2 vụ công an đánh chết nghi phạm: Tội khác nhau?

14:11, 27/10/2014
|

(VnMedia) - Gần đây, xảy ra hai vụ cán bộ công an dùng nhục hình đánh chết nghi phạm. Tuy nhiên, cùng một hành vi đánh chết người nhưng lại có sự đánh giá khác nhau về tội danh, điều này khiến dư luận vô cùng băn khoăn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xác định tội danh khác nhau

Ngày 23/10 vừa qua, Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao tống đạt kết luận điều tra 5 bị can trong vụ án "Dùng nhục hình" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công an thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.

Theo bản Kết luận điều tra số 17 ký ngày 23/10 vừa qua, Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao, việc bắt Ngô Thanh Kiều tại nhà riêng để dẫn giải về trụ sở công an xã sau đó đưa về trụ sở công an thành phố Tuy Hòa để giữ và làm việc về nội dung liên quan đến một số vụ trộm cắp tài sản mà không có lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của một số cán bộ công an là có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật.

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao xét thấy, thời điểm bắt và áp giải Ngô Thanh Kiều đã có cơ sở xác định đối tượng này là người tham gia trộm cắp cùng Trần Minh Cường và Ngô Thanh Sơn vào đêm 11 rạng sáng 12/5/2012. Sau khi bị phát hiện, truy đuổi, Kiều đã bỏ trốn.

Các đối tượng trong vụ trộm cắp tài sản này đã khai nhận tội cùng Kiều trộm cắp nhiều lần. Bản thân Ngô Thanh Kiều là người đã từng có nhiều tiền án tiền sự, đang trong diện sưu tra của công an huyện Tây Hòa.

Kết quả điều tra sau đó đã có đủ căn cứ để xác định Kiều là đồng phạm với Trần Minh Cường, Ngô Thanh Sơn trong nhiều vụ trộm cắp tài sản với giá trị đặc biệt lớn. Từ đó, Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao cho rằng, việc các cán bộ chiến sĩ và nhân viên công an bắt giải Kiều về trụ sở cơ quan công an làm việc là cần thiết và có căn cứ.

Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao cũng cho rằng, lẽ ra Công an thành phố Tuy Hòa cần ra quyết định bắt khẩn cấp và ra Quyết định tạm giữ đối với Ngô Thanh Kiều để điều tra, nhưng lại để cán bộ chiến sĩ bắt chứ không có lệnh và Quyết định. Việc bắt giữ nêu trên thiếu các thủ tục về tố tụng nên chỉ vi phạm về mặt hình thức, do vậy không cần đề cập về mặt xử lý hình sự.

Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao xác định, quá trình bắt giữ, dẫn giải Ngô Thanh Kiều từ nhà đến công an xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa cho đến khi đến Công an thành phố Tuy Hòa, sức khỏe của Kiều vẫn bình thường, không bị ai đánh đập trước khi làm việc với cán bộ Công an thành phố Tuy Hòa tại trụ sở của công an thành phố.

Từ đó, Cơ quan điều tra - Viện KSND tối cao đề nghi truy tố 5 bị can Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Minh Quyền, Đỗ Như Huy, Nguyễn Tuấn Quang và Nguyễn Thân Thảo Thành (có hành vi dùng gậy cao su đánh Ngô Thanh Kiều khiến Kiều bị tử vong) về tội "Dùng nhục hình" theo quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự.

Cũng thời gian trước đó, ngày 17/9, TAND Thành phố Hà Nội đã mở phiên toà xét xử  4 bị cáo nguyên là công an viên xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) về hành vi giết người.

Theo cáo trạng truy tố, khoảng 12h30 ngày 30/8/2012, Ban Công an xã Kim Nỗ tiếp nhận đơn trình báo của ông Nguyễn Mậu Phú về việc vợ ông là bà Đoàn Thị Bút bị ông Nguyễn Mậu Thuận dùng gạch đánh gây thương tích phải đi cấp cứu. Ngay sau đó, Trưởng Công an xã Kim Nỗ Nguyễn Đức Vọng cử ông Hoàng Ngọc Tuyên (Phó Công an xã) xuống địa bàn giải quyết. Ông Tuyên sau đó chỉ đạo hai công an viên là Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức đến nhà riêng mời ông Thuận về trụ sở công an xã làm việc.

Tại trụ sở, ông Thuận đã chửi Trưởng Công an xã nên bị còng tay vào ghế. Trong lúc lấy lời khai, Tuyên tát vào mặt nạn nhân, còn công an viên Nguyễn Trọng Kiên dùng dùi cui vụt ông Thuận nhiều nhát. Ông Thuận không khai nhận và bị đánh đau nên đạp đổ ghế. Tuyến và Thức tức tối còng cả tay và chân nạn nhân.

Đến 16h cùng ngày, ông Thuận sức khoẻ yếu, tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, trên thi thể nạn nhân có nhiều vết thương, bầm tím mu bàn tay, cổ tay, hai đùi, tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh, gãy ba xương sườn. Cơ quan giám định xác định, vết thương do tác động mạnh, nhiều lần của vật tày. Nguyên nhân tử vong do suy hô hấp, đa chấn thương.

Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên 17 năm tù giam, Nguyễn Trọng Kiên 16 năm tù giam, Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức mỗi bị cáo nhận mức án 8 năm tù giam.

Mọi hành vi tước đoạt quyền sống đều trái pháp luật

Từ hai vụ án xảy ra ở trên khiến dư luận rất băn khoăn là tại sao cùng một hành vi đánh chết nghi phạm của những cán bộ công an đang thi hành nhiệm vụ mà có sự đánh giá khác nhau về mặt tội danh?
 
Trao đổi với VnMedia về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”

Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm hại đến 2 khách thể của BLHS điều chỉnh đó là Xâm phạm đến tính mạng người khác và Xâm phạm đến hoạt động tư pháp.

Về nguyên tắc, khi các cơ quan tố tụng định tội danh cho bị can thì phải xác định khách thể xâm hại cao nhất. Cụ thể trong vụ án này phải là tính mạng con người. Các cơ quan tố tụng của Thành phố Hà Nội đã xác định khách thể bị xâm hại cao nhất là tính mạng con người để làm căn cứ  khởi tố 4 đối tượng là cán bộ Công an xã Kim Nỗ về tội Giết người là đúng bản chất hành vi phạm tội và theo đúng với lý luận tội phạm.

Theo đó, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử 4 bị cáo về tội Giết người, tội danh và hình phạt được qui định tại điểm n, khoản 1, Điều 93 BLHS là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Bởi lẽ hành vi của các Bị cáo, dù là người đang thi hành nhiệm vụ nhưng đã coi thường tính mạng người khác, dùng nhục hình gây gây ra cái chết cho ông Nguyễn Mậu Thuận thì phải chịu trách nhiệm về tội Giết người.

Trong vụ án xảy ra ở Tuy Hòa, cơ quan tố tụng ở đây đã làm ngược lại với các cơ quan tố tụng của TP Hà Nội. Nghĩa là, các cơ quan tố tụng đã xác định khách thể xâm hại nhỏ nhất trước tiên đó là Tội dùng nhục hình (xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp).

Dù cho 5 bị cáo là Công an, là chủ thể đặc biệt (người thi hành công vụ) nhưng sử dụng công cụ, phương tiện trái pháp luật đánh đập nạn nhân và coi thường tính mạng của người khác dẫn đến hậu quả gây thương tích trên 11% hoặc chết người thì phải chịu trách nhiệm tương ứng với hậu quả gây ra mà không cần thiết phải xem xét đến đối tượng là chủ thể để xử lý.

Nếu thương tích trên 11%  thì bị xử lý theo tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” hoặc nếu gây hậu quả chết người thì bị xử lý tương ứng về tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS.

Về tội dùng nhục hình được áp dụng khi hậu quả về sức khỏe cho nạn nhân dưới 11% và gây tác động trực tiếp đến uy tín cũng như việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc