Bước đi cần thiết đầu tiên

07:01, 06/04/2013
|

Hiệp ước quốc tế đầu tiên điều chỉnh các hoạt động buôn bán vũ khí thông thường toàn cầu (ATT) cuối cùng cũng đã được thông qua tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 2/4 vừa qua. Tuy ATT bị một số nước chỉ trích là chưa toàn diện, song sự kiện này có thể coi là bước đi cần thiết đầu tiên đặt nền móng cho một thế giới an toàn hơn, nơi các hoạt động buôn bán vũ khí diễn ra trong khuôn khổ pháp luật và có kiểm soát.

ATT sẽ áp dụng cho tất cả các loại vũ khí phổ thông như súng trường, súng phóng lựu và các loại vụ khí hạng nhẹ khác, đồng thời áp dụng với cả các phương tiện chiến đấu bọc sắt, hệ thống tên lửa đường kính lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa và phương tiện phóng tên lửa… Hiệp ước buộc các quốc gia xem xét lại tất cả các hợp đồng mua bán vũ khí thông thường, nhằm bảo đảm số vũ khí này sẽ không bị sử dụng cho các mục đích lạm dụng nhân quyền, khủng bố, gây tội ác chiến tranh hay xâm phạm luật nhân đạo. Theo Cơ quan Về các vấn đề giải trừ vũ khí của LHQ, ATT sẽ không bao hàm các vấn đề như can thiệp vào giao dịch vũ khí nội địa, cấm các nước xuất khẩu bất kỳ loại vũ khí nào, gây tổn hại tới quyền tự vệ hợp pháp hoặc làm suy yếu các quy định về kiểm soát vũ khí của từng quốc gia.

Hiệp ước đã nhận được 154 phiếu ủng hộ của các nước thành viên LHQ, nhiều hơn 97 phiếu so với số lượng cần thiết để được thông qua, chấm dứt hơn một thập kỷ đàm phán hiệp ước này. Mỹ - quốc gia chiếm 40% lượng xuất khẩu vũ khí thông thường toàn cầu với lợi nhuận bình quân mỗi năm là 28 tỷ USD - bỏ phiến tán thành. Hai cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn khác trên thế giới là Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. ATT nhận 3 phiếu chống từ Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên, những nước hiện đang bị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí của LHQ. Cả 3 quốc gia trên cho rằng, Hiệp ước này không công bằng vì nó có lợi cho những nhà xuất khẩu vũ khí lớn như Mỹ, hơn là những nước có nhu cầu nhập khẩu vũ khí để tự vệ.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hoan nghênh kết quả này, cho rằng Hiệp ước sẽ đưa ra một hành lang pháp lý giúp kiểm soát tình trạng vũ khí lậu tại thị trường đen. Nhiều người hy vọng rằng, việc kiểm soát tốt hoạt động thương mại vũ khí sẽ giúp giảm thiểu số thương vong liên quan tới bạo lực do súng đạn gây ra, vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 750.000 người mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng đã bày tỏ sự hoài nghi về bản hiệp ước mới, vì cho rằng ngay cả khi đã được điều chỉnh thì hiệp ước chưa chắc đã phát huy hiệu quả như mong đợi.

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế, trong đó có Oxfam cho rằng, tình trạng mất kiểm soát đối với hoạt động buôn bán vũ khí thông thường là nguyên nhân làm gia tăng các cuộc xung đột và vi phạm nhân quyền ở nhiều nước. Điều này một phần là do xu hướng toàn cầu hóa ngày càng tăng của hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển vũ khí: các bộ phận cấu thành nên vũ khí thông thường có nguồn gốc xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới, được sản xuất và lắp ráp ở nhiều quốc gia khác nhau. Những quy định về hoạt động buôn bán vũ khí trong nước của các quốc gia chưa đủ để ngăn chặn hoạt động chuyển giao vũ khí, đạn dược xuyên quốc gia. Vì vậy, hiệp ước kiểm soát vũ khí thông thường cần phải là một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế. Hiệp ước cần thiết lập các tiêu chí để thẩm định các hợp đồng buôn bán, vận chuyển vũ khí quốc tế và xác định rõ những trường hợp cụ thể mà hoạt động chuyển giao vũ khí bị cấm.

ATT sẽ có hiệu lực trong vòng 90 ngày, sau khi được ít nhất 50 nước thành viên thông qua. Tuy nhiên, Đại sứ Australia tại LHQ Peter Woolcott cho rằng, sẽ phải mất một hoặc hai năm để có được 50 chữ ký cần thiết. Hơn nữa, việc thực thi hiệp ước này như thế nào lại lệ thuộc vào những quốc gia phê chuẩn nó, bởi ATT yêu cầu các nước tham gia hỗ trợ lẫn nhau trong việc điều tra và truy tố các hành vi vi phạm.

Tại thời điểm này, ATT mới chỉ như một tuyên bố về các nguyên tắc trong hoạt động buôn bán vũ khí, cần có một chiến dịch triển khai cụ thể để hiệp ước này mang lại những hiệu quả thực sự.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc