Sữa "xách tay” tiềm ẩn những nguy hiểm cho sức khỏe

11:32, 07/04/2013
|

(VnMedia) - Nhiều người thích mua "sữa xách tay" vì sính ngoại. Song, do ít có cơ hội tìm hiểu chất lượng sữa ra sao nên họ tin tưởng hoàn toàn vào người bán, để mặc không ít nguy cơ sức khỏe đang rình rập.

Mua sữa "xách tay” vì sính hàng ngoại
 
Tìm kiếm trên Google với từ khóa sữa "xách tay” cho ra hàng triệu kết quả với hàng loạt sản phẩm xách tay đủ nhãn hiệu xuất xứ, thậm chí có hẳn một trang web shopsuaxachtay.vn rao bán đủ các loại sữa Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Các sản phẩm sữa "xách tay" được giới buôn bán trưng lên trang mạng với nhiều câu từ hấp dẫn, câu khách như: “sản phẩm duy nhất có đến 54 thành phần dưỡng chất, hoặc tất cả các sản phẩm sữa Wakodo đều được sản xuất ở Nhật Bản theo dây chuyền công nghệ hiện đại, được theo dõi chặt chẽ nghiêm ngặt…” đã khiến không ít bà mẹ đọc được và tìm tới sản phẩm này.
 
Khi đọc được quảng cáo về địa điểm bán "sữa xách tay" trên mạng, chị Nguyễn Thị H. (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhanh chóng tìm và mua cho con sử dụng. Nhưng điều đáng nói là không có căn cứ nào có thể giúp chị có thể kiểm chứng được là con mình có dùng đúng hàng “xịn” từ nước ngoài đem về hay không ngoài niềm tin từ người bán hàng. Chị H. cho biết, một thời gian dài dùng sữa xách tay, con chị cũng phát triển bình thường, không có gì là vượt trội cả.
 
Điểm chung duy nhất giữa các sản phẩm này chính là bao bì không có dòng chữ nào bằng tiếng Việt để phân biệt với hàng nhập khẩu chính thức. Một bà mẹ trẻ có thói quen mua các sản phẩm sữa "xách tay" cho con dùng khác cũng tâm sự rằng, chị thấy các thông số, thông tin ghi trên sản phẩm sữa ngoại thường là bằng tiếng của nước sản xuất. Chính điều này thực ra cung cấp thông tin rất hạn chế, gây khó khăn cho người sử dụng như chị và các bà mẹ Việt Nam. Nếu chỉ nhìn qua nhãn mác những sản phẩm này chị cũng không thể phân biệt được chất lượng. Ngay cả khi hàng thật - hàng giả đặt cạnh nhau chị cũng chịu không thể phân biệt. Đi mua sữa hầu như chị đặt trọn sự tin tưởng vào người bán, hy vọng rằng những cửa hàng quen sẽ cung cấp hàng tốt cho chị.
 
Sữa "xách tay” đã đánh vào tâm lý những người thích dùng hàng ngoại nhưng giá rẻ nên những người bán hàng trên mạng đã đưa ra những mức giá hấp dẫn. Đơn cử như một hộp sữa Grow Advand hàng nhập khẩu, loại 1,8kg có giá hơn 600.000 đồng/1hộp, trong khi hàng xách tay cùng loại có giá gần 550.000 đồng/1 hộp.
 
Mặc dù giá cả không chênh lệch nhau nhiều nhưng tâm lý chung của người tiêu dùng là được dùng hàng “xịn” mà giá lại rẻ hơn hàng nhập khẩu. Cộng với việc nhiều người chỉ quan tâm đến giá cả và tên sản phẩm, chứ cách nhận biết đâu là hàng giả thì lại bỏ qua hoặc không biết. Điều này là một trong những nguyên nhân để cho hàng trá hình có cơ hội xuất hiện. 

Ảnh minh họa


Sữa "xách tay” đã đánh vào tâm lý những người thích dùng hàng ngoại. (Ảnh minh họa)


Tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn
 
Về góc độ khoa học, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai phân tích, Sữa "xách tay" tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho người sử dụng. Bởi nguyên tắc một sản phẩm nào đó thì đều cũng có quy trình chất lượng riêng từ khâu đóng gói, cất giữ đến vận chuyển... Và một sản phẩm có thể bị biến hóa hay mất đi do quá trình này không đúng quy cách.
 
Đơn cử, khi nhà sản xuất vận chuyển theo một khối lượng lớn bao giờ họ cũng có quy trình đóng gói và bảo quản cẩn thận về nhiệt độ hay độ ẩm. Còn những trường hợp mang hàng xách tay thì thường cầm trên tay, cho vào vali đi máy bay, tàu biển không theo một quy trình bảo quản nào nên các thực phẩm như sữa rất dễ bị mất phẩm chất. Vì vậy, ông Dũng cũng khuyến cáo người dân khi lựa chọn những sản phẩm dạng sữa cần phù hợp theo lứa tuổi và những tiêu chuẩn bảo quản.
 
Bên cạnh đó, dựa vào pháp luật có sự ưu đãi không kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng đối với các mặt hàng xách tay nên những người kinh doanh mặt hàng này càng có cơ hội để trà trộn, đưa ra những mặt hàng không đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, điều đáng nói là theo điều 15, Nghị định 45 năm 2005 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì những mặt hàng mà chưa được Nhà nước kiểm định và công bố về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được lưu thông trên thị trường và càng không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy "sữa xách tay" là một trong những sản phẩm như vậy.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao các trang web quảng cáo các mặt hàng "sữa xách tay" vẫn ngang nhiên hoạt động. Các sản phẩm này thường được rao bán trên mạng, có in số điện thoại của người bán và khi người mua hẹn ở đâu sẽ có người đem đến tận nơi hoặc bán tại nhà. Điều này cũng khó để người mua nhận biết liệu mình có mua phải hàng giả hay không. Nếu xảy ra hậu quả không hay người tiêu dùng chẳng biết bán vào đâu. Vì vậy một lần nữa các bà mẹ cần cẩn trọng khi mua và dùng sữa.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc