Thất bại của châu Âu

17:51, 06/04/2013
|

Cuộc đàm phán hòa bình giữa Serbia và tỉnh ly khai Kosovo đã khép lại sau 8 vòng đàm phán mà không đạt được bất kỳ đột phá nào. Giới phân tích nhận định châu Âu, với vai trò trung gian hòa giải, đã thất bại khi dàn xếp các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, Catherin Ashton, người trung gian cho cuộc đàm phán cho biết, bất đồng giữa hai bên tuy đã được thu hẹp, song vẫn còn khá sâu sắc. Thủ tướng Serbia Ivica Dacic và người đứng đầu chính quyền Kosovo Hashim Thaci sẽ quay trở về quê nhà tham vấn và sẽ thông báo quyết định trong vài ngày tới.   

Bế tắc hiện nay xoay quanh quyền chính trị và kinh tế của cộng đồng thiểu số Serbia ở miền Bắc Kosovo, vốn không công nhận chính quyền Pristina. Phía Serbia đề xuất hợp nhất 9 cơ quan chính quyền đô thị tự trị của người Serbia tại Kosovo thành một thể chế chính quyền thống nhất, có cơ quan lập pháp riêng. Kosovo chấp nhận thành lập thể chế này, song từ chối bảo đảm quyền hành pháp và lập pháp cho cộng đồng thiểu số Serbia.

Trong khi giới chức EU cố tỏ lạc quan về kết quả đàm phán và tuyên bố hai bên sẽ còn các cuộc đàm phán không chính thức trong thời gian tới, Serbia mạnh mẽ tuyên bố hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để tiến tới một thỏa thuận với Kosovo. Điều này cho thấy, bất chấp sức ép của giới chức Brussels trong tiến trình đàm phán gia nhập liên minh, Belgrade vẫn kiên định với lập trường của mình trong các cuộc thương thảo với Pristina. Ở đây cùng là vấn đề lợi ích dân tộc - lợi ích quốc gia, song rõ ràng, Serbia đã lựa chọn lợi ích của sự tự tôn dân tộc, của chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Trước đó, giới phân tích tại chỗ nhận định bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Serbia và chính quyền Kosovo cũng sẽ là một bước tiến quan trọng hướng tới kiến tạo nền hòa bình lâu dài tại Balkans, khu vực đã trải qua nhiều biến động sau khi Liên bang Nam Tư sụp đổ hồi những năm 1990 của thế kỷ trước. Song, với những chính khách theo đuổi chủ nghĩa dân tộc tại  Serbia, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ là sự thỏa hiệp và là đi ngược lại lợi ích quốc gia. Bản thân người Serbia đang sống tại Kosovo cũng không dễ dàng chấp nhận sự thỏa hiệp đó và khẳng định họ chỉ có một nhà nước duy nhất.

Tỉnh Kosovo, với đa số là người gốc Albani, ngày 17.2.2008 đã đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Serbia. Cho tới nay, vùng lãnh thổ này đã được khoảng 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và phần lớn các nước thành viên EU công nhận. Chính quyền Serbia và những người Serbia sinh sống tại Kosovo kiên quyết phản đối tuyên bố độc lập của Pristina. Hai bên đã nhất trí thiết lập một tổ chức chính quyền tự trị của người Serbia tại đây, song chính quyền Pristina từ chối cấp cho thể chế này quyền hành pháp và tư pháp. Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic nêu rõ Belgrade phải bảo vệ các quyền của tổ chức chính quyền tự trị nói trên không chỉ thông qua các cam kết với chính quyền Pristina mà cả cam kết của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là vai trò của EU với tư cách là nhà bảo trợ.

Lâu nay, Brussels sử dụng “tấm vé thành viên EU” như một củ cà rốt để thuyết phục chính quyền Serbia nhượng bộ Kosovo. Đi kèm với nhượng bộ sẽ là những lợi ích kinh tế không thể phủ nhận khi Serbia chính thức gia nhập mái nhà châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu đang bị ngập chìm trong “bão” nợ công, các nền kinh tế lớn của châu lục phải dốc hầu bao để cứu trợ các “mắt xích yếu”, xem ra trở thành một phần của EU lúc này không còn nhiều ánh hào quang nữa. Và vì thế, sức ép từ các ông lớn tại Brussels không còn quá nặng nề đối với Belgrade. Tạm đứng ngoài được coi là một giải pháp chấp nhận được vào lúc này. Với hai lý do thuyết phục vậy, thất bại của EU trong việc gây sức ép với Serbia về vấn đề Kosovo có thể coi là thỏa đáng.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc