Đằng sau tín hiệu đèn xanh của Iran

18:37, 07/04/2013
|

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei dường như đang cảm thấy việc khước từ các đề xuất đàm phán trực tiếp với Mỹ là một lựa chọn sai lầm. Sự thay đổi đột ngột này xuất phát từ nhiều lý do, cả Mỹ lẫn Iran.

Cuối tháng 3 vừa qua, ông Khamenei tuyên bố, mặc dù không lạc quan nhưng ông không phản đối việc tiến hành đàm phán trực tiếp với Mỹ. Tuyên bố này được coi là sự thay đổi lớn trong chính sách của nhà lãnh đạo Iran về vấn đề này. Chỉ mới một tháng trước đó, ông Khamenei còn thẳng thừng phản đối lời đề nghị đàm phán trực tiếp của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và ví von: “Các người chĩa súng vào dân tộc Iran và nói “đàm phán hoặc bị bắn”. Nhưng các người nên biết rằng áp lực và đàm phán hoàn toàn không tương hợp”.

Vậy điều gì đã làm thay đổi lập trường của nhà lãnh đạo này chỉ trong chưa đầy một tháng? Nhân tố đầu tiên phải kể đến là tâm lý bất mãn trong nước về những hậu quả nặng nề của các biện pháp trừng phạt mà Iran đang phải gánh chịu. Bất mãn này có thể dẫn đến tình trạng bất ổn, điều mà Baztab, trang web chính luận nổi tiếng tại Iran gọi là “phong trào của những người đói khát”. Trong tình cảnh khó khăn đó, việc cự tuyệt mọi lời đàm phán với Mỹ có thể làm leo thang căng thẳng trong chính giới Iran, đồng thời có thể khiến người dân nước này đổ lỗi cho lãnh đạo về cuộc sống ngày càng khó khăn của họ.

Tuy nhiên, đây chưa phải nhân tố quyết định sự thay đổi lập trường đột ngột của ông Khamenei trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Một lý do thực tế hơn là các nhà lãnh đạo Iran không thể không chú ý đến những đề xuất đàm phán song phương được Mỹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thời gian qua. Ngày 18.3, Tổng thống Mỹ Obama đã gửi một thông điệp hàng năm rất đáng chú ý tới Iran. Không giống với bất kỳ thông điệp hay phát biểu nào trước đây của ông Obama, thông điệp này hoàn toàn không có những lời đe dọa, cũng không có bất kỳ cáo buộc nào đối với các nhà lãnh đạo Iran, điều mà trước đây người ta dễ dàng bắt gặp.

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran nhận ra rằng, nếu Tehran không có phản ứng gì trước lời đề nghị hòa giải lặp đi lặp lại của Mỹ, Washington có thể đổ lỗi cho họ về cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi, cũng như về lập trường đối đầu và không khoan nhượng của nước này. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể gây ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế nhằm gây áp lực lớn hơn lên Tehran, thậm chí có thể ủng hộ một hành động quân sự nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tính toán của ông Khamenei khi quyết định mở cửa cho các cuộc hòa đàm với Mỹ có thể dựa trên hai kịch bản. Kịch bản tốt là Mỹ đã đi kết luận, đàm phán có thể đưa đến một giải pháp giữ thể diện mà hai bên đều chấp nhận được. Vậy tại sao không có đàm phán một cơ hội? Tuy nhiên, ông Khamenei luôn cho rằng, người Mỹ muốn Iran tham gia các cuộc đàm phán nhằm tạo điều kiện cho Tehran nêu ra quan điểm của mình và ép buộc họ ngừng chương trình làm giàu uranium. Trong bài phát biểu mới đây, ông Khamenei nói: “Trong con mắt người Mỹ, đàm phán không có nghĩa là chúng ta ngồi lại với nhau và cố tìm một giải pháp hợp lý. Điều họ muốn là hai nước ngồi lại với nhau và thảo luận cho đến khi Iran chấp nhận quan điểm của họ”.

Có thể thấy kịch bản tốt không phải là điều mà ông Khamenei hy vọng. Vậy ông Khamenei đang toan tính điều gì? Với việc chấp nhận đàm phán song phương, ông có thể vô hiệu hóa những hậu quả xấu từ chiến thuật mới của Mỹ - liên tục tỏ vẻ sẵn sàng chìa tay với Iran. Ông cho rằng: “đề xuất đàm phán là một chiến thuật của Mỹ hòng lừa dối dư luận thế giới và dư luận Iran”.

Theo ông Khamenei, nếu Iran khăng khăng từ chối đàm phán, họ sẽ rơi vào bẫy của Mỹ. Nhưng việc họ tham gia các cuộc đàm phán song phương sẽ tiết lộ mục đích thực sự của Mỹ: không thực tâm đàm phán mà chỉ tìm cách đẩy quả bóng trách nhiệm sang chân Iran.

Trong khi đó, Mỹ có thể cho rằng, các lệnh trừng phạt đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Iran, buộc giới lãnh đạo của họ phải điều chỉnh lập trường. Do vậy, Mỹ có thể tự tin khi cho rằng họ sẽ đưa ra những nhượng bộ nhỏ để đổi lấy các lợi ích lớn. Sau khi ông Khamenei công khai lập trường mới của mình, người Mỹ có thể thấy không có lý do gì không tận dụng vị thế suy yếu của Iran.

Đàm phán trực tiếp giữa Iran và Mỹ không mang lại nhiều hy vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, đây là cơ hội để tránh cho thế giới phải chứng kiến một cuộc chiến tranh tàn khốc. Theo một số nguồn tin, Tổng thống Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý tiếp tục giải pháp ngoại giao cho tới khi Iran chính thức có nhà lãnh đạo mới sau ngày 24.6 tới. Điều này không có nghĩa là sau thời điểm đó chắc chắn sẽ có một cuộc tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, song có nhiều dấu hiệu cho thấy, sự kiên nhẫn của Mỹ đối với giải pháp ngoại giao có thể sẽ không kéo dài sang năm sau.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc