Vì sao Ấn Độ can dự vào Biển Đông?

20:52, 15/08/2013
|

(VnMedia) - Tuần này, Ấn Độ vừa trình làng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên mang tên INS Vikrant. Sự kiện “đầy tự hào” đối với Ấn Độ này diễn ra chỉ vài ngày sau khi lò phản ứng của chiếc tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên INS Arihant của nước này chính thức đi vào giai đoạn hoạt động ổn định. Hai bước đột phá trên cho thấy tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của Hải quân Ấn Độ. Sự can dự có tính chiến lược của Ấn Độ vào Châu Á đang ngày càng được quyết định bởi vai trò hàng hải và sức mạnh hải quân của nước này.
 

Ảnh minh họa

 Hải quân Ấn Độ.


“Hàng hải Châu Á” đang nổi lên là một khu vực địa chính trị quan trọng khi các quốc gia Châu Á ngày một phát triển và ngày một dựa vào thương mại trên biển. Ấn Độ không phải là trường hợp ngoại lệ khi có đến 95% tổng giao dịch hàng hóa thương mại và 75% giá trị trao đổi thương mại bên ngoài của nước này được thực hiện thông qua đường biển. Ngoài ra, hơn 70% nguồn nhập khẩu dầu mỏ vào Ấn Độ đi qua đường biển. Để bảo vệ các lợi ích hàng hải ngày càng quan trọng trên, chính phủ Ấn Độ đã đặt ra tham vọng lớn trong việc thiết lập một Lực lượng Hải quân mạnh cả về khả năng vươn xa, vươn rộng lẫn tính bền vững. Ấn Độ là nước có lực lượng hải quân lớn thứ 5 thế giới và đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một lực lượng hải quân sở hữu tới hơn 160 tàu, trong đó có 3 tàu sân bay, vào năm 2022.
 
Tuy nhiên, tham vọng hàng hải của Ấn Độ đang bị thách thức bởi thực tế rằng vị thế trên biển của nước này thường bị tranh chấp, ví dụ như ở Biển Đông.  Mặc dù gần 55% hoạt động giao dịch thương mại của Ấn Độ đi qua Eo biển Malacca nhưng một số nước vẫn tiếp tục phản đối việc cường quốc Châu Á này đóng một vai trò nổi bật ở Biển Đông. Trong số đó nổi lên là Trung Quốc. Bắc Kinh đã tỏ ra khó chịu trước sự hiện diện ngày càng tăng của Hải quân Ấn Độ ở trong khu vực. Điều này có thể được thấy rõ trong bản báo cáo được đưa ra hồi tháng 7 năm 2011, trong đó nói về việc tàu của Hải quân Ấn Độ từng nhận được thông điệp qua hệ thống điện đàm từ Hải quân Trung Quốc yêu cầu họ phải rời các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc còn phản đối cả việc Ấn Độ trúng thầu khai thác một lô dầu khí vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở Biển Đông. 
 
Ấn Độ coi trọng lợi ích ở Biển Đông
 
Bất chấp thực tế rằng Ấn Độ không chia sẻ một đường biên giới biển tiếp giáp với Biển Đông nhưng các lợi ích hàng hải của nước này trong khu vực đã được thiết lập rất chắc. Dù không công khai tuyên bố như Mỹ rằng các cuộc tranh chấp hàng hải ở Biển Đông có liên quan đến “lợi ích quốc gia” nhưng New Delhi cũng lên tiếng ủng hộ lập trường của Mỹ trong việc kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Biển Đông đồng thời bảo vệ và thúc đẩy tự do hàng hải ở khu vực biển chiến lược này. Ấn Độ cũng đã thắt chặt mối quan hệ hàng hải với nhiều quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Từ lần đầu tiên triển khai trên Biển Đông năm 2000, Hải quân Ấn Độ cũng bắt đầu tham gia vào nhiều chiến dịch hàng hải nổi bật ở khu vực, trong đó có các hoạt động cứu trợ thảm họa và nhân đạo, những cuộc tập trận chung và các chuyến ghé thăm cảng các nước. Trong số này có vai trò nổi bật của Ấn Độ trong chiến dịch cứu trợ sau khi xảy ra thảm họa sóng thần khủng khiếp ở Châu Á năm 2004 và cơn bão kinh hoàng ở Myanmar năm 2008. Hải quân Ấn Độ đã hộ tống các tàu của Hải quân Mỹ đi qua Eo biển Malacca như một phần của Chiến dịch Bảo vệ Tự do năm 2002.
 
Hỗ trợ cho các lợi ích hàng hải ngày càng tăng của Ấn Độ ở Biển Đông là Bộ Chỉ huy Andaman và Nam Nicobar được thành lập ở ngay cửa ngõ của Eo biển Malacca năm 2001.
 
Vì sao Ấn Độ lại quan tâm đến Biển Đông như vậy. Ngoài việc tiếp cận các nguồn năng lượng ở ngoài khơi và đảm bảo các tuyến đường hàng hải an toàn, tự do cho tàu thuyền của Ấn Độ qua Eo biển Malacca, cường quốc Châu Á còn có những lợi ích lớn hơn ở Biển Đông. Đó là đảm bảo rằng, lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp hàng hải ở Biển Đông không tái diễn ở Ấn Độ Dương. Những sự kiện diễn ra gần đây ở Biển Đông có thể báo hiệu cho hành vi tiềm năng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong tương lai, đặc biệt nếu Trung Quốc nâng việc bảo vệ các tuyến đường biển lên thành “một lợi ích cốt lõi”, bằng với các lợi ích chủ quyền trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp lục địa và hàng hải cũng như việc tái thống nhất với Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Hơn nữa, việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của hải quân ở Ấn Độ Dương sớm muộn có thể dẫn đến việc nước này can thiệp vào các cuộc tranh chấp về đường biên giới trên biển giữa Ấn Độ với các nước láng giềng gồm Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Trên thực tế, Trung Quốc đã được phép tham gia vào hoạt động khai thác đáy biển ở khu vực tây nam Ấn Độ Dương từ hồi tháng 7 năm 2011. Diễn biến này cho thấy khả năng có thể xảy ra một kịch bản như nói ở trên.
 
Trong bối cảnh đó, sự hiện diện còn trong trứng nước của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, trong đó có các chiến dịch chống cướp biển, chắc chắn vấp phải sự hoài nghi. Có nhiều nguồn tin cho biết, một tàu ngầm Ấn Độ và một đơn vị hải quân Trung Quốc từng có “cuộc chạm trán căng thẳng” gần Eo biển Bab-el-Mandeb ở Vịnh Aden hồi tháng 1 năm 2009. Vụ việc này minh chứng Ấn Độ Dương có thể là một “sân chơi” cạnh tranh mới giữa hai cường quốc Châu Á – Trung Quốc và Ấn Độ. Lo ngại viễn cảnh này, New Delhi buộc phải can dự vào Biển Đông để có thể ngăn chặn trước kịch bản những hành vi cứng rắn, quyết liệt của Trung Quốc tái diễn ngay ở Ấn Độ Dương - nơi được coi là khu vực sân sau của Ấn Độ.


Kiệt Linh - (theo Diplomat)

Ý kiến bạn đọc