Triều Tiên đã khiến Trung Quốc "thất thế"?

07:38, 11/04/2013
|

(VnMedia) - Không ai biết mục đích cuối cùng của ông Kim Jong Un qua chiến dịch gây sóng gió lớn trong khu vực hiện nay. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên chắc chắn là không có ý định giúp kẻ thù Mỹ để gây bất lợi cho đồng minh lớn nhất của mình – Trung Quốc. Vậy mà, điều đó dường như đang xảy ra.
 

 Ảnh minh họa

 Tên lửa Mỹ được triển khai nhằm đối phó với Triều Tiên.


Những hành động cứng rắn dồn dập của chính quyền Triều Tiên trong những ngày qua vô tình đã giúp Mỹ củng cố chiến lược tái cân bằng chính sách an ninh đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, Bình Nhưỡng đang làm lợi cho Mỹ - nước mà họ từng tuyên bố là “kẻ thù không đội trời chung”.
 
Sau khi giới lãnh đạo Mỹ tuyên bố về chiến lược chuyển hướng trọng tâm về Châu Á-Thái Bình Dương từ cuối năm 2011, Trung Quốc đã luôn ở trong trạng thái bất an. Trong suốt thời gian qua, Mỹ liên tục có các động thái quân sự và ngoại giao khiến Bắc Kinh cảm thấy họ bị bao vây ngay tại sân nhà. Washington thắt chặt quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác với Singapore, New Zealand, Thái Lan, Myamar....
 
Hồi năm ngoái, Mỹ còn tuyên bố sẽ đưa tới 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến khu vực Châu Á vào năm 2020. Hiện tại, Hải quân Mỹ đang có trong tay lực lượng gồm 282 tàu chiến. Như vậy, trong vài năm nữa, sẽ có khoảng 150 tàu chiến Mỹ thường xuyên đóng tại khu vực. Hải quân Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì hơn một nửa (6) trong số 11 tàu sân bay khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
 
Đối với Trung Quốc, vào thời điểm này, Mỹ có lẽ là mối đe doạ lớn nhất với họ. Bắc Kinh lo ngại và thậm chí là tức giận về những hành động phóng tên lửa, thử hạt nhân, đe doạ chiến tranh của Triều Tiên nhưng phản ứng của Mỹ đối với diễn biến này khiến Trung Quốc còn lo ngại hơn.
 
Trung Quốc bực tức với đồng minh Triều Tiên vì nước này dám qua mặt họ thực hiện các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân, gây sóng gió trong khu vực. Bình Nhưỡng đã hành động bất chấp sự phản đối quyết liệt của đồng minh lớn nhất. Điều đó khiến Bắc Kinh cảm thấy bẽ mặt. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng thừa hiểu, Triều Tiên chỉ gây sóng gió để đạt được một mục đích nào đó chứ không có ý định biến các lời đe doạ, cảnh báo thành hiện thực. Trong khi đó, Mỹ lại phản ứng với các hành động của Triều Tiên bằng những bước đi quân sự rầm rộ, khiến Bắc Kinh “giật mình thon thót”.
 
Triều Tiên “mời" Mỹ đưa vũ khí tối tân vào khu vực
 
Washington được cho là đã lợi dụng tình hình bán đảo Triều Tiên để liên tiếp triển khai những vũ khí tối tân nhằm dương oai diễu võ ở khu vực. Đầu tiên, Mỹ tuyên bố triển khai cùng lúc 14 tên lửa đánh chặn được thiết kế để có thể hạ gục tên lửa tầm xa đang bay trước khi chúng chạm tới lãnh thổ nước Mỹ. Những tên lửa này được Washington tuyên bố là nhằm để đối phó với tên lửa Triều Tiên nhưng động thái diễn ra vào ngày 15/3 này lại khiến cả Nga và Trung Quốc đều lo ngại.
 
Tiếp đó, hôm 28/3, Mỹ đưa máy bay ném bom tàng hình hàng đầu B-2 của nước này vào tập trận với Hàn Quốc. Hai chiếc B-2 đã bay thẳng từ căn cứ quân sự của Mỹ đến rải mưa bom đạn xuống khu vực tập trận ở Hàn Quốc. Vài ngày sau, cường quốc số 1 thế giới tiếp tục “tung” chiến đấu cơ đáng sợ nhất thế giới của nước này – máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 F-22, đến áp sát Triều Tiên. Chưa hết, sau đó, Mỹ còn triển khai các tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đến khu vực đồng thời xúc tiến lắp đặt một Hệ thống Phòng thủ Tên lửa giai đoạn cuối tầm cao – THAAD ở Guam hướng về Triều Tiên.
 
Không chỉ Mỹ mà các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng cường củng cố sức mạnh quân sự của mình nhằm đối phó với Triều Tiên.
 
Những hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai vũ khí của Mỹ cũng như các đồng minh rõ ràng là rất hợp lý trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp tung ra những lời đe doạ đáng sợ nhằm vào những nước này như một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu hay một cuộc chiến tranh toàn diện.
 
Trước khi khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ, Mỹ đã có nhiều bước đi nhằm tạo vòng vây xung quanh Trung Quốc nhưng những bước đi đó đều phải tế nhị và dựa trên danh nghĩa hợp tác quân sự. Washington rất muốn triển khai các vũ khí tối tân nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và cũng ngày càng quyết liệt. Tuy nhiên, nếu có những hành động quân sự quá lộ liễu, Mỹ không chỉ khiến Trung Quốc nổi giận mà rất có thể còn làm cho cộng đồng quốc tế hoài nghi về ý định của mình.
 
Tuy nhiên, cơ hội đã đến với Mỹ khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng phát. Washington chắc chắn là có quyền triển khai vũ khí để đối phó với Triều Tiên, nước láng giềng sát nách Trung Quốc, trong bối cảnh họ liên tiếp trở thành mục tiêu đe doạ của chính quyền ông Kim Jong Un. Bắc Kinh khó lòng có thể phản ứng mạnh với Mỹ trong hoàn cảnh này ngoại trừ việc kêu gọi các nước bình tĩnh, kiềm chế. Với việc triển khai các vũ khí hiện đại đối phó với Triều Tiên, Mỹ đã "một mục tiêu trúng hai đích" khi có thể răn đe cả thêm Trung Quốc.
 
Như vậy, chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đang vô tình “giúp đỡ” cho kẻ thù của mình để đối phó với đồng minh Trung Quốc.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc