Ý đồ chính trị núp bóng tôn giáo?

17:30, 02/04/2013
|

Mâu thuẫn dẫn tới xung đột vũ trang giữa cộng đồng người Hồi giáo và Phật giáo ở Myanmar thời gian gần đây khiến dư luận quốc tế không khỏi quan ngại. Giới quan sát cho rằng điều này có thể gây bất ổn trên diện rộng, đe dọa làm chậm tiến trình cải cách tại quốc gia này.

Xung đột giáo phái ở Myanmar bùng phát trung tuần tháng 3 giữa những người theo đạo Phật và những người Hồi giáo thiểu số ở thành phố miền Trung Meikhtila. Làn sóng bạo lực đã lan rộng nhanh chóng sang các khu vực lân cận. Theo số liệu của cảnh sát Myanmar, đã có ít nhất 42 người thiệt mạng, 93 người bị thương, khoảng 12.000 người phải sơ tán do bạo lực và 37 kiến trúc tôn giáo cùng hơn 1.355 ngôi nhà đã bị phá hủy trong các vụ bạo lực tuần qua. Đây là vụ xung đột tôn giáo tồi tệ nhất tại Myanmar trong một năm trở lại đây. Năm ngoái, các vụ bạo lực tôn giáo giữa người theo đạo Phật (chiếm đa số) và đạo Hồi (chiếm khoảng 4% dân số) ở bang Rakhine, miền tây Myanmar khiến 180 người thiệt mạng. Bạo động đã lan sang 15 thị trấn, làm hơn 11.000 người rơi vào cảnh vô gia cư. Tình trạng giới nghiêm đã được ban bố tại 15 thị trấn.

Trước những diễn biến căng thẳng này, chính quyền của Tổng thống U Thein Sein đã thành lập “Ủy ban Trung ương Điều hành giai đoạn khẩn cấp” gồm 10 thành viên để đối phó. Ủy ban trên do Bộ trưởng Nội vụ, Thiếu tướng Ko Ko đứng đầu, có nhiệm vụ bảo đảm hợp tác hiệu quả giữa lực lượng an ninh và chính quyền địa phương trong việc đối phó với bạo động, ngăn chặn tình trạng bạo động giáo phái và tôn giáo, đồng thời đưa những kẻ chủ mưu ra ánh sáng. Tổng thống U Thein Sein cho rằng “những kẻ chủ mưu” đang cố tình kích động gây rối an ninh - chính trị tại quốc gia này “sẽ không được tha thứ”. Ông nêu rõ trong trường hợp cần thiết, Chính phủ Myanmar sẽ dùng vũ lực để bảo vệ sinh mạng người dân và các tài sản quốc gia, dập tắt các vụ bạo loạn ảnh hưởng tới một số thị trấn hiện nay. Ông đồng thời nhấn mạnh, người dân Myanmar, dù theo các tôn giáo khác nhau, nhưng cần cùng nhau tồn tại trong hòa bình, đi chung con đường hướng tới một xã hội mới dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nhằm giải quyết các thách thức mà đất nước đang phải đối mặt trong quá trình cải cách.

Căn cứ vào phương thức tổ chức bạo loạn rất có hệ thống, có thể thấy đây không phải bạo loạn tự phát mà là được lên chương trình hành động cụ thể và tiến hành một cách bài bản. Theo ông Jim Della-Giacoma, chuyên gia về Myanmar thuộc Nhóm Khủng hoảng quốc tế, một số đối tượng có tư tưởng cực đoan chống người Hồi giáo đã kích động bạo lực, xung đột giáo phái tại các địa phương. Tán đồng quan điểm này, nhiều nhà hoạt động xã hội tại Myanmar đã hối thúc các lãnh tụ tinh thần hợp tác chính phủ có hành động kiên quyết để khoanh vùng và tiến tới dập tắt các vụ bạo loạn không cần thiết, đang phủ bóng đen lên tiến trình cải cách chính trị và kinh tế - xã hội của đất nước. Thet Swe Win, một nhà hoạt động đồng tổ chức sự kiện hòa bình “Cầu nguyện cho Myanmar” nêu rõ, người dân thuộc mọi tầng lớp, không phân biệt tín ngưỡng, cần đoàn kết để nói không với bạo lực, và ủng hộ các nỗ lực của chính quyền địa phương nhanh chóng ổn định, lập lại trật tự trị an.

Cũng có ý kiến cho rằng, xung đột tôn giáo tại Myanmar đang phản ánh rõ nét sự chia rẽ sâu sắc ngay trong nội bộ chính quyền mới. Trong quá khứ, các vụ bạo động giữa cộng đồng người theo đạo Tin lành và cộng đồng Hồi giáo tại Moluques, Indonesia hồi năm 2000 không có chút gì liên quan đến tôn giáo. Đó là do một bộ phận trong quân đội Indonesia không muốn mất các đặc quyền trong thời kỳ chuyển giao dân chủ, thời hậu Suharto.

Kể từ khi nhậm chức hồi năm ngoái, Tổng thống Thein Sein đã nhanh chóng xúc tiến cải cách chính trị - kinh tế, chuyển đổi chế độ chính trị, thu hẹp đáng kể quyền hạn của giới quân sự. Thực tế này đã đụng chạm tới quyền lợi của giới chức quân sự và sự bất mãn ngấm ngầm là khó tránh khỏi. Đất nước Đông Nam Á này đã khiến thế giới kinh ngạc khi trong vòng 2 năm qua tiến hành mở cửa chính trị và kinh tế sau 5 thập kỷ nằm dưới quyền cai trị của quân đội. Vậy nên không thể nhìn nhận đơn giản về các cuộc xung đột giáo phái tại Myanmar hiện nay và thực tế này đòi hỏi những giải pháp linh hoạt và dài hơi từ phía chính quyền.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc