Cộng hòa Síp: tìm điểm tựa kinh tế mới

15:54, 04/04/2013
|

CH Síp vừa thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc nhờ gói giải cứu 10 tỷ euro của châu âu. Tuy nhiên, tương lai của quốc gia Địa Trung Hải này vẫn rất mờ mịt bởi cái giá phải trả quá cao và mô hình kinh tế lấy tài chính làm trụ cột từ nay sẽ phải tìm cho mình một điểm tựa mới.

Là thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004, CH Síp tham gia Khu vực đồng euro (Eurozone) 4 năm sau đó. Với chưa đầy 900.000 dân, và 18 tỷ euro GDP - tức gần 1% GDP của Pháp - nhưng các ngân hàng CH Síp lại giữ đến hơn 70 tỷ euro tiền ký gửi. Họ cũng là chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp khi đã mua lại trái phiếu chính phủ do Athens phát hành và cũng chính các tập đoàn ngân hàng CH Síp đã ồ ạt đầu tư trên quê hương của Socrates. Khủng hoảng không hồi kết của Hy Lạp khiến các ngân hàng CH Síp ngồi trên một núi nợ xấu gần 3 năm qua. Năm 2011, Nicosia từng phải cầu cứu Moscow để vay 2,5 tỷ euro để thanh toán nợ đáo hạn. Chính phủ CH Síp không có khả năng cứu giúp ngành ngân hàng như Madrid đã làm, tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng Tây Ban Nha trong năm 2012...

Với thỏa thuận đạt được cuối tháng 3 vừa qua, van tiền mặt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mở ra cho các tập đoàn ngân hàng CH Síp, giúp ngành ngân hàng nước này thoát hiểm. Nicosia không bị khai trừ khỏi Eurozone. Để đổi lấy gói cứáu trợ 10 tỷ euro cho ngành ngân hàng, Nicosia đã phải chấp nhận một số điều kiện như: tư hữu hóa một số doanh nghiệp, tăng thuế đánh vào các cơ sở sản xuất, đánh thuế vào các chương mục ngân hàng trên 100.000 euro, cải tổ cơ cấu của tập đoàn Bank of CH Síp và giải thể Laiki Bank, là hai tập đoàn ngân hàng lớn nhất trong số 26 ngân hàng hoạt động ở CH Síp. Biện pháp đánh thuế vào các khoản tiền ủy thác ngân hàng đương nhiên dẫn tới hiện tượng vốn ồ ạt được rút khỏi CH Síp. Hậu quả trực tiếp là sẽ có từ 2.500 -  4.000 nhân viên của hai tập đoàn ngân hàng này bị mất việc.

Cuối tuần trước, Bộ Tài chính CH Síp cho biết là các khoản ký gửi tại Ngân hàng Síp có thể bị mất giá đến 60%. Một số ngân hàng như Laiki Bank sẽ phải đóng cửa và vốn của tập đoàn ngân hàng này sẽ bị phân tán: những sản phẩm tài chính được coi là lành mạnh sẽ được chuyển qua Ngân hàng Síp, số còn lại sẽ được chuyển tới một cơ quan tài chính do nhà nước quản lý. Cơ quan này sẽ mua lại các khoản nợ xấu của Laiki với giá thấp. Kế tiếp, Ngân hàng Síp cũng như các ngân hàng khác sẽ được đặt dưới sự giám sát của ECB - một bảo đảm tương đối vững chắc đối với các nhà đầu tư và những người ký gửi tiền. Bản thân Ngân hàng Síp cũng sẽ phải cải tổ lại đường lối hoạt động. Điều đó có nghĩa là trên nguyên tắc, ngành tài chính - ngân hàng của CH Síp sẽ từng bước được chấn chỉnh lại.

Một số chuyên gia tiền tệ lưu ý Nicosia có thể không tránh khỏi kịch bản vốn đầu tư sẽ ồ ạt rời khỏi hòn đảo này. Không ai dại gì tiếp tục gửi tiền ở CH Síp để bị đánh thuế. Hơn nữa cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy đảo quốc này không còn là một điểm an toàn để giới tư bản ủy thác tiền vào đó. Chính quyền Nicosia bắt buộc phải ngăn chặn việc này để tránh bị thất thoát các luồng vốn quan trọng đó. Nếu CH Síp bị cạn vốn, họ sẽ phải lệ thuộc vào ECB. Đây sẽ là một kịch bản vô cùng tai hại đối với nền kinh tế của đảo quốc này. Cần biết rằng, tổng số các tài khoản ký gửi tại các ngân hàng CH Síp cao gấp khoảng 8 lần GDP đảo quốc này, và 40% trong số đó là các khoản tiền của các nhà tư bản ngoại quốc ký gửi. Khoảng 20.000 người làm việc trong ngành tài chính - tương đương với 5% dân số trong tuổi lao động tại CH Síp sống nhờ lĩnh vực kinh tế này - và ngành tài chính ngân hàng đem lại 30% GDP cho CH Síp.

Những gì đang diễn ra tại CH Síp về thực chất không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế khu vực eurozone. Nhưng đối với riêng nền kinh tế CH Síp, có thể nói quốc đảo này đang trải qua một cuộc cách mạng: với quyết định kiểm soát các luồng tư bản, Nicosia như thể đang tự chặt cánh tay mặt của mình. Kinh tế CH Síp chủ yếu phát triển nhờ các dịch vụ tài chính, ngân hàng (tương tự như trường hợp Luxembourg), vì thế khi đánh thuế vào các khoản tài chính ký gửi ở ngân hàng, CH Síp đương nhiên mất đi lợi thế về tài chính. Mô hình kinh tế CH Síp lấy tài chính làm trụ cột từ nay sẽ phải tìm cho mình một điểm tựa mới. Điều đó cũng có nghĩa là trong thời gian tới, kinh tế CH Síp sẽ còn tiếp tục đi xuống, và CH Síp có thể là sẽ bị suy thoái còn nghiêm trọng hơn cả so với Hy Lạp.

CH Síp không dễ thay đổi mô hình kinh tế trong một sớm một chiều, nhưng quốc đảo này hiện đang làm chủ nguồn dự trữ khí đốt dồi dào. Vấn đề đặt ra là CH Síp phải thuyết phục được các nhà đầu tư đổ vốn để khai thác tài nguyên này. Về lâu dài để tránh nguy cơ bị “chìm”, CH Síp có thể bấu víu vào hai chiếc “phao cứu sinh” chiến lược là nguồn tài nguyên khí đốt và nỗ lực tái thống nhất hòn đảo này. Nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt có thể sẽ giúp vực dậy nền kinh tế quốc đảo này. Trong khi đó, nỗ lực tái thống nhất đảo CH Síp cũng được coi là nhân tố quan trọng, góp phần đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng. Theo tính toán của giới phân tích, một đảo CH Síp thống nhất có thể góp thêm 3% vào nhịp độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc