Bán đảo Triều Tiên nóng thật không?

10:22, 03/04/2013
|

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang chưa từng thấy với việc Triều Tiên lại phát đi những thông điệp hăm dọa mạnh mẽ, tiếp sau đó là những phản ứng kiên quyết khác thường của Mỹ và Hàn Quốc. Nếu căn cứ vào dư luận báo chí phương Tây những ngày này, người ta có cảm giác chiến tranh đang rất gần trên bán đảo Triều Tiên. Thực tế có phải vậy hay không?
 
Các chuyên gia Hàn Quốc ở Washington cũng cảm thấy mức độ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Họ cho rằng Triều Tiên có thể gây hấn bất cứ lúc nào, và thừa nhận rất khó để dự đoán bao giờ cuộc chiến tranh xảy ra. Nhà nghiên cứu cấp cao Bruce Klingner thuộc Quỹ Heritage nhận xét, rất khó để nhận ra mục đích thực sự của Triều Tiên trong các màn súng ống tung hỏa mù, nhưng những hành động gần đây khiến người ta có cảm giác sẽ có một cuộc tấn công nhằm vào quân đội Hàn Quốc.

Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là liệu nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong - un có biến những lời đe dọa tấn công quân sự thành hành động hay không. Nghị sĩ Mỹ Peter King, cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình “ABC News” ngày 31.3 lưu ý rằng, những tuyên bố của Triều Tiên có thể không phải lời “đe dọa suông”. Kim Jong - un đang cố gắng thể hiện bản thân là một con người cứng rắn, vì vậy không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể ra lệnh tấn công Hàn Quốc hoặc một căn cứ của Mỹ trên Thái Bình Dương để “giữ thể diện”. Những lời đe dọa của Triều Tiên có thể là yếu tố then chốt đẩy nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong - un đến thế không thể quay đầu.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhìn nhận Bình Nhưỡng sẽ không hiện thực hóa những lời đe dọa. Ông Alexandre Mansourov, một chuyên gia Mỹ về Triều Tiên nhận định, những tin tức mới nhất từ Bình Nhưỡng cho thấy giới lãnh đạo Triều Tiên đang bước lùi lại từ miệng vực, có vẻ như tiếng nói của lý trí cuối cùng cũng đã bắt đầu thắng thế trước những lo ngại mù quáng. Chứng minh cho nhận định này, ông Mansourov dẫn chứng việc phiên họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 31.3 (dưới sự chủ trì của Kim Jong - un) thay vì tiếp tục lớn tiếng de dọa, đã đề ra một đường lối chiến lược mới: “xây dựng kinh tế đi đôi với phát triển vũ khí hạt nhân”. Không có cuộc tấn công nào được đề cập trong phiên họp quan trọng này. Ông Mansourov cũng lưu ý việc bầu chọn cựu Thủ tướng Pak Pong - ju, nhân vật được xem là tương đối có đầu óc cải cách, làm ủy viên thường trực Bộ Chính trị, có thể là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục quan tâm đến việc cải cách kinh tế.

Xét ở khía cạnh khác, nếu phân tích nội dung tuyên bố phát đi từ Bình Nhưỡng ngày 31.3 cũng có thể phỏng đoán Triều Tiên sẽ không tấn công Mỹ và Hàn Quốc vào thời điểm này. Trên thực tế, nhà lãnh đạo Kim Jong - un tuyên bố rằng Triều Tiên đã “chuyển sang tình trạng thời chiến” chứ không phải là “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc như một số phương tiện truyền thông đưa tin. “Tuyên bố chiến tranh” của Triều Tiên là do lỗi dịch thuật của các cơ quan thông tấn phương Tây và phản ứng bình tĩnh của Seoul chính là bằng chứng cho thấy thực tế chiến tranh không được công bố. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: “Từ giờ phút này, Triều Tiên sẽ hành động theo quy tắc thời chiến”, trong khi đó báo chí Hàn Quốc và phương Tây lại chuyển thành: “Từ giờ phút này, quan hệ liên Triều được đặt trong tình trạng chiến tranh”. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un còn tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ tấn công đối phương trong trường hợp bị khiêu khích. Vậy, nếu Mỹ và Hàn Quốc không có bất cứ hành động khiêu khích nào, Triều Tiên cũng sẽ không gây chiến. Một chi tiết đáng chú ý nữa là Chủ tịch Kim Jong-un còn tuyên bố: “sẽ sử dụng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân để tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ”. Rõ ràng ở thời điểm hiện tại điều này là bất khả thi vì Triều Tiên chưa có tên lửa đủ tầm bắn đến các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, hay tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Họ chỉ mới thử nghiệm đầu nổ hạt nhân và sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể chế tạo tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Vì vậy, khả năng Triều Tiên chủ động gây chiến tranh là rất thấp. Những tuyên bố gay gắt cùng với những hành động quay lưng với hòa bình của Bình Nhưỡng có lẽ chỉ nhằm mục đích nắn gân Washington và chính phủ mới ở Hàn Quốëc, buộc Mỹ và các bên trong vòng đàm phán 6 bên phải nhân nhượng Triều Tiên. Ngoài ra, theo Giáo sư Larry Niksch thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), những lời lẽ hăm dọa gần đây của Bình Nhưỡng có thể còn nhằm mục đích đánh lạc hướng Mỹ khỏi mục tiêu trước mắt của Triều Tiên là phát triển một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa tầm trung Nodong.

Chuyện chiến tranh tuy không thể nói trước, nhưng khả năng lớn là Triều Tiên không dự tính một cuộc tấn công quân sự chống Hàn Quốc và Mỹ trong tương lai gần. Có chăng họ sẽ “chỉ” tiến hành một cuộc tấn công ở mức độ chiến thuật để đạt được các mục tiêu chứ không phải là liều mình vào một cuộc chiến tranh hạt nhân. Triều Tiên có thể gây hấn lẻ tẻ với Hàn Quốc, nhưng nếu đủ nghiêm trọng, Mỹ và Hàn Quốc chắc chắn sẽ đáp trả, và chiến tranh tất yếu sẽ xảy ra. Kết cục thế nào ai cũng đoán biết được.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc