Trung Quốc đang "thách thức" Mỹ ở Biển Đông

07:05, 23/06/2013
|

(VnMedia) - Mỹ đáng ra muốn trì hoãn triển khai chính sách chuyển hướng trọng tâm chiến lược vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho đến năm 2014, sau khi nước này hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi chiến trường Afghanistan. Tuy nhiên, những hành động khuấy đảo Biển Đông của Trung Quốc từ năm 2008 đã buộc Washington phải sớm “nhảy” vào khu vực.
 

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh họa)


Sự leo thang trong các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông được xem là sự thách đấu chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ vì nhiều mục đích. Sự thách đấu này khiến Mỹ không thể phớt lờ. Trung Quốc coi đó là bước đầu tiên tiến tới việc tạo thế “cân bằng chiến lược” giữa họ với Mỹ trên sân khấu toàn cầu.
 
Rất dễ nhận thấy, mục đích chính trong “sự thách đấu” của Trung Quốc là buộc Mỹ phải chú ý đến thực tế rằng, sức mạnh được củng cố của hải quân nước họ từ thập kỷ trước đến giờ đã leo lên cấp độ mà ở đó sự thống trị của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có thể bị thách thức và rằng Trung Quốc cuối cùng có thể gây ra một cuộc xung đột hải quân ở khu vực rộng lớn hơn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
 
Dựa vào đánh giá sai lầm cho rằng Mỹ với các chính sách “tránh nguy cơ” đối với Trung Quốc sẽ chần chừ, ngần ngại trong việc đối đầu với những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh cảm thấy bạo dạn hơn trong việc thực hiện chính sách “bên miệng hố chiến tranh” trong khu vực. Trung Quốc hy vọng, bằng cách ức hiếp, dọa dẫm, nước này sẽ buộc các nước có tranh chấp ở Biển Đông chấp nhận đường 9 đoạn phi lý của họ, trong đó Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
 
Một mục tiêu khác trong sự “thách đấu” của Trung Quốc ở Biển Đông là tìm cách bôi xấu hình ảnh của cường quốc Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như là một người bảo vệ hay một đối tác an ninh không đáng tin cậy không chỉ với hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn với các nước có tranh chấp khác.
 
Mỹ không thể không chú ý đến việc Trung Quốc trong suốt gần hai thập kỷ qua đã ra sức tăng cường sức mạnh quân sự một cách không ngừng nghỉ và rằng một khoảng trống chiến lược đã được tạo ra đặc biệt ở Đông Nam Á khi Mỹ phớt lờ khu vực và bị chìm sâu vào hai cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan.
 
Trung Quốc được cho là luôn có tầm nhìn chiến lược xa và hiểu được môi trường an ninh khu vực trước khi đưa ra bất kỳ một động thái nào nhằm đạt được các mục đích trong chiến lược lớn là tạo thế cân bằng với Mỹ.
 
Vì một lý do nào đó không thể giải thích, Trung Quốc đã tính toán sai quyết tâm của Mỹ cũng như các ưu tiên chiến lược và cam kết của cường quốc này đối với an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là từ năm 2008 trở đi.

Phản ứng của Mỹ và nhiều câu hỏi cần giải đáp
 
Theo tính toán chiến lược của Trung Quốc trong giai đoạn này, cường quốc Châu Á cho rằng, Mỹ đang suy yếu về sức mạnh quân sự, phải đối mặt với những hậu quả đau đớn từ cuộc suy thoái toàn cầu cũng như đang sa lầy trong cuộc chiến ở Afghanistan.
 
Bắc Kinh cảm nhận rằng, những nhân tố trên cộng với việc hải quân Trung Quốc ngày càng được hiện đại hóa và được tăng cường sức mạnh sẽ khiến sự thống trị hàng hải của Mỹ bị chế ngự, chính vì thế, Trung Quốc bắt đầu tiến ra Biển Đông với chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đầy hung hăng.
 
Các nước có tranh chấp ở Biển Đông rõ ràng chưa phải là đối thủ của Trung Quốc. Vì thế, yếu tố làm thay đổi cán cân ở đây là quyết định chiến lược của Mỹ trong việc công khai tuyên bố chính sách chuyển hướng trọng tâm về Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Rõ ràng, Trung Quốc đã liều lĩnh, chơi quá tay do tính toán sai về phản ứng của Mỹ cũng như mối liên kết chặt chẽ, lâu đời về quân sự của Mỹ với khu vực.
 
Không đợi hạn định rút quân ra khỏi Afghanistan vào năm 2014, Mỹ đã nhanh chóng thúc đẩy việc thực hiện Học thuyết Obama về việc chuyển hướng trọng tâm chiến lược vào Châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược này sau đó được chỉnh sửa lại là chính sách tái cân bằng lực lượng Mỹ trong khu vực. Đây chỉ là một cách gọi nhằm làm nhẹ đi vấn đề chứ thực chất đó là “Học thuyết Kiềm chế Trung Quốc”.
 
Chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã định hình rõ nét vào thời điểm này nhưng nhiều vấn đề cần được giải đáp về đường hướng tương lai của Mỹ trong chiến lược đó.
 
Trong việc tái cân bằng cấu trúc an ninh ở Tây Thái Bình Dương – nơi có Biển Đông, người ta đang tự hỏi liệu Mỹ có kế hoạch thiết lập một mạng lưới quan hệ an ninh tương tự như với Nhật Bản và Hàn Quốc hay không? Liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ các nước có tranh chấp ở Biển Đông trước các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc hay không?
 
Liệu Mỹ có tiến tới việc thiết lập một cấu trúc an ninh toàn diện ở Đông Nam Á để bảo vệ khu vực này khỏi những mối đe dọa hiện tại hay tiềm năng từ Trung Quốc?
 
Các nước Đông Nam Á có nỗi quan ngại về cường độ cũng như sự tồn tại của chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ. Họ sợ rằng, chiến lược đó chỉ là tạm thời. Vậy làm thế nào Mỹ có thể đảm bảo với các nước Đông Nam Á rằng họ có quyết tâm để kiềm chế Trung Quốc ở trong biên giới quốc gia và không để nước này thực hiện một cuộc phiêu lưu quân sự ở khu vực Biển Đông nói riêng và Đông Nam Á nói chung?


Kiệt Linh - (theo Eurasiaview)

Ý kiến bạn đọc