Syria: Phe đối lập trước nguy cơ tan rã

22:07, 02/04/2013
|

Phe đối lập Syria đang lâm vào tình trạng rối ren chưa từng có sau khi chủ tịch nhóm đối lập chính đang sống lưu vong tuyên bố từ chức và phe nổi dậy trong nước thì bác bỏ việc bổ nhiệm thủ tướng lâm thời.

Ông Mouaz al-Khatib, người đứng đầu Liên minh Quốc gia Syria thông báo từ chức trên trang Facebook của ông ngày 25/3. Ông than phiền rằng cộng đồng quốc tế đã không hành động đủ để giúp nhân dân Syria tự vệ với các lực lượng của quân đội chính phủ. Trong một tuyên bố, ông Khatib cho biết vẫn giữ lời hứa sẽ từ chức nếu các thành viên trong liên minh bước qua những "lằn ranh không thể vượt qua". Ông không nói rõ lằn ranh đó là gì.

Bình luận về quyết định từ chức của Khatib, giới quan sát cho rằng, phe đối lập ở Syria "chưa hợp đã tan" do mâu thuẫn gay gắt về lợi ích và quan điểm giữa những người theo đường lối tự do với các nhóm "chân rết" của Phong trào Anh em Hồi giáo. Động thái mới nhất trong hàng loạt dấu hiệu về tình trạng rạn nứt và chia rẽ này sẽ đẩy phe đối lập Syria lâm vào cảnh hỗn loạn, đồng thời giáng một đòn mạnh vào chính sách của phương Tây.

Tuần trước, 9 thành viên cao cấp của Liên minh Quốc gia các lực lượng đối lập và cách mạng Syria từ chức. Gần đây, Quân đội Syria Tự do (FSA) lên tiếng bác bỏ việc đề cử ông Ghassan Hitto - ứng cử viên của Phong trào Anh em Hồi giáo, vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ lâm thời được lập ra để quản lý những khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Một số ý kiến chỉ trích Phong trào Anh em Hồi giáo âm mưu đưa người của mình vào cơ cấu lãnh đạo chuyển tiếp nhằm toan tính những nước cờ về lâu dài.

Louay Almokdad, phát ngôn viên của FSA, tuyên bố: FSA  không thừa nhận ông Hitto là thủ tướng vì Hitto không được bầu lên một cách hợp lệ và không có sự đồng thuận về tư cách ứng viên của ông. Các thành viên khác của nhóm nổi dậy còn nói thêm rằng, họ không cần thủ tướng vì họ đã quản trị các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của họ rất tốt. Louay al-Mokdad đưa ra kết luận: không thể thông qua nhân sự thủ tướng khi mà không hội đủ sự ủng hộ của tất cả các thành viên liên minh.

Sau những động thái khá chóng vánh và vượt khỏi tầm kiểm soát, nhà lãnh đạo Khatib khăng khăng thoái lui, mặc dù ông được vận động ở lại tiếp tục dẫn dắt phe đối lập. Thực tế cho thấy ông Khatib - một giáo sĩ ôn hòa - đã bị gạt ra rìa kể từ khi ông đề xuất tiến hành đối thoại với chính phủ của Tổng thống Assad. Ông Khatib trước đó đã phản đối việc liên minh chọn ông Ghassan Hitto làm Thủ tướng lâm thời.

Theo báo The Independent  (Anh), liên minh đối lập ở Syria ngày càng mất đi tính hợp pháp để có thể đứng ra lập chính phủ lâm thời, từ đó thúc đẩy tiến trình lật đổ ông Assad. Xung đột về lợi ích ngay từ khi chưa thể lật đổ ông Assad và giành được quyền kiểm soát toàn lãnh thổ, liên minh đối lập ở Syria đang đối mặt với nguy cơ tan rã. Nếu điều này xảy ra, quốc gia Trung Đông vốn đang chìm trong nội chiến này sẽ không thể tìm được bất cứ lối thoát khả dĩ nào nhằm chấm dứt bạo lực và đổ máu. Ngay sau khi ông Khatib tuyên bố từ chức, liên minh ra thông cáo bác bỏ với lý do "chưa được đại hội đồng thông qua".

 Báo The Guardian (Anh) cho rằng, lực lượng nổi dậy cũng như phe đối lập ở Syria sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn, mạnh ai nấy đi, không có tổ chức và không được thống nhất về lãnh đạo. Đúng như cáo buộc của ông Khatib - người được phương Tây hậu thuẫn - một số nhóm đang tìm cách gây dựng ảnh hưởng trong toàn bộ liên minh đối lập để tính kế lâu dài một khi ông Assad bị lật đổ và thiết lập thể chế mới. Đó cũng chính là lý do khiến ông này quyết định đứng ngoài bất cứ khuôn khổ chính trị nào.

Ngay sau khi được đề cử làm Thủ tướng lâm thời, ông Hitto bỗng dưng "trở giáo", phủ nhận hoàn toàn ý tưởng của ông Khatib trong nỗ lực đối thoại với Tổng thống Assad để chấm dứt nội chiến. Quyết định của ông Hitto - một chuyên gia IT từng sống ở Mỹ 30 năm và chỉ mới gia nhập liên minh năm 2012 - đã nhận được sự ủng hộ của phe chủ chiến trong liên minh đối lập, nhưng vẫn không đủ để nhân vật này vượt qua nhiều "cửa ải" khó khăn.

Mỹ nhanh chóng trấn an dư luận về sự ra đi của ông Khatib. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, ông rất tiếc khi nghe tin ông Khatib từ chức. Song, trong những nhận định đưa ra tại Baghdad hôm 24/3, ông Kerry nói rằng phe đối lập Syria "lớn hơn một cá nhân" và giới lãnh đạo thay đổi trong thực thể đó là điều "hầu như không tránh khỏi". Ngoại trưởng Mỹ cho biết, đã cùng làm việc chặt chẽ với ông Hitto trong việc gửi viện trợ cho Syria và tin tưởng ở khả năng của ông.

Tuy nhiên, chính ông Khatib cũng phải thừa nhận là vai trò của phương Tây quá mờ nhạt, khiến cuộc nội chiến ở Syria vẫn kéo dài bởi quân nổi dậy chưa đủ sức bước vào cuộc đọ sức cuối cùng với Tổng thống Assad. Tuyên bố từ chức được đưa ra ngay sau khi ông Khatib có cuộc họp với đại diện Liên minh châu Âu (EU), mà theo ông, "chẳng đạt được bất cứ điều gì". Báo Telegraph bình luận rằng, ông Khatib đã tranh thủ thời điểm tuyên bố từ chức để lên tiếng chỉ trích thái độ cũng như chính sách của phương Tây đối với Syria trong suốt 2 năm qua.

Theo nhận định của giới quan sát, tính chất phức tạp trong liên minh đa thành phần của phe đối lập ở Syria khiến phương Tây khó có thể thống nhất về sách lược. Một số tổ chức thành viên nhận được sự hậu thuẫn, ngược lại, sự tồn tại của một số khác thì bị đem ra mặc cả như là điều kiện để đổi lấy viện trợ. Bản thân ông Khatib cũng cảm thấy thất vọng với cách tiếp cận khá thực dụng này của phương Tây. Hiện Mỹ và đồng minh châu Âu vẫn chỉ giới hạn sự trợ giúp phe đối lập Syria ở các trang thiết bị phi sát thương.

Trong bản báo cáo về cán cân quân sự năm 2013 vừa công bố hồi trung tuần tháng 3, Viện Quốc tế về Nghiên cứu chiến lược (IISS) cho rằng, quân chính phủ của Tổng thống Assad đang suy yếu nhanh chóng với số lượng hiện chỉ còn khoảng 50.000. Theo viện này, lợi thế nghiêng về phía lực lượng nổi dậy và phe đối lập, vì thế cần phải sớm có quyết định rõ ràng để giải quyết nhanh chóng vấn đề Syria. Tuy nhiên, "chưa hợp đã tan", liên minh đối lập ở Syria sớm bộc lộ những mâu thuẫn đối kháng khó có thể tìm được sự thỏa hiệp để thống nhất về tổ chức và lãnh đạo. Nguy cơ tan rã của phe đối lập khiến cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này ngày càng lâm vào bế tắc.

Trước tình trạng rối như canh hẹ của phe đối lập ở Syria, các nhà ngoại giao trong khối Arập, hôm 24/3 nói rằng Liên đoàn Arập đã mời ông Khatib và ông Hitto đại diện cho Syria tại cuộc họp thượng đỉnh kéo dài trong 2 ngày ở thủ đô Doha của Qatar, khai mạc vào ngày 26/3. Hiện chưa rõ nhân vật đối lập nào của Syria tham dự hội nghị. Trả lời AFP, một giới chức cao cấp của Liên đoàn Arập ẩn danh tuyên bố: Tổ chức này chính thức trao ghế thành viên cho phe đối lập Syria. Liên đoàn Arập đã đình chỉ tư cách thành viên trong khối của chính phủ ông Assad từ năm 2011, và phần lớn thành viên yêu cầu tước bỏ tư cách thành viên của ông.

Trong khi đó, Tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria ở Anh cho biết trong cuộc giao tranh mới nhất ở Syria, phe nổi dậy đã chiếm được dải đất dài 25km gần biên giới phía nam Syria, giáp ranh với Jordan và cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Việc phe nổi dậy chiếm nhiều trạm kiểm soát của quân đội trong khu vực chiến lược trong mấy ngày gần đây, đã làm suy yếu thêm quyền kiểm soát của ông Assad.

Phía Israel cho biết, lực lượng của họ ở Golan đã bắn trả lại một địa điểm ở Syria hôm 24/3. Hiện chưa rõ, binh sĩ Syria hay nhóm nổi dậy đã gây ra sự phản công từ phía Israel. Binh sĩ Israel đã bị tấn công nhiều lần từ trong lãnh thổ của Syria trong những tuần lễ gần đây, khiến Israel phải lên tiếng cảnh báo rằng họ sẽ truy nguyên trách nhiệm đối với Chính phủ Syria về bất cứ sự vi phạm nào đối với thỏa thuận ngưng bắn từ nhiều thập niên nay giữa 2 nước vốn xem nhau như cựu thù.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc