Philippines "ngây thơ" trong tranh chấp biển Đông?

07:58, 20/08/2013
|

(VnMedia) - Nhật Bản và Philippines là hai nước đang có những cuộc đối đầu quyết liệt nhất và căng thẳng nhất với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đối diện với cường quốc số 1 Châu Á, cả Manila và Tokyo đều muốn dựa vào Mỹ - cường quốc số 1 thế giới cũng là đồng minh thân thiết của họ. Hai nước, đặc biệt là Philippines, dường như rất tin tưởng vào việc Mỹ sẽ bảo vệ họ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng, nếu Nhật và Philippines đặt niềm tin quá lớn vào sự hậu thuẫn của Mỹ thì hai nước này đã quá ngây thơ.    
 

Ảnh minh họa

Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian vừa qua được cho là chỉ mang tính biểu tượng.


Nhận định trên rất đáng chú ý khi mà quan hệ quốc tế từ xưa đến nay đều được điều chỉnh và dựa trên vấn đề lợi ích. Điều này có nghĩa Mỹ không sẵn sàng hy sinh lợi ích để bảo vệ các đồng minh Châu Á của mình.
 
Tờ Economic Times mới đây đã có bài phân tích, trong đó nói rằng Trung Quốc càng mạnh và càng quyết liệt thì Mỹ dường như càng không muốn đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp ở Châu Á dù cho những cuộc tranh chấp đó có liên quan đến các đồng minh và đối tác chiến lược của họ. Sự thực này đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh.
 
Mỹ có lợi ích rất lớn trong việc duy trì mối quan hệ cùng có lợi với Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này, trong số đó có những nước như Nhật Bản đang nằm dưới cái ô bảo vệ về an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một cường quốc lớn mới nổi và cũng là nước nắm giữ trái phiếu của Mỹ lớn nhất, Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia Châu Á nào. Lợi ích kinh tế của Mỹ cũng gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc đến mức cường quốc số 1 thế giới hầu như loại trừ chính sách cô lập và đối đầu trực diện với Bắc Kinh.
 
Washington đã từng nói rõ rằng, bất chấp “chính sách chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á, nước này không có ý định đặt Mỹ vào tình trạng phải đối mặt với nguy cơ để bảo vệ các đồng minh trong những cuộc tranh chấp với Trung Quốc cũng như không hành động theo cách có thể làm phương hại đến sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế và chính trị với Bắc Kinh.
 
Rốt cục, chính sách chuyển hướng trọng tâm mà Mỹ thực hiện tích cực ở Châu Á hiện nay chẳng phải nhằm mục đích là để kiềm chế Trung Quốc mà chỉ là để củng cố vai trò của Mỹ với tư cách là cường quốc cân bằng trong khu vực. Như vậy, con đường mà Washington đang theo đuổi là ngầm giữ lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
 
Mỹ chỉ sẵn sàng lên tiếng khi các hành động của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của họ như vấn đề tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông chiến lược.
 
Các nước có "ngây thơ"?
 
Thậm chí kể cả khi Trung Quốc tìm cách quấy  rầy Ấn Độ một cách có tính toán trên nhiều mặt trận, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng sẽ không đến để giúp Ấn Độ. Washington thậm chí còn  tránh cả việc cảnh cáo Bắc Kinh. Ở Nhật Bản, đặc biệt là ở Okinawa, Mỹ có lợi ích quan trọng trong việc duy trì sự hiện diện quân sự ở đây. Tuy nhiên, Tokyo có lý do hợp lý để lo lắng rằng, Mỹ có thể không sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản về mặt quân sự nếu nước này bị Trung Quốc tấn công trong cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Có vẻ như Mỹ lo ngại rằng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể xem hiệp ước an ninh với Mỹ như là một tấm lá chắn bảo đảm để nước này đối đầu với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến ở biển Hoa Đông.
 
Tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Mỹ về việc Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật áp dụng với cả quần đảo Senkaku không đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc dùng đến sức mạnh quân sự trong cuộc tranh chấp thì Mỹ sẽ áp dụng tất cả mọi biện pháp, trong đó có hành động quân sự để ngăn chặn Trung Quốc.
 
Sau những khoản chi phí khổng lồ mà Mỹ phải hứng chịu trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, Mỹ không có mong muốn can dự vào thêm bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, đặc biệt là những cuộc chiến tranh mà ở đó lợi ích của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Mỹ đã từng nhiều lần tuyên bố, nước này không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và nước này đã khuyên Tokyo cùng với Bắc Kinh tìm một giải pháp hòa bình để giải quyết cuộc tranh chấp. Nghịch lý ở đây là sự quan ngại của các nước Châu Á do các hành động hung hăng của Trung Quốc gây nên đã giúp Mỹ xây dựng những đối tác chiến lược mới như Ấn Độ, Indonesia nhưng Washington lại lo lắng không dám dứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở khu vực.
 
Trong khi đó, thái độ của Mỹ dường như đã khuyến khích Trung Quốc làm căng hơn trong các cuộc tranh chấp với Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines....
 
Về phía các đồng minh và đối tác của Mỹ, lập trường ngày càng cứng rắn, quyết liệt và hiếu chiến của Trung Quốc đã bộc lộ những hạn chế trong mối quan hệ an ninh giữa họ với Washington. Những nước như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ... hoàn toàn không ngây thơ. Họ cũng đã nhận ra được lập trường và thái độ của Mỹ. Phản ứng thích hợp của những nước trên đối với mối quan ngại về an ninh là họ đã tìm cách tăng cường sức mạnh của bản thân đồng thời tự thiết lập quan hệ đối tác, liên minh với nhau.


Kiệt Linh - (theo Economic Times)

Ý kiến bạn đọc