Bắt đầu từ xây dựng lòng tin

20:03, 10/04/2013
|

Chuyến công du trở lại Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần này không ngoài mục đích thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp Israel – Palestine bị gián đoạn gần 3 năm qua. Nỗ lực trung gian hòa bình của Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và cần có cách tiếp cận mới, bám sát tình hình thực tiễn và khả thi hơn.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 7/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài kéo dài 10 ngày tới Trung Đông, châu Âu và Đông Á. Điểm dừng chân đầu tiên của ông Kerry là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để hội đàm với Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Tiếp đó, ông Kery sẽ đến Jerusalem, gặp Thủ tướng Israel Benjamnin Netanyahu và sau đó đến vùng lãnh thổ Palestine để thảo luận với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Trong khuôn khổ chuyến công du này, ông Kerry còn dự kiến sẽ thăm Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Đây là lần thứ 3 ông Kerry trở lại Trung Đông kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 2 vừa qua. Trong chuyến công du lần trước tới Israel và khu Bờ Tây của Palestine diễn ra hồi tháng 3, với sự tháp tùng của Ngoại trưởng Kerry, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lần lượt có các cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo của Israel và Palestine, để lắng nghe các bên về triển vọng hòa bình khu vực.

Tín hiệu khả quan là cả Israel và Palestine đều có dấu hiệu nhượng bộ, nhằm hỗ trợ nỗ lực trung gian hòa bình của Mỹ. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riad al-Maliki, Palestine đã quyết định tạm ngừng các nỗ lực nhằm trở thành thành viên tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc trong vòng 2 tháng, theo đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm tạo điều kiện cho Mỹ thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa người Palestine và Israel. Động thái này đáp lại sự nhượng bộ của Nhà nước Do Thái. Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quyết định hoàn trả tiền thuế thu hộ hằng tháng trị giá khoảng 100 triệu USD cho chính quyền Palestine, vốn Tel Aviv phong tỏa từ tháng 12.2012, sau khi Palestine được trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên tại LHQ.

Trong bối cảnh chính quyền Obama không quá kỳ vọng vào khả năng có thể thúc đẩy ngay việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, Ngoại trưởng Kerry sẽ tập trung vào các biện pháp gây dựng lòng tin giữa Israel – Palestine. Ông Kerry có thể sẽ đề nghị giới chức Israel trả tự do cho thêm 120 tù nhân chính trị Palestine, những người bị giam giữ trong các nhà tù của Israel sau Hiệp định hòa bình Oslo 1993. Chính quyền Palestine còn muốn Israel đình chỉ các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái. Tuy Tel Aviv đã tuyên bố không chấp nhận điều kiện tiên quyết nào đối với việc nối lại đàm phán, song nhiều khả năng Israel sẽ tạm thời tránh đưa ra thêm dự án xây khu định cư mới nào trong vòng 2 – 3 tháng tới. Palestine cũng cho biết, họ sẽ tạm hoãn ý định kiện Israel lên Tòa án Hình sự quốc tế trong vòng 12 tuần tới, đồng thời yêu cầu Israel đưa ra một bản đồ trong đó có Nhà nước độc lập tương lai của Palestine, với các đường biên giới rành mạch với Nhà nước Do Thái. Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến công du lần này, ông Kerry còn dự kiến khôi phục lại kế hoạch hòa bình do Ảrập Xêút đề xuất 11 năm trước. Kế hoạch này bao gồm việc các quốc gia khu vực bình thường hóa quan hệ với Israel, đổi lại Nhà nước Do Thái chấp nhận sự tồn tại của Nhà nước Palestine độc lập. Minh chứng là, tại cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul ngày 7.4, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng khôi phục hoàn toàn quan hệ với Israel, đồng thời đề nghị quốc gia này đóng vai trò tích cực trong nỗ lực vực dậy tiến trình hòa bình khu vực.

Theo nhà phân tích Aaron David Miller, Phó chủ tịch Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson và từng là cố vấn về khu vực Trung Đông cho 6 đời Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry không nên vội vã đốc thúc Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh, cho dù các nỗ lực trung gian thành công trong việc đưa Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán hòa bình đi nữa, thì cuộc đàm phán này cũng nhanh chóng thất bại một cách thảm hại, do khoảng cách về lập trường giữa các nhà lãnh đạo của hai bên quá lớn, đặc biệt là trong các vấn đề về đường biên giới và an ninh. Hơn nữa, hai bên còn chia rẽ trong các vấn đề về bản sắc, địa vị của Jerusalem và tương lai của người tị nạn Palestine. Nhà phân tích Miller cho rằng, việc cần làm bây giờ là ông Kerry nên thúc đẩy các cuộc thảo luận riêng rẽ và không ồn ào với các quan chức của hai bên tại Washington, để thảo luận cho ngấu những bất đồng tồn tại, thay vì vội vã tìm cách giải quyết những điểm khác biệt đó. Ngoài ra, theo ông Miller, trở lại Trung Đông lần này, Ngoại trưởng Mỹ cần có một chiến lược và lộ trình cụ thể cho tiến trình hòa bình. Nếu không, Ngoại trưởng Mỹ sẽ còn tốn nhiều chuyến công du con thoi mà kết quả sẽ chẳng đi đến đâu.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc