định hình tương lai Ai Cập.

 

Với thực tế chia rẽ sâu sắc đang diễn ra tại Ai Cập lúc này, bất kỳ ai được lựa chọn vào “ghếnóng” Thủ tướng lâm thời cũng đều vấp phải những chỉ trích, không từ phe này thì từ phe khác. Vậy nên, xét trong toàn cục, một nhân vật phi đảng phái là sự lựa chọn thích hợp hơn cả. Song, điểm yếu là chính khách này sẽ khó có đủ sức mạnh, uy tín để tập hợp các đảng phái dưới mục tiêu chung là hòa giải dân tộc và chấm dứt khủng hoảng.


Hoàng Hiếu

Ý kiến bạn đọc