Những thảm án từ mạng xã hội, web làm quen

16:53, 28/10/2014
|

(VnMedia)- Rất nhiều vụ thảm án xuất hiện từ sự ám ảnh của trò chơi trực tuyến, phim ảnh có yếu tố bạo lực, sự nở rộ nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các luồng thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội, các trang web làm quen, kết bạn...

>> Đớn đau thiếu nữ bị bạn quen trên mạng hãm hiếp
>> Nữ sinh giết "người tình" đối mặt án tử hình
>> Nữ sinh lớp 12 đâm chết "người tình" cán bộ huyện

Giá đắt cho những lời mời quen biết

Ngày 15/10, Cơ quan CSĐT- Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội đơn vị đã thực hiện lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam đối với Phạm Ngọc Hoàng (SN 1999, trú tại Cầu Bươu, H. Thanh Trì, Hà Nội) về tội hiếp dâm trẻ em.

Trước đó, ngày 23/9 Công an phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm nhận được đơn của chị N. (ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tố cáo đối tượng Nguyễn Thượng Hoàng đã có hành vi hiếp dâm đối với con gái mình là cháu A. vào rạng sáng ngày 23/9.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Theo nội dung đơn tố cáo, khoảng 23h ngày 22/9, cháu A. cùng cháu T. (SN 2000) đang ngồi chơi điện tử tại một quán game trên khu vực phố cổ thì được Hoàng mời về nhà chơi qua nhắn tin trên facebook.

Nhận lời mời, A. và T. đã bắt xe ôm đi xuống nhà Hoàng chơi (có địa chỉ ở Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sau khi đến nhà, Hoàng nói chuyện và chơi cùng 2 bạn dưới tầng 1. Đến 2h30 ngày 23/9 thì A. lên tầng 2 đi ngủ còn T. tiếp tục chơi game dưới tầng 1. Khoảng 3h thì Hoàng đã lên phòng A đang ngủ để thực hiện hành vi đồi bại. Trong lúc bị xâm hại A. có kêu “Mẹ ơi! Cứu con với” nhưng không có ai phát hiện ra.

Sự việc diễn ra trong khoảng hơn 10 phút. Sau đó, A và T tiếp tục chơi ở nhà Hoàng chơi. Đến khoảng 21h ngày 23/9, mẹ A. mới biết được nơi con gái mình ở và biết được sự việc.

Được biết, cháu A. và Hoàng đã có quen nhau được hơn 1 tuần qua trang mạng xã hội facebook. Đây cũng là đầu tiên, A. qua nhà Hoàng chơi.

Trước đó, ngày 11/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố 2 tội danh giết người và cướp tài sản đối với bị can Phùng Thị Thanh (SN 19.9.1996), học sinh lớp 12A1, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

 Ảnh minh họa

 Ngày 11/10, bị cảnh sát đưa về hiện trường, Thanh thực nghiệm lại tội ác gây ra với anh Đăng. Ảnh: Công an nhân dân.


Theo cơ quan điều tra, Phùng Thị Thanh là hung thủ chính gây ra cái chết của anh Lê Hải Đăng (26 tuổi, trú tại xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, cán bộ hợp đồng của Phòng Tài chính kế hoạch huyện Vĩnh Tường) gây xôn xao dư luận địa phương.

Tại cơ quan điều tra, Thanh khai, vào 7/2014, qua mạng xã hội facebook, đối tượng làm quen với anh Đăng. Trong quá trình nói chuyện hai người tâm đầu ý hợp, hò hẹn nhau tại nhà nghỉ. Nhiều lần “chung chăn gối” nên lúc mặn nồng, anh Đăng tâm sự nhà mình rất giàu có và hứa hẹn khi Thanh học xong cấp 3 sẽ xin việc làm ổn định, đồng thời cho cô gái nhiều tiền và những món quà có giá trị. Tuy nhiên, “lời nói gió bay”, nhiều lần gặp nhau trong nhà nghỉ mà vẫn mãi không thấy Đăng thực hiện lời hứa, Thanh bực tức và nảy sinh ý định trả thù bạn tình.

Đại tá Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hoàn cảnh đối tượng khá éo le. Vì bố mẹ li dị nên Thanh ở với bố và em trai út, còn cô em gái thứ hai ở với mẹ. Nhà không có điều kiện nhưng Thanh sớm đua đòi ăn chơi; vốn ưa nhìn lại thiếu sự quản lí của gia đình nên Thanh sớm bập vào yêu, nhiều lần trốn học đi chơi với bạn trai. Vì thế trong sổ học bạ ở trường, Phùng Thị Thanh là học sinh cá biệt. Theo cơ quan điều tra, sau khi gây án xong, Thanh còn đi vào nhà nghỉ với người yêu hiện tại. Đến thời điểm này, Thanh vẫn ngây ngô cho rằng với những gì đã gây ra, chỉ bị đi tù từ 2 đến 3 năm. 

Phản ứng ngược từ thông tin tràn lan trên mạng

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an, trong thời gian gần đây, các vụ án giết người và cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, các vụ án có liên quan đến quan hệ nhân thân thường có nguyên nhân từ các mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày kéo dài như bất đồng quan điểm sống, tranh chấp làm ăn, tranh chấp đất đai, ghen tuông tình ái, thù tức cá nhân do những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, cả hai cùng cố chấp, không có sự hoà giải nên không nhận thức được sai trái. Đáng báo động là những vụ án giết người có nguyên nhân từ các bất đồng tức thời, xảy ra khó dự đoán và phòng ngừa lại chủ yếu do đối tượng ở độ tuổi từ 16 đến dưới 30, là nhóm đối tượng có khả năng kiềm chế kém, xuất phát từ điều kiện sống, điều kiện giáo dục dẫn tới định hướng hành vi kém, khi gặp tình huống mâu thuẫn dễ xảy ra hành vi phạm tội.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đề án IV - Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, từ năm 2007 - 6/2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Số vụ phạm pháp tăng gần 4.300 vụ, bằng 6,72% so với 6,5% của năm trước đó. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%.

Tội phạm do người chưa thành niên gây ra chủ yếu là các tội: Trộm cắp tài sản (21.812 vụ/33.010 đối tượng, chiếm 34,30%); Cố ý gây thương tích (5.692 vụ/9.588 đối tượng, chiếm 8,95%); Gây rối trật tự nơi công cộng (4.870 vụ/8.768 đối tượng, chiếm 7,65%); Cướp giật tài sản (3,76%); Cướp tài sản (1,43%); Đánh bạc; Hiếp dâm, cưỡng dâm; Cưỡng đoạt tài sản; Giết người và một số tội danh khác.

Hầu hết người chưa thành niên phạm tội đều là nam giới, chiếm đến 96,87% tổng số người vi phạm. Độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó dưới 14 tuổi chiếm 13%; từ 14 - 16 tuổi chiếm 34,7%, từ 16 - 18 tuổi chiếm 52%. Điều đặc biệt, gần một nửa số đối tượng phạm tội đều đã bỏ học (chiếm 45%), có học lực yếu, kém (chiếm 60,7%).

Bên cạnh đó, số liệu thống kê còn cho thấy, 70% đối tượng người chưa thành niên phạm tội sống tại thành phố, thị xã, thị trấn; 24% sống ở nông thôn. Có tới 34,4% các em sống trong hoàn cảnh thiếu hẳn sự chăm sóc của bố mẹ đẻ, trong đó có 4,8% sống với ông bà; 2,4% sống với anh chị; 14,5% sống lang thang; có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực thiếu sự quan tâm đến trẻ em, sự giáo dục chưa phù hợp, để các em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức.

Cũng theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an, thời gian qua, qua đánh giá còn cho thấy sự tác động mạnh mẽ của trò chơi trực tuyến, phim ảnh có yếu tố bạo lực, thêm vào đó, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mà mạnh mẽ nhất là internet với sự nở rộ nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các luồng thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội, các trang web làm quen, kết bạn... Các thông tin mang tính bạo lực, giật gân liên tục xuất hiện trên các trang báo mạng, các video bạo lực, đặc biệt là những vụ án xâm phạm tính mạng, sức khoẻ được các báo mạng khai thác, mô tả chi tiết và có sức truyền bá nhanh chóng gây ra một sự lan truyền tiêu cực, phản ứng ngược đối với dư luận đặc biệt là người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, đánh giá từ cơ quan chức năng cho thấy, ý thức chấp hành tôn trọng pháp luật của người dân, đặc biệt trong bộ phận thanh thiếu niên hiện nay rất yếu.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc